Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Băn khoăn xây dựng ngân hàng đề thi mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/4/2023 | 8:32:53 AM

Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bày tỏ lo ngại khi thời gian thực hiện đổi mới thi Tốt nghiệp THPT chỉ còn 2 năm là rất gấp gáp trong khi Bộ GD&ĐT phải xây dựng ngân hàng đề đảm bảo khách quan, tin cậy.

Học sinh phải đổi mới cách học khi Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ 2025 có nhiều đổi mới.
Học sinh phải đổi mới cách học khi Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ 2025 có nhiều đổi mới.

Chưa kể đề thi, phương án thi phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó hướng đến đánh giá năng lực học sinh.

Theo Dự thảo phương án thi Tốt nghiệp từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT lấy ý kiến chuyên gia, nhà giáo đến ngày 17/5, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức một kỳ thi chung cho học sinh toàn quốc để xét tốt nghiệp THPT và lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ. Trong đó, học sinh sẽ thi 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn. Kỳ thi vẫn được giao cho các địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm toàn diện, Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi.

Một số ý kiến cho rằng, điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ 2025 phải phù hợp với học sinh học chương trình mới.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nói rằng, mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới là hướng đến hình thành năng lực, phẩm chất của từng học sinh như: yêu nước, trung thực, chăm chỉ, trách nhiệm, tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo. Tuy nhiên, trong phương án đổi mới thi từ năm 2025 không có nhiều đổi mới. Với phương châm thi gì học nấy như lâu nay, chương trình hướng đến năng lực riêng của từng cá nhân nhưng vẫn tổ chức 1 cuộc thi chung toàn quốc, mỗi thí sinh thực hiện 6 bài thi các môn thì ngay từ bây giờ học sinh sẽ xác định chỉ tập trung vào các môn để thi. Nhà quản lý giáo dục nên tính toán phương án thi phù hợp hơn với mục tiêu của chương trình, chú ý đến sự phân hoá năng lực học sinh.

Lo ngại ngân hàng đề thi

Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), bà Văn Liên Na, cũng cho rằng, nếu đổi mới thi, Bộ GD&ĐT chỉ nên tổ chức kỳ thi chung nhằm lấy điểm xét tốt nghiệp và giao cho các trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng. Như vậy, kỳ thi chung sẽ đơn giản, nhẹ nhàng đối với học sinh. Hiện nay, dù Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp rầm rộ nhưng nhiều trường đã có phương thức tuyển sinh riêng. Đa số học sinh của nhà trường hiện đã tham gia song song 2 kỳ thi gồm đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp. Kết quả cho thấy, trường ĐH có phương thức đánh giá sát năng lực của học sinh hơn. "Ngoài ra, khi thực hiện chương trình mới, Bộ GD&ĐT cũng nên tính đến các yếu tố đánh giá khả năng, năng lực riêng biệt của từng học sinh. Ví dụ, một học sinh biết làm việc nhóm, làm dự án, tham gia nhiều hoạt động xã hội sẽ nổi trội hơn em cặm cụi học. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của chương trình mới là phát huy năng lực của từng học sinh”, bà Na nói.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), lại cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn nên là kỳ thi quốc gia và Bộ vẫn nên chỉ đạo chung, thanh tra, giám sát, ra đề thi. Vì nếu giao tất cả cho địa phương tổ chức hoàn toàn sẽ khó kiểm soát chất lượng, thậm chí có tiêu cực như gian lận thi năm 2018. Về nội dung các môn thi, khi đổi mới, số môn thi cũng cần thay đổi, phù hợp với chương trình mới làm sao đánh giá toàn diện, chặt chẽ hơn. Vì một kỳ thi để xét tốt nghiệp mà 99,9% học sinh đỗ thì công tác tổ chức vất vả, tốn kém không có ý nghĩa.

TS Khuyến cho rằng, điều quan trọng là Bộ GD&ĐT phải xây dựng được ngân hàng đề thi đa dạng, tin cậy. Muốn đạt được điều đó, đề thi phải có thời gian chuẩn bị và thử nghiệm trên hàng triệu học sinh, chứ không phải từ những cái "vỗ trán” của chuyên gia. "Trên thực tế, để thực hiện được có lẽ còn gian nan bởi vì sách giáo khoa của chương trình mới thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, năm này viết sách cho năm học tới. Hằng năm cứ đến dịp hè, các địa phương mới tập huấn sách cho giáo viên dạy chương trình mới. Như vậy, liệu có đủ thời gian để đội ngũ bổ sung câu hỏi vào ngân hàng đề và thử nghiệm theo chương trình mới hay không?”, TS Khuyến đặt câu hỏi.

Bộ GD&ĐT cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi từ năm 2025, ngân hàng câu hỏi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực. Cụ thể, Bộ cần chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 17 môn.
(Theo TPO)

Các tin khác
Niềm vui của thí sinh sau khi hoàn thành Kỳ thi tuyển sinh THPT tỉnh Yên Bái năm học 2023 - 2024.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 sẽ diễn ra. Dự kiến toàn tỉnh có trên 9.000 học sinh khối lớp 9 tham dự kỳ thi. Để hiểu rõ hơn về điểm mới cũng như công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn kịp thời khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc.

Văn Chấn là huyện vùng cao, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, huyện đã luôn quan tâm chú trọng, chỉ đạo các đơn vị trường học đổi mới toàn diện giáo dục, đặc biệt là đổi mới công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Nhờ đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn của huyện Văn Chấn ngày càng được nâng lên với những bước tiến đáng kể.

Từ ngày 24/4, thí sinh học lớp 12 năm học 2023-2024 có thể đăng ký dự thi thử tốt nghiệp THPT trực tuyến. Ảnh minh họa

Từ ngày 24-28/4, học sinh được đăng ký thi thử tốt nghiệp THPT trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Học sinh lưu ý khoảng thời gian này để tập dượt đăng ký dự thi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ việc đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục