Vừa qua, Nguyễn Tuấn Phong, sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá, đại diện cho hơn 8.000 tân sinh viên đứng lên chia sẻ tại buổi lễ khai giảng của Đại học (ĐH) Bách Khoa Hà Nội.
Cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh được biết tới là học trò đầu tiên của tỉnh giành Huy chương Vàng quốc tế. Trước đó, Phong cũng "bỏ túi” loạt thành tích ở môn Vật lý tại các cuộc thi quốc gia và khu vực như: Giải Nhì quốc gia năm lớp 11, giải Nhất quốc gia năm lớp 12, Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu, Huy chương Đồng kỳ thi Olympic Vật lý châu Á...
"Từ những nền tảng có được cùng việc được tiếp xúc với máy móc, thiết bị của ĐH Bách khoa Hà Nội trong quãng thời gian ôn luyện đội tuyển đã xây dựng cho em niềm yêu thích với ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá”, Tuấn Phong chia sẻ tại buổi lễ.
Nguyễn Tuấn Phong, sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá, ĐH Bách khoa Hà Nội
Có thế mạnh ở các môn tự nhiên, Phong từng rất say mê học Toán. Nhưng điểm số của nam sinh khi ấy không đủ để được vào đội tuyển của trường. Thất vọng, Phong "rẽ hướng” sang Vật lý với quyết tâm phải chinh phục được môn học này.
"Lần đầu tiên được vào phòng thí nghiệm của trường, em mày mò và nghịch các bộ thí nghiệm điện. Những câu hỏi đơn giản như: "Tại sao ma sát lại tạo ra điện?” cũng khiến em cảm thấy tò mò. Em không ngờ, môn Lý lại có nhiều điều thú vị đến thế”.
Từ việc mong muốn lý giải những điều thắc mắc, Phong bắt đầu học Vật lý rất say mê. Năm lớp 8 khi tham gia đội tuyển học sinh giỏi, Phong giành được giải Nhất tỉnh. Đến năm lớp 9, nam sinh tiếp tục đoạt giải cao.
Tiền đề này giúp Phong thi đỗ vào lớp chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh với điểm môn chuyên cao thứ nhì lớp. Vào trường, Tuấn Phong nhanh chóng được thầy chủ nhiệm Phạm Đình Hiệp phát hiện ra tiềm năng.
"Phong thông minh, luôn có lập trường vững vàng” – thầy Hiệp ấn tượng với học trò ngay từ những ngày đầu năm lớp 10. Vì thế, thầy đặt nhiều kỳ vọng đây sẽ là nhân tố tiềm năng để tiếp tục bồi dưỡng trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.
Dưới sự dìu dắt của thầy Hiệp, Phong được tiếp cận với lượng kiến thức nâng cao, mới mẻ nhưng cũng khó nhằn.
"Quãng thời gian ôn luyện đội tuyển, em tập trung làm các nguồn đề từ những năm trước, đồng thời đọc thêm những cuốn sách nổi tiếng để thu nạp kiến thức”, Phong nói.
Điểm đặc biệt, theo thầy Hiệp, Phong có cách ghi chép rất lạ. "Em học đến đâu chắc đến đó nên không ghi bài theo tuần tự thầy cô giảng trên lớp. Kể cả những buổi có giáo sư từ Hà Nội về dạy, em cũng chỉ ghi những điều thấy cần. Nếu giáo viên nào không biết hoặc chưa quen với phong cách này có lẽ sẽ rất bực khi thấy học trò không ghi chép gì cả. Nhưng thực tế không phải vậy. Điều gì đã nắm chắc, Phong đều không ghi”.
Năm lớp 11, khi được lựa chọn vào đội tuyển cùng các anh chị lớp 12, thông thường học sinh lớp dưới sẽ có phần đuối hơn, nhưng Phong cùng một chị lớp 12 luôn cạnh tranh nhau vị trí thứ nhất. Nhờ bản lĩnh và luôn làm bài chắc chắn, Phong giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia ngay từ lớp 11. Sau đó, em tham dự kỳ thi Olympic thi Vật lý châu Âu ở Slovenia và giành Huy chương Bạc.
Kết quả này là động lực để Phong đặt hy vọng sẽ bứt phá vào năm sau. Nam sinh cho biết, bí quyết của em là phải hiểu rõ bản chất của các hiện tượng, vấn đề và tự chứng minh được công thức. Khi đi thi, em cũng đặt ra một số nguyên tắc bắt buộc phải làm theo như tôn trọng các bước khi thực nghiệm, cẩn trọng trong đo đạc, số liệu rõ ràng, ưu tiên những phần dễ lấy điểm, làm đến đâu chắc đến đó…
Tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12, Phong đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để giành giải Nhất. Sau đó, nam sinh tiếp tục giành Huy chương Đồng kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và thành công "đổi màu” huy chương trong kỳ thi quốc tế chỉ trong vòng 2 tháng.
Nhờ đó, Phong trở thành học trò đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh giành Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế. Đây là kỳ vọng và cũng là mục tiêu được cả thầy và trò đặt ra ngay khi chuẩn bị bước tới đấu trường quốc tế.
"Tôi cảm nhận rõ niềm vui của người gieo hạt, hạnh phúc khi chứng kiến học trò đã nỗ lực vượt bậc để thăng hoa trên đấu trường quốc tế, mang vinh quang về quê hương”, thầy Hiệp xúc động nói.
Với những thành tích đã đạt được, Tuấn Phong có thể trúng tuyển vào các ngành học hot nhất hoặc đi du học như cách nhiều thành viên trong đội tuyển quốc tế vẫn lựa chọn. Tuy nhiên Phong cho rằng em vẫn chưa sẵn sàng để đi du học. "Em mong muốn có thêm thời gian tập trung vào thế mạnh của mình. Khi có nền tảng và sự yêu thích, việc học tập và phát triển chuyên môn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, Phong nói.
Nam sinh cũng cho rằng ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá giúp mình được tiếp cận những kiến thức liên quan đến sensor cảm ứng, mạch điện tử, kỹ thuật đo lường và cảm biến thông minh… Đây là những điều em từng được làm quen qua các kỳ Olympic và vẫn muốn tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn.
Sau một tuần đầu học tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Tuấn Phong thẳng thắn thừa nhận tấm huy chương không đem tới lợi thế khi học ở Bách khoa.
"Lợi thế duy nhất của những bạn từng dự thi quốc gia, quốc tế có lẽ là khả năng tự học, sự tập trung và chịu được áp lực – vốn được tôi rèn qua quãng thời gian tập huấn. Bước vào giảng đường, điều quan trọng bản thân không được "ngủ quên trên chiến thắng” mà phải bắt đầu một hành trình mới để chinh phục những kiến thức chuyên ngành vốn rất khó và sâu”.
(Theo Vietnamnet)