Ngày 18/11/2022, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Chương trình hành động số 135-CTr/TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Cùng với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung, tiến trình triển khai với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Chương trình.
Một trong các nhiệm vụ được tỉnh giao thực hiện trong Chương trình hành động cho ngành LĐ-TB&XH tỉnh là phát triển thị trường lao động linh hoạt, thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Các mục tiêu cụ thể gồm: phấn đấu giải quyết việc làm cho 19.500 lao động, trong đó, 9.590 lao động từ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, 1.890 lao động từ vay vốn Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, từ xuất khẩu lao động cho 1.000 lao động và lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài với 7.020 lao động.
Bên cạnh đó, tuyển mới đào tạo nghề là 18.000 người; trong đó, tuyển mới đào tạo nghề hệ cao đẳng là 2.100 người, trung cấp là 3.000 người và 12.900 người tuyển mới đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Ngoài ra, tỉnh giao cho ngành nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu 7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 54,07%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,4% và tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 36,6%.
Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 135, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho phòng chức năng, đơn vị trực thuộc.
Cá nhân các đồng chí lãnh đạo Sở chịu trách nhiệm thực hiện từng nội dung công việc với thời gian, lộ trình cụ thể để hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ đột xuất và các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong Chương trình của Tỉnh ủy.
Cùng với đó, Đảng ủy Sở đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc quán triệt, triển khai tới toàn thể đảng viên, công chức, viên chức nội dung nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động số 135 về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; thường xuyên tiến hành đánh giá kết quả triển khai, kịp thời phối hợp với chính quyền các địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hướng tới mục tiêu hiệu quả, chất lượng trong điều kiện thực tế của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu được giao, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: tăng cường thông tin tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, việc làm chuyển dịch cơ cấu lao động; tư vấn việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Cùng với đó, giải quyết việc làm cho lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, khu công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động; kết nối hiệu quả thông tin cung - cầu lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù và các biện pháp hỗ trợ khác...
Đến nay, nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo Chương trình hành động số 135 tỉnh giao cho ngành LĐ-TB&XH đã có được kết quả.
Ông Phạm Duy Hưng - Trưởng phòng Lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: "Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.563/19.500 lao động, đạt 105,5% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội 10.469 người, vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm 1.999 người, xuất khẩu lao động 336 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài 7.759 người.
Về công tác tuyển mới đào tạo nghề, đã tuyển 18.038/18.000 người, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 1,5% so với cùng kỳ; trong đó, tuyển mới đào tạo nghề hệ cao đẳng là 1.119 người, trung cấp 2.697 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 14.222 người, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 2.531 người; nghề nông nghiệp cho 1.170 người và nghề phi nông nghiệp cho 1.361 người.
Đặc biệt, toàn tỉnh đã chuyển dịch được 7.360/7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt 105,1% kế hoạch năm, các lĩnh vực chuyển dịch chủ yếu sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, kinh doanh, bán hàng”.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, mặc dù các chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động được giao theo Chương trình hành động số 135 của ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành, có những chỉ tiêu hoàn thành vượt và sớm hơn so với kế hoạch. Ngành chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ để có nhiều hơn nữa người dân được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động…
Thu Hiền