Là phụ huynh có con học tiểu học và THCS tại tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), chị Đặng Thị Ái cho biết, hiện nay, ở Hàn Quốc có khoảng 5 - 6 bộ sách giáo khoa khác nhau ở mỗi lớp học. Bộ sách này do Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị tư nhân biên soạn. Giáo viên, nhà trường sẽ là người quyết định chọn sách để đưa vào chương trình giảng dạy. Trong chương trình học, có 3 môn chủ yếu học sinh đều phải học: Toán, Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên.
Đánh giá về chương trình dạy học của Hàn Quốc, chị Ái nhận xét về cơ bản, Nhà nước rất quan tâm và đầu tư cho giáo dục.
"Hai con bắt đầu đi học từ năm 2021 và đều được miễn tiền học phí và tiền sách giáo khoa. Từ bậc mầm non đến trung học cơ sở đều được nhà nước miễn phí. Đối với cấp THPT sẽ được hỗ trợ một nửa tiền” - chị Ái kể.
Em Đỗ Yến Nhi - du học sinh tại Trường THPT Kanazawa Koyo tại vùng Chubu (Nhật Bản) cho biết ở Nhật Bản không dùng chung bộ sách nào do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.
"Sách giáo khoa của Nhật Bản là trường nào biên soạn trường đó, giáo viên soạn bài dựa trên khung chương trình và yêu cầu chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho nên chủ yếu phụ thuộc vào kho dữ liệu của mỗi trường” - Yến Nhi nói.
So sánh chương trình học tập tại Nhật Bản và Việt Nam, Yến Nhi nhận thấy điểm chung của cả hai nước là áp dụng chương trình sử dụng nhiều sách giáo khoa.
"Sự giống nhau giữa bộ sách của Việt Nam và Nhật Bản là mỗi trường có quyền lựa chọn để sử dụng sách giáo khoa riêng từ các nhà xuất bản khác nhau. Tuy nhiên, các bộ sách này đều phải được phê duyệt và chấp nhận từ Bộ Giáo dục và Đào tạo” - Yến Nhi đánh giá.
Ngoài ra, Nhi cho biết, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, học sinh được miễn phí tiền sách giáo khoa, hầu hết được nhà trường phát miễn phí từ nguồn ngân sách của Chính phủ.
Em Nguyễn Tất Hà Nội - học sinh THPT hiện đang học tại thành phố Telc (Cộng hoà Séc) cho biết, ở Séc, sách giáo khoa được các doanh nghiệp tổ chức biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra thẩm định. Không có bộ sách giáo khoa riêng do Bộ biên soạn. Cụ thể, sách giáo khoa chỉ được dùng một bộ duy nhất. Theo em Nguyễn Tất Hà Nội, điều này sẽ giúp học sinh giảm được bớt chi phí mua sách.
"Việc dùng một bộ sách sẽ giúp cho học sinh khoá sau có thể mua lại sách của khoá trước hoặc xin lại để dùng. Học sinh có thể tiết kiệm rất nhiều tiền và vẫn có thể dùng được sách để học” - em Nội nói.
Em Nguyễn Tất Hà Nội cho biết thêm, ở Cộng hoà Séc, tuy sách giáo khoa không thay đổi nhưng mỗi năm, sách bài tập sẽ thay đổi và điều chỉnh để tạo ra sự mới mẻ, đa dạng cho học sinh.
"Sách bài tập luôn có sự khác nhau giữa từng năm học. Điều này giúp học sinh không đi theo một khuôn mẫu của bài tập nào trước đó. Đồng thời giúp học sinh có thêm sự sáng tạo, tìm tòi trong học tập” - sinh bày tỏ.
(Theo Lao động)