15 địa phương công bố học phí năm học mới 2023 - 2024

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/8/2023 | 8:34:42 AM

Đến nay ít nhất 15 tỉnh thành công bố học phí năm học mới 2023-2024, được xây dựng căn cứ trên nghị định 81 của Chính phủ.

15 địa phương công bố học phí năm học mới 2023 - 2024. (Ảnh minh hoạ)
15 địa phương công bố học phí năm học mới 2023 - 2024. (Ảnh minh hoạ)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện dự thảo nghị định 81 sửa đổi, trình Chính phủ trước 8/8/2023. Nghị định cần sửa đổi theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Trước khi có yêu cầu Chính phủ nhiều địa phương đã xây dựng học phí năm học mới, hầu hết đều lựa chọn mức sàn trong khung học phí theo nghị định 81. Cụ thể mức thu ở khu vực thành thị là 300.000 đồng/học sinh/tháng, khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng. 

Bắc Ninh tăng học phí với khu vực thành thị lên 300.000 đồng/tháng với học sinh từ mầm non tới THPT và GDTX bậc THPT. Tại nông thôn, học sinh mầm non, tiểu học và THCS đóng 100.000 đồng/tháng; học sinh THPT và GDTX bậc THPT đóng 200.000 đồng/tháng.

Mức học phí này được áp dụng cho 3 năm học từ 2023 - 2024 đến 2025 - 2026.

Gia Lai công bố mức thu học phí chung với bậc mầm non và THCS là 66.000 đồng/tháng, bậc THPT là 115.000 đồng/tháng với học sinh tại cơ sở giáo dục thuộc các xã, phường, thị trấn không thuộc các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Bắc Giang quyết định tăng mức thu học phí, dao động 55.000 - 320.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên mức học phí này cao hơn mức sàn theo nghị định 81 của Chính phủ.

Vĩnh Phúc quy định với học sinh tại vùng thành thị (các phường thuộc TP Vĩnh Yên và Phúc Yên), học phí mầm non, tiểu học, THHCS ở mức 300.000 đồng/tháng (không quá 9 tháng/năm học).

Vùng nông thôn gồm các xã, thị trấn không phải là vùng dân tộc thiểu số miền núi, mức học phí với các cấp học là 100.000 đồng/tháng. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mức thu học phí các cấp học trên được điều chỉnh về chung mức 50.000 đồng/tháng.

Đối với cấp THPT mức thu học phí là 300.000 đồng/tháng ở vùng thành thị. Riêng trường THPT chuyên Vĩnh Phúc mức học phí cao nhất 360.000 đồng/tháng.

Nam Định thông báo từ năm học 2023-2024 trở đi, UBND tỉnh căn cứ mức trần quy định trong Nghị định 81, chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân của địa phương quyết định điều chỉnh học phí cho phù hợp nhưng không quá 7,5%/năm. Trường hợp không điều chỉnh, mức thu học phí sẽ thực hiện theo mức thu của năm học 2022-2023.

Long An tăng mức học phí năm học 2023 - 2024 lên 300.000 đồng/tháng với học sinh cấp học mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo), THCS ở vùng thành thị và mức 100.000 đồng/tháng với vùng nông thôn. Ở cấp học THPT có mức học phí 300.000 đồng/tháng đối với vùng thành thị và 200.000 đồng/tháng đối với vùng nông thôn.

Hải Phòng quy định về mức thu học phí năm học 2023 - 2024 với khu vực thành thị 300.000 đồng/tháng. Khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng cho ba bậc học mầm non, tiểu học, THCS. Bậc học phổ thông là 200.000 đồng/tháng.

Giống như trước, năm nay Hải Phòng tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông theo nghị quyết số 54 được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua năm 2019. Dự kiến thành phố trích hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục.

Đà Nẵng quyết định tăng mức học phí với cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT thuộc khu vực thành thị lên 300.000 đồng/tháng. Còn với khu vực nông thôn, bậc mầm non, tiểu học, THCS áp dụng mức thu 100.000 đồng/tháng, riêng cấp THPT thu 200.000 đồng/tháng.

Khu vực miền núi, Đà Nẵng áp dụng mức thu chung 50.000 đồng/tháng.

Thành phố cũng quyết định dự chi 408,2 tỷ đồng hỗ trợ 100% học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT (trong 9 tháng của năm học tới). Trong đó, hỗ trợ học sinh công lập hơn 316 tỷ đồng, hỗ trợ học sinh ngoài công lập hơn 92,2 tỷ đồng. Trẻ mầm non và học sinh trường có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện được miễn học phí.

Năm học tới Hà Nội quyết định thu học phí bằng với năm học 2022 - 2023 và bằng mức sàn khung học phí theo quy định của Chính phủ tại nghị định số 81.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng quyết định không hỗ trợ 50% học phí như các năm học trước đó. Vì vậy, số tiền thực đóng của học sinh năm nay sẽ tăng gần gấp đôi năm trước.

Cụ thể, ở khu vực thành thị, mức học phí với học sinh mầm non, THCS tăng gần 2 lần, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng. Ở khu vực xã miền núi, học sinh THPT đóng 100.000 đồng/tháng, tăng hơn 4 lần so với mức cũ - 19.000 đồng/tháng, còn bậc mầm non, THCS có mức đóng tăng hơn 2 lần, từ 24.000 đồng lên 50.000 đồng.

Các địa phương khác như Bình Thuận, Yên Bái, Đắk Nông, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình… đều đã xây dựng mức học phí cho năm học 2023 - 2024. Mức thu học phí mới đều được căn cứ theo Nghị định số 81 của Chính phủ dao dộng từ 50.000 đến 300.000 đồng/tháng.

Văn Tuấn (Theo VTV)

Các tin khác
Ngày hội STEM ở Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), Yên Bái đã từng bước thực hiện và xây dựng nền giáo dục mở, linh hoạt, dân chủ, gắn với thực tiễn; quản lý tốt, thực dạy, thực học, thực nghiệp. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa. So với mục tiêu thực hiện, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt.

Thầy giáo Đặng Trần Hà.

34/34 thành viên lớp 12 Chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có chứng chỉ IELTS 7.0-8.0 từ ngay lớp 11; 100% học sinh của lớp đã trúng tuyển các trường đại học thuộc top đầu Việt Nam. Câu chuyện của thầy giáo Đặng Trần Hà - giáo viên Tiếng Anh đồng thời là thầy chủ nhiệm lớp để biết thêm nhiều thành tích cùng những bí kíp "tôi luyện” học trò của thầy.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các giáo viên có thành tích xuất sắc nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Quá trình triển khai Nghị quyết số 29 đã được các cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc, bài bản có nhiều cách làm hay, hiệu quả. Nổi bật là Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và mô hình "Trường học hạnh phúc” .

Sinh viên nghệ thuật biểu diễn báo cáo.

Học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật được hưởng chính sách giảm 70% học phí.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục