Tại Hội nghị, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó trưởng phòng, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an cho biết để gian lận trong phòng thi, thí sinh có thể sử dụng những thiết bị điện tử tinh vi, siêu nhỏ; có thể liên kết với các thiết bị có gắn sim điện thoại để hỗ trợ cho việc gọi, nghe lời giải từ bên ngoài đưa vào. Đặc điểm chung của các thiết bị công nghệ cao dùng để gian lận thi cử thường được thiết kế nhỏ gọn, gắn với các đồ vật thông dụng, sử dụng hằng ngày.
Theo ông Thái để thực hiện hành vi gian lận, thí sinh thường sử dụng thiết bị có 2 thành phần chính: thành phần trong phòng thi (gắn với thí sinh), thành phần ngoài phòng thi (gắn ở bất kỳ địa điểm nào với đối tượng bên ngoài). Trong phòng thi, thiết bị sử dụng gắn với thí sinh có 2 bộ phận, gồm: tai nghe và thiết bị thu phát. Theo đó, tai nghe phổ biến là dạng siêu nhỏ, chỉ bằng hạt ngô, hạt đậu đặt vào trong lỗ tai, sử dụng kết nối không dây đến bộ thu phát. Thí sinh sẽ thực hiện gắn tai nghe vào tai trước khi vào phòng thi, vì rất nhỏ nên giám thị khó nhận biết.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022.
Thiết bị thu phát phổ biến được ngụy trang dưới đồ vật thông dụng, như thẻ ATM, bút viết, đồng hồ, kính mắt, dây thắt lưng; máy tính cầm tay cũng có thể được ngụy trang... Thiết bị này được gắn thẻ sim điện thoại, 3G, 4G; hoạt động theo nguyên lý của máy điện thoại, hoặc nguyên lý thu phát sóng wifi, bluetooth, hay giao tiếp trường gần.
"Hiện trong các điện thoại thông minh có liên kết trường gần NFC. Đây là công nghệ truyền dữ liệu không dây 2 chiều; không phụ thuộc vào sóng wifi, 3G, 4G. Quy chế thi yêu cầu đồ vật, cặp sách của thí sinh phải cách phòng thi 25m cũng là để ngăn ngừa các liên kết này”, ông Thái thông tin.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ thành lập 4 đoàn thanh tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia làm việc với Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Sở GD&ĐT, Hội đồng thi.
Đồng thời ông Thái cũng cho biết, ngoài ra còn có thiết bị hoạt động theo nguyên lý thu phát sóng vô tuyến, hình ảnh, âm thanh, tin nhắn, file dữ liệu qua lại trong và ngoài phòng thi. Thông tin được chuyển đến đối tượng giải đề thi và truyền ngược lại cho thí sinh.
Những năm gần đây, việc giao tiếp qua trường gần có thể sử dụng kính thông minh, nhìn bên ngoài như là một kính mắt bình thường; nhưng chiều ngược lại, thí sinh nhìn lại là một màn hình ảo. Từ gọng kính có phím để điều chỉnh qua lại các hình ảnh dữ liệu. Giao tiếp trường gần cũng được phát triển tích hợp vào vòng, nhẫn đeo tay, liên kết với điện thoại di động, tai nghe, có thể lấy bàn tay làm màn hình…
Để nhận biết, hạn chế các loại thiết bị có thể gian lận trong phòng thi, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái đưa ra 6 phương pháp. Đầu tiên là sử dụng phương tiện kỹ thuật để kiểm soát, ngăn chặn; chặn đường truyền của thiết bị gian lận; sử dụng phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, phát hiện thí sinh trước khi vào phòng thi. Theo ông Thái, những phương pháp này khó khả thi đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT với quy mô lớn. Do đó, ông cho rằng, khả thi và dễ thực hiện nhất là 3 phương pháp: quan sát đặc điểm của vật dụng mà thí sinh mang vào, kiểm tra để nhận biết dấu hiệu khác, qua đó ngăn chặn được hoạt động gian lận; quan sát biểu hiện tâm lý không bình thường của thí sinh; quan sát các hoạt động bất thường của thí sinh, như tay vuốt vào đồng hồ, gọng kính…
"Cán bộ coi thi tại các phòng thi có vai trò hết sức quan trọng trong phát hiện các thủ đoạn, phương thức sử dụng, phương tiện kỹ thuật để thực hiện hành vi gian lận. Do đó, ngoài được tập huấn, việc lựa chọn cán bộ coi thi có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm là hết sức quan trọng”, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái nói.
Thanh tra cần dự báo trước các tình huống
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho biết, tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng quy mô rộng, khối lượng công việc rất lớn, nhiều chủ thể tham gia và nhận sự quan tâm của toàn xã hội. Đây là kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá kết quả 12 năm học tập của học sinh, cũng như chất lượng công tác dạy học, quản lý của nhà trường, là một trong những điều kiện để xét tuyển vào các trường cao đẳng, ĐH và dạy nghề. Do đó, đòi hỏi sự nghiêm minh, công bằng, khách quan, trung thực.
Theo ông Thưởng, một trong những chủ thể có đóng góp quan trọng, đảm bảo kỳ thi an toàn nghiêm túc, đúng quy chế là lực lượng thanh tra. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tập huấn thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng đề nghị, ngoài những tài liệu đã cung cấp, các báo cáo viên cần phổ biến những nội dung cốt lõi nhất, quan trọng nhất, đưa ra những tình huống, những vấn đề bình thường dễ phát sinh tiêu cực, rủi ro để cùng thảo luận và dự báo trước.
Tuy vậy, ông Thưởng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ thanh tra là tạo ra một kỳ thi nghiêm túc an toàn, nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng, không căng thẳng quá mức. Cụ thể, đó là làm việc đúng quy chế, đúng quy định, đúng chức trách, nhiệm vụ; thái độ làm việc nhẹ nhàng, thân thiện, nhưng vẫn nghiêm túc, cương quyết. Chú trọng công tác phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa Thanh tra Bộ GDĐT với các đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ, thanh tra của địa phương, với Bộ Công an và các lực lượng khác. Coi trọng sự chủ động của thanh tra trong xây dựng kế hoạch, đề xuất nội dung, thời điểm để bảo đảm vừa bao quát nhiệm vụ, vừa trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo.
(Theo TPO)