Tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chiều 27/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn dự phiên họp và trao đổi một số nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Phiên họp đã thảo luận báo cáo kết quả hoạt động từ Kỳ họp thứ 4 đến Kỳ họp thứ 5 và dự kiến công tác 6 tháng cuối năm 2023 của Uỷ ban thuộc các lĩnh vực: văn hóa, du lịch, tôn giáo; giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thông tin, truyền thông, thể thao; thanh niên và trẻ em; báo cáo kết quả hoạt động của nhóm pháp luật; báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 trong các lĩnh vực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục phụ trách về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đánh giá: Ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Phối hợp với các Bộ, ngành trong vực ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến giáo dục và đào tạo.
Tổ chức thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 an toàn, tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả. Từng bước khắc phục sự bất hợp lý về cơ cấu, tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Việc thực hiện các chính sách cho người dạy, người học và các cơ sở giáo dục tiếp tục được quan tâm, cơ sở vật chất thiết bị dạy học được tăng cường.
Chất lượng giáo dục các cấp học được củng cố, duy trì. Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, được quốc tế ghi nhận và đánh giá. Tự chủ đại học và đổi mới quản trị hệ thống giáo dục đại học được đẩy mạnh. Công tác tuyển sinh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành đồng bộ thông qua cổng dịch vụ quốc gia thành công, tạo thuận lợi cho người học, được phụ huynh và học sinh đánh giá cao, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục…
Báo cáo cũng đề cập tới những vấn đề cần quan tâm trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong đó, quan tâm nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo trong thời gian sớm nhất; tổng kết toàn diện 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo tinh thần Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; nghiên cứu thực trạng và nhu cầu triển khai mô hình giáo dục đại học số.
Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao. Rà soát, xác định số lượng và cơ cấu giáo viên ở các cấp, các môn học để kịp thời đề xuất, trình cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế, tuyển dụng giáo viên, sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, bổ sung giáo viên dạy các môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trao đổi tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc tới hoạt động giám sát thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang được Quốc hội triển khai với đánh giá: Đoàn giám sát đã đến với cơ sở, đến với giáo viên, đến với học sinh để lắng nghe hơi thở từ trường học, từ cuộc sống, qua đó thực hiện giám sát có chiều sâu, khách quan, sát với thực tế.
Bộ trưởng cũng mong muốn báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ nhìn nhận, đánh giá toàn diện về ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 tới quá trình triển khai. Bởi ngay trong những năm đầu tiên triển khai toàn ngành Giáo dục đã phải cố gắng gấp 2-3 để vừa ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo tránh đứt gãy các hoạt động giáo dục, vừa triển khai đổi mới với mục tiêu và kỳ vọng rất lớn.
Chia sẻ hàng loạt công việc ngành Giáo dục đang và sẽ phải làm như: đánh giá giai đoạn 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023; chuẩn bị đủ sách giáo khoa cho năm học mới, thẩm định sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12; xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29… Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn, các đại biểu Quốc hội đã và đang ủng hộ, chia sẻ với ngành sẽ tiếp tục chia sẻ, ủng hộ.
Một số việc cụ thể được Bộ trưởng đề cập với mong muốn nhận được sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội như tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên; dành quỹ đất cho giáo dục để mở đường cho xã hội hóa trong giáo dục.
Riêng về tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, Bộ trưởng cho biết: Sau khi vấn đề này được Bộ GDĐT đề nghị ở Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét phương án cụ thể. Bộ GDĐT đã nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%. Hiện phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.
"Trong các ủng hộ tại diễn đàn Quốc hội, mong rằng các đại biểu sẽ ủng hộ việc tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, để đảm bảo số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục", Bộ trưởng chia sẻ.
Trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về bất cập trong thực hiện Nghị định 116 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, Bộ trưởng cho hay: Bộ GDĐT đang gấp rút xây dựng Nghị định 116 sửa đổi, đáp ứng yêu cầu về đào tạo giáo viên và khắc phục những bất cập trong đặt hàng đào tạo.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá: Các Bộ, ngành đã rất cố gắng và đã nhìn thấy những chuyển động tích cực, rõ nét ở các lĩnh vực. Ngành Giáo dục triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong điều kiện dịch bệnh rất khó khăn nhưng đã thích ứng được.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng trao đổi về vấn đề ngân sách cho lĩnh vực văn hoá, giáo dục; chính sách thúc đẩy xã hội hóa với các lĩnh vực này và lưu ý với các Bộ, ngành về công tác giải ngân.
(Theo VTV)