Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số cơ bản của GD&ĐT Yên Bái cao hơn mức trung bình cả nước. Tỷ lệ phòng học kiên cố của giáo dục mầm non, phổ thông đạt 100%; tỷ lệ trường phổ thông có phòng học bộ môn, thiết bị phòng học bộ môn và đủ thiết bị dạy học theo quy định đạt 100%; tỷ lệ phòng học ở trường mầm non và phổ thông có Internet đạt 100%.
Chất lượng giáo dục toàn diện và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia duy trì ổn định, phấn đấu trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đạt cao (trên 99% trẻ mẫu giáo ra lớp; 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; trên 99% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 các hệ đạt 60%; học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 98%).
Chủ trương dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường phổ thông; tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực…
Với mục tiêu đó, Yên Bái xác định sẽ tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch phát triển đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên tài chính và quỹ đất để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học hai buổi/ngày.
Khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập đáp ứng yêu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị, phát triển hệ thống trường mầm non và phổ thông trọng điểm về chất lượng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố; phấn đấu xây dựng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành trở thành trường chất lượng cao trong hệ thống các trường THPT chuyên của cả nước.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của các giáo viên giỏi, các nhà khoa học, người có trình độ sau đại học ở trong và ngoài nước đến làm việc, tham gia giảng dạy tại tỉnh; có chính sách hỗ trợ giáo viên được tuyển dụng lên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; thu hút giáo viên ngoài tỉnh về công tác tại Yên Bái.
Tiếp tục đổi mới GD&ĐT theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung đầu tư "3 trụ cột”: chuyển đổi số - đội ngũ giáo viên - ngoại ngữ. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng hiện đại và phù hợp với từng địa phương; đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá.
Đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật; kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
Đẩy mạnh triển khai hệ sinh thái phần mềm giáo dục trong quản lý và dạy học; ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động dạy - học, hoạt động quản trị, quản lý của ngành. Các cơ sở giáo dục tích cực, chủ động thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, nội dung giáo dục ở các cấp học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Quan tâm hơn nữa tới công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học. Thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ và nhu cầu của xã hội; huy động tối đa sự tham gia của doanh nghiệp trong việc dự báo nhu cầu, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, nội dung chương trình đào tạo, dạy nghề.
Tập trung đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học; quan tâm, chú trọng xây dựng môi trường khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên hình thành, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp và tự tạo cơ hội tìm kiếm, lựa chọn việc làm sau khi tốt nghiệp. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo; chủ động hợp tác quốc tế…
Để tiếp tục thực hiện thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện về GD&ĐT, ngành GD&ĐT đóng vai trò chủ công. Mặt khác, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia của toàn xã hội đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu.
Thanh Vy