Hơn 10 năm công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, trước ngày 1/7/2023, thầy giáo Vàng A Lù có tổng thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng. Vợ thầy Lù làm nông nghiệp, thu nhập thấp. Với mức thu nhập này, gia đình thầy Lù phải "thắt lưng buộc bụng” mới đủ chi phí. Từ ngày 1/7 khi mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, lương của thầy Lù tăng thêm hơn 2 triệu đồng. Thầy Lù chia sẻ: "Được tăng lương, gia đình tôi cũng sẽ đỡ vất vả hơn, tôi vui lắm”. Với thầy cũng như nhiều giáo viên trong trường, đây là lần được tăng lương cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trường PTDTBT Tiểu học Tà Ghênh có 35 cán bộ, giáo viên, chiếm tới 50% người không phải người địa phương, đều ở nhà công vụ tại trường. Thầy Trần Văn Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Từ hệ số lương cộng với phụ cấp ưu đãi và thâm niên công tác, khi lương cơ sở tăng thì cán bộ, giáo viên trong trường sẽ được tăng thêm từ 1 đến 4 triệu đồng, giúp cuộc sống đảm bảo hơn. Đây là niềm động viên với giáo viên chúng tôi để yên tâm công tác”.
Lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời Trường PTDTBT Tiểu học Tà Ghênh, xã Nậm có, huyện Mù Cang Chải.
Tăng lương sẽ càng là niềm động viên lớn với các cô giáo khối mầm non, bởi nhiều cô ở vùng kinh tế khó khăn, cuộc sống rất vất vả. Nhiều giáo viên phải công tác ở những địa điểm xa, di chuyển nhiều và rất tốn kém. Giáo viên mầm non có đặc thù công việc là vừa chăm sóc, nuôi dưỡng lại vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục trẻ nên so với các cấp học khác, giáo viên mầm non có khá nhiều áp lực. Thời gian làm việc dài, công việc nhiều, đặc biệt giáo viên mầm non ở vùng cao, vùng khó khăn lại còn những việc không tên khác với vai trò thay cả cha mẹ chăm sóc trẻ.
Không giấu nổi niềm vui, cô Lò Thị Hoàn, giáo viên Trường mầm non Họa Mi, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cho biết: "Gia đình tôi ở Sơn La sang Trạm Tấu dạy học, neo người nên tôi phải gửi con nhỏ cho bà ngoại, cuối tuần mới được về với con. Trên chục năm công tác với mức lương hiện tại 10 triệu đồng, chi phí đi lại, ăn uống, thuê nhà và gửi bà nuôi con thì hơi eo hẹp, luôn phải "giật gấu, vá vai”. Từ 1/7, lương của tôi tăng được thêm hơn 2 triệu đồng, cũng đỡ khó chi tiêu. Đây là niềm động viên lớn với tôi, giúp tôi yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”.
Toàn ngành giáo dục Yên Bái hiện có 12.867 cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non, phổ thông công lập hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có gần 6.000 thầy cô giáo, trong đó có 3.852 thầy cô, giáo (chiếm gần 30%) đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhiều thầy, cô đã có thời gian gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên. Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đang từng ngày được hoàn thiện và được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Từ ngày 1/7/2023, quyết định tăng lương cơ sở lên mức 1.800.000 đồng/tháng thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ chăm lo đến đời sống người lao động nói chung và viên chức ngành giáo dục nói riêng sẽ là niềm vui lớn với các thầy, cô giáo toàn tỉnh, nhất là các thầy, cô công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Đức Lương - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cùng với 9 nhóm đối tượng là lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ giáo viên được hưởng chính sách này, việc tăng lương cơ sở không chỉ giúp giáo viên tăng lương cơ bản mà còn tăng các khoản phụ cấp như: phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên nghề... Theo đó, thu nhập hàng tháng của giáo viên cũng được tăng cao hơn.
Trước đây, thu nhập của giáo viên các cấp dao động trong khoảng từ 3,7 đến khoảng 20 triệu đồng/tháng. Sau khi tăng lương cơ sở, thu nhập của giáo viên được cải thiện, trung bình có thể tăng từ 1 đến 4 triệu đồng/tháng. Với mức lương mới, khi cộng thêm các khoản phụ cấp thì thu nhập của giáo viên mới ra trường đạt 4,5 triệu đồng/tháng; thu nhập của giáo viên công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn có thể lên tới trên 25 triệu đồng/tháng.
Việc tăng lương cơ sở lần này là mức tăng khá cao so với những lần điều chỉnh trước đây. Với mức lương mới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành nói chung và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng sẽ phần nào giảm bớt khó khăn, tạo thêm động lực để các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với sự nghiệp "trồng người", đặc biệt ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn..
Minh Huyền