Chương trình Giáo dục phổ thông 2018- Bước ngoặt đổi mới giáo dục Yên Bái

Bài 1: Vào cuộc quyết liệt, tích cực triển khai

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/5/2023 | 7:32:29 AM

YênBái - Yên Bái đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án, chính sách đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Đồng thời, các nhà trường nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (ngoài cùng, bên phải) tặng Trường TH và THCS Sơn A, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ phòng máy vi tính với tổng kinh phí 500 triệu đồng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (ngoài cùng, bên phải) tặng Trường TH và THCS Sơn A, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ phòng máy vi tính với tổng kinh phí 500 triệu đồng.

HĐND tỉnh đã ban hành 9 nghị quyết về lĩnh vực GD&ĐT. UBND tỉnh ban hành 3 đề án về giáo dục, trong đó có Đề án triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018

Cùng với đó, tỉnh xây dựng Đề án trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí thực hiện trên 1.542 tỷ đồng, trong đó 1.502 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. 

Tỉnh tăng cường quán triệt, tuyên truyền và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tỉnh đã thực hiện các nội dung của đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT theo hướng thực chất, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 

Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Công tác tuyên truyền, phổ biến về Chương trình GDPT 2018 được thực hiện với nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, lớp bồi dưỡng chính trị hè, sinh hoạt chi bộ đảng và các đoàn thể xã hội, đối thoại... 
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân, nhất là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh toàn ngành về mục tiêu, nhiệm vụ, sự cần thiết của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT được nâng lên rõ rệt. 

Đặc biệt, chương trình đã tạo được sự đồng thuận của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong việc quan tâm, chăm lo, đầu tư cho GD&ĐT. 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện; tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, chuẩn bị các điều kiện cần thiết; ưu tiên cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các lớp thực hiện chương trình, đảm bảo 100% lớp 1, 2, 3 được học 2 buổi/ngày. Huyện huy động các nguồn kinh phí, các tổ chức xã hội để mua máy chiếu, ti vi thông minh, bảng tương tác và các trang thiết bị khác để phục vụ cho dạy học”. 

Hàng năm, tỉnh tổ chức bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy các lớp đổi mới, lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 về phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo chương trình và sách giáo khoa mới; rà soát đội ngũ, ưu tiên bố trí đủ giáo viên dạy lớp 6, 7; bố trí giáo viên các môn học mới, môn học tích hợp; phân công giáo viên dạy học các nội dung, chủ đề, phân môn phù hợp với năng lực chuyên môn; bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp. 


Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT giai đoạn 2014 - 2022 tại Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. 

Ngày 24/6/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND về bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học, Công nghệ cấp tiểu học; dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý cấp trung học cơ sở đảm bảo giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025. 

Trong đó, bồi dưỡng 1.062 giáo viên dạy các môn tích hợp với 224 giáo viên dạy Tin học và Công nghệ, 475 giáo viên Khoa học tự nhiên, 363 giáo viên Lịch sử và Địa lý; phân kỳ năm 2022 bồi dưỡng 500 giáo viên, năm 2023 bồi dưỡng 562 giáo viên. 

Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2018 được quan tâm. Đến nay, đã hoàn thành bồi dưỡng 9 modul theo Quyết định số 4660/QĐ-BGDĐT cho 100% cán bộ quản lý và 100% giáo viên cốt cán cơ sở GDPT. Đối với giáo viên đại trà, đã hoàn thành bồi dưỡng các Modul 1, 2, 3, 4, 5 trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS) của Bộ GD&ĐT. 

Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương và cơ sở giáo dục; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình mới. 

Triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT, Sở GD&ĐT Yên Bái đã ban hành các văn bản nhằm hướng dẫn, triển khai bồi dưỡng đội ngũ, giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; chỉ đạo tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên đề bộ môn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học. 

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các trường phổ thông cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng học/lớp. Các trường đã bố trí, sắp xếp linh hoạt các phòng học bộ môn, thí nghiệm thực hành, thư viện, thiết bị giáo dục… để đảm bảo quá trình dạy và học theo chương trình GDPT mới. 

Thầy giáo Phạm Văn Thư - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Lục Yên nhận định: "Nội dung sách giáo khoa, Chương trình GDPT 2018 phù hợp thực tiễn của nhà trường, địa phương. Cấu trúc chương trình, sách giáo khoa đảm bảo tính logic, phù hợp đặc thù của mỗi môn học, lứa tuổi học sinh. Đội ngũ giáo viên chuyên ngành, tổ chuyên môn, giáo viên phụ trách các môn học mới được tập huấn, bồi dưỡng modul, về sách giáo khoa, triển khai các môn học". 

"Nội dung và hình thức sách giáo khoa mới có nhiều thực hành, thực tiễn, thiết kế sáng tạo, mới mẻ, khơi dậy tinh thần chủ động học tập của học sinh. Thông qua đó, học sinh được mở rộng kiến thức về xã hội và bản thân. Đặc biệt sau gần 1 năm thực hiện chương trình mới đối với lớp 10, chất lượng giáo dục của lớp 10 năm học này tốt hơn, học sinh có khả năng phản biện xã hội, tổ chức tập thể, hoạt động ngoại khóa cao hơn so với các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục 2006” - thầy Thư cho biết thêm.

Công tác chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được các địa phương quan tâm, chú trọng. Theo bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng Phòng GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ, căn cứ hướng dẫn của cấp trên, Phòng GD&ĐT thị xã đã triển khai đến các nhà trường việc thực hiện luân chuyển, điều động giữa các đơn vị trường, từ nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều nhằm đảm bảo số lượng cân bằng theo quy mô trường, lớp. 

Cùng với đó, Phòng bố trí tăng cường, đổi chéo giáo viên giữa các đơn vị để đảm bảo 100% trường có đủ giáo viên để thực hiện đúng, đủ chương trình các môn học đối với tất cả các khối lớp, trong đó ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm tốt hơn tham gia giảng dạy các lớp thuộc Chương trình GDPT 2018. Điển hình như Trường TH&THCS Nguyễn Quang Bích, Trường TH&THCS Trần Phú đang bố trí giáo viên tiếng Anh bậc THCS xuống dạy tăng cường cho bậc tiểu học.

Thực hiện Chương trình GDPT 2018 sẽ giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Từ mục tiêu trên, sau 3 năm Yên Bái triển khai Chương trình GDPT 2018 cho thấy, việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá… đang chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả và bền vững. 

Hồng Duyên
Bài 2: Chất lượng giáo dục nâng cao toàn diện

Tags Yên Bái Chương trình Giáo dục phổ thông giáo dục đào tạo

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo phải cung cấp cho thí sinh các thông tin về các phương thức xét tuyển đối với từng ngành, nhóm ngành.

Trường Mầm non Đông Cuông luôn quan tâm tới chất lượng nuôi, dạy trẻ.

Việc triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc” bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cộng đồng ngày càng được nâng cao.

Ban tổ chức trao giải đặc biệt và giải nhất cho các thí sinh xuất sắc

Ngày 6/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giáo dục EDUCA Corporation tổ chức vòng thi đặc biệt chương trình “Vì Yên Bái giỏi Tiếng Anh” cấp Tiểu học năm học 2022 - 2023. Tham gia vòng thi đặc biệt có 108 học sinh xuất sắc đã vượt qua gần 8.000 thí sinh tham dự ở 3 vòng thi.

Ảnh minh hoạ

Chiều 5/5, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 - 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục