Dự và chỉ đạo Hội nghị có Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sỹ Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng đoàn kiểm tra.
Về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) & xây dựng xã hội học tập (XHHT) tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.
Tại Hội nghị, báo cáo của Sở GD&ĐT nêu rõ: trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái đã quan tâm chỉ đạo, triển khai công tác PCGD, XMC, đưa nhiệm vụ PCGD, XMC vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án hàng năm, cụ thể hóa bằng chỉ tiêu cụ thể.
Hàng năm, tỉnh Yên Bái luôn bố trí kinh phí để duy trì công tác PCGD, XMC, trong đó năm 2022 đã phân bổ 1,5 tỷ đồng để tập trung thực hiện các hoạt động kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả PCGD, XMC; chi mở các lớp PCGD, XMC và giáo dục sau khi biết chữ, bổ túc trung học cơ sở (THCS); chi kiểm tra, giám sát việc tổ chức và nghiệm thu các lớp PCGD, XMC.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng PCGD, XMC nói riêng đạt được những thành tựu to lớn. Tỉnh Yên Bái đạt chuẩn PCGD tiểu học (TH) và XMC năm 1997, PCGD THCS năm 2007, chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi năm 2009, chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2015, PCGDTH mức độ 3 năm 2022.
Đến nay, hệ thống giáo dục của Yên Bái có những bước phát triển đáng kể với 442 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô trên 6.900 lớp, trên 227.000 học sinh. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 94,9%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,9%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,97%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,6%.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đạt 53,4%, vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 27,1% (năm 2023 giao 2 chỉ tiêu này là 60% và 30%). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 44,5%, vào học đại học đạt 29,6%.
Yên Bái là một trong số ít các tỉnh miền núi phía Bắc có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế: 01 Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2019, 01 giải khuyến khích Olympic Vật lý Châu Á -Thái Bình Dương.
Chất lượng giáo dục THPT có nhiều chuyển biến. Năm 2022, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,85%; điểm trung bình thi tốt nghiệp của học sinh Yên Bái năm 2022 tăng 11 bậc so với năm học trước, đứng thứ 30/63 tỉnh trên toàn quốc.
Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học. Toàn tỉnh hiện có 321/442 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 72,6% tổng số.
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT, qua kiểm tra thực tế từ ngày 10-12/5/2023, tại 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, tỉnh Yên Bái đáp ứng về tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2, đạt 100%; trong đó 1 đơn vị (thành phố Yên Bái) đạt chuẩn mức độ 3 (đạt 11,11%). 173/173 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 (đạt 100%); trong đó, 103 đơn vị đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 (đạt 59,54%).
Số thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15-18 tốt nghiệp THCS là 51.398/53.615, đạt 95,86%. Số thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15-18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệplà 39.248/51.398, đạt 76,36%.
Các trường học trên địa bàn tỉnh có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định để tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Số phòng học kiên cố đạt 1.498/1.575 (95,11%), có 55 phòng bán kiên cố, 22 phòng tạm và 1.296 phòng chức năng; 196 sân chơi cho học sinh với tổng diện tích194.544 m2; 179 bãi tập cho học sinh với tổng diện tích 116.696 m vuông.
Toàn tỉnh đến hết năm 2022 có 322 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp THCS 180 trường. 100% Tỉ lệ giáo viên THCS đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 là 100%; theo Luật Giáo dục 2019 là 82,97%; đạt yêu cầu chuẩn nghề nghiệp là 100%.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đoàn công tác cũng chỉ ra một số khó khăn của tỉnh Yên Bái như số phòng học tạm, học nhờ còn nhiều; đội ngũ giáo viên còn thiếu…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh - Trưởng Ban chỉ đạo PCGD, XMC & xây dựng XHHT tỉnh khẳng định, trong những năm qua, công tác PCGD, XMC luôn được tỉnh quan tâm chú trọng. Song, Yên Bái còn nhiều khó khăn với 57% dân tộc thiểu số, 59/173 xã đặc biệt khó khăn, điều kiện thiên nhiên, địa hình chia cắt ảnh hưởng lớn tới công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.
Tuy vậy, tỉnh luôn nỗ lực, cố gắng đổi mới trong chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; trong nhiệm kỳ vừa qua đã đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục - đào tạo. Phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá được xác định trong mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái trong đó đã nêu cụ thể các chỉ tiêu, giải pháp về GD&ĐT.
Ngay sau Đại hội, tỉnh Yên Bái ban hành 12 nghị quyết chuyên đề trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì có 2 nghị quyết về GD&ĐT. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành rất nhiều chính sách đặc thù như chính sách hỗ trợ học sinh.
Đến nay, hệ thống giáo dục Yên Bái có những bước phát triển vượt bậc. Quy mô mạng lưới trường, lớp học được sắp xếp tương đối bài bản, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế. Công tác huy động học sinh ra lớp được đảm bảo. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, toàn diện, giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc thực hiện PCGD còn nhiều khó khăn, tỉnh Yên Bái tiếp thu nghiêm túc những tồn tại, hạn chế mà đoàn công tác đã nêu. Đồng chí đề nghị các ngành thành viên Ban chỉ đạo tỉnh rà soát, hoàn thiện.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 195 phòng học tạm, học nhờ, chiếm gần 14% số phòng học. Trong đó, 50% số phòng học tạm đã có chủ trương đầu tư năm 2023; số còn lại nằm trong 3 đề án về GD&ĐT mà tỉnh đã phê duyệt. Tỉnh Yên Bái phấn đấu đên năm 2025 không còn phòng học tạm, học nhờ và bổ sung thêm phòng học bộ môn.
Để khắc phục tạm thời tình trạng thiếu giáo viên, tỉnh đã linh hoạt giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; biệt phái, bố trí giáo viên dạy liên trường… Về giải pháp lâu dài, tỉnh xác định là tuyển mới, đào tạo, đặt hàng các trường; ban hành chính sách thu hút giáo viên về vùng cao; giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT về các trường sư phạm mời gọi sinh viên ra trường về công tác tại Yên Bái.
Tại Hội nghị, Đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT đã thông qua biên bản kiểm tra và kết luận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở mức độ 2 tại thời điểm tháng 12 năm 2022. Như vậy, Yên Bái sẽ là tỉnh thứ 18 trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2.
Ký kết biên bản kiểm tra giữa đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT với UBND tỉnh Yên Bái
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Yên Bái đến công tác giáo dục nói chung, PCGD nói riêng. Đồng chí khẳng định, tỉnh Yên Bái có nhiều giải pháp sáng tạo trong việc khắc phục khó khăn, đạt được kết quả cao trong công tác PCGD, XMC.
Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Yên Bái cần tiếp tục quán triệt sâu sắc những chủ trương, chính sách về công tác phổ cập giáo dục; từng bước câng cao chất lượng phổ cập giáo dục; thực hiện PCGD phải phù hợp, linh hoạt trong điều kiện hiện nay đang thực hiện Chương trình GDPT 2018; tạo điều kiện đảm bảo chất lượng về đội ngũ (đồng bộ về cơ cấu), cơ sở vật chất.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp quản lý, quản trị - đây là khâu then chốt thực hiện nhất là trong thời điểm hiện nay đang thực hiện Chương trình GDPT 2018 và nâng cao nhận thức về công tác phổ cập giáo dục.