"Trường học du lịch” là một mô hình đặc thù ở huyện Mù Cang Chải với mục tiêu bồi dưỡng, đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai có nhận thức, kỹ năng cơ bản về du lịch. Một trong những thành công của mô hình là đã thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả nhiều câu lạc bộ như: "Em làm hướng dẫn viên du lịch”, "Múa xòe Thái”, "Múa khèn Mông”, "Nhạc cụ dân tộc”... là nơi để chia sẻ, trao truyền các nét đẹp văn hóa dân tộc, bồi đắp niềm tự hào dân tộc trong học sinh.
7 đơn vị trường tham gia mô hình đã chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bản sắc, các hoạt động trải nghiệm thực tiễn trong và ngoài khu vực nhà trường, nhất là tại các địa điểm du lịch nổi tiếng; tăng cường tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng ứng xử, giao tiếp, thuyết trình, làm việc theo nhóm với mục tiêu tất cả học sinh được rèn kỹ năng, được định hướng, được bồi dưỡng để trở thành hướng dẫn viên du lịch.
Để phục vụ cho hoạt động trải nghiệm thêm phong phú, các đơn vị này còn xây dựng góc dân gian, chợ quê trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm, nguồn nông sản, đặc sản của quê hương; tạo các mô hình về cảnh đẹp, về địa danh, khu di tích lịch sử...
Song song với Mô hình "Trường học du lịch”, Mô hình "Trường học hạnh phúc”,"Lớp học hạnh phúc" cũng được triển khai đến 37/37 đơn vị. Bên cạnh việc từng bước hoàn thiện một môi trường học tập an toàn và nhiều yêu thương theo đúng mục tiêu của mô hình, các nhà trường còn chú trọng trang bị kỹ năng, năng lực và giá trị đạo đức thông qua việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục và đa dạng các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, cuộc thi...
Trong cách giảng dạy của giáo viên khi thực hiện mô hình này còn khuyến khích sự tự do, sáng tạo của học sinh, coi việc mắc lỗi là một phần của quá trình học tập, khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và làm việc nhóm, góp phần hình thành những kỹ năng, năng lực cần trong thực tiễn cuộc sống.
Đồng thời, các đơn vị cũng chú trọng giáo dục lý tưởng, bồi đắp "đức, trí, thể, mỹ” gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Ngoài ra, các trường học còn xây dựng mô hình trường học thư viện nhằm tạo môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh.
Đến nay, 100% các đơn vị trường học trên địa bàn đã có "Thư viện trường học thân thiện”, "Thư viện xanh”, "Tủ sách lớp học”... với các hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với từng cấp học.
Là đơn vị tích cực triển khai đồng bộ tất cả các mô hình trường học trên, Trường PTDTNT THCS huyện Mù Cang Chải đã có những thay đổi tích cực mà bất cứ học sinh nào ở ngôi trường này cũng đều dễ dàng nhận thấy.
Em Hoàng Gia Hưng - học sinh Lớp 9A chia sẻ: "Hai năm học trở lại đây, chúng em cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong môi trường học tập này đang chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Cũng giống như các bạn ở thành phố, chúng em được tạo môi trường, điều kiện để tổ chức ngày một nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, rèn luyện nhiều kỹ năng: giao tiếp, ứng xử, thuyết trình, đọc sách, làm việc nhóm. Sự thay đổi trong cách truyền đạt kiến thức của thầy cô cũng giúp chúng em hình thành sự tự tin, tự lập - đây cũng là kỹ năng mà người "đồng bào” chúng em còn đang hạn chế”.
Năm học 2021-2022, toàn huyện có 99,24% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình; tỷ lệ học sinh được nhận giấy khen tăng lên 25,9%; 100% học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp THCS. Có thể khẳng định, các mô hình này không những hình thành một diện mạo giáo dục mới theo hướng hiện đại mà còn góp phần quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt là phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của học sinh, góp phần xây dựng một thế hệ công dân mới theo chuẩn mực "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Hoài Anh