19h30 phút tại nhà văn hóa bản Thào Xa Chải, xã Nậm Có - lớp học vào thời gian đặc biệt với học viên đặc biệt là những người đã làm cha mẹ, ông bà nhưng vẫn đều đặn đến lớp để tìm cái chữ. Những tiếng đọc bài, làm phép toán cộng, trừ của lớp học xóa mù chữ do các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh, xã Nậm Có đứng lớp vang lên không gian tĩnh mịch của núi rừng. Những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ quen với công việc nương rẫy, thêu thùa nay lại cầm bút tô từng nét chữ cho tròn. Thế nhưng, những học viên từ 20 tuổi đến ngoài 50 tuổi của lớp vẫn không ngừng cố gắng.
Theo học tại lớp xóa mù với mong muốn để biết chữ, biết tính toán, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi phục vụ cuộc sống, chị Thào Thị Mỷ - bản Tà Ghênh, xã Nậm Có phấn khởi cho biết: "Trước đây chúng tôi không được đi học, bây giờ được nhà trường và xã mở những lớp học như này, chúng tôi phấn khởi lắm. Nên cho dù bận rất nhiều việc gia đình, chúng tôi vẫn cố gắng đến học. Trong quá trình tham gia học tập, tôi được thầy, cô tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông nên ai cũng cố gắng đến lớp học đầy đủ”.
Hiện nay, xã Nậm Có có trên 1.000 người chưa biết chữ, trong đó 112 người từ độ tuổi 15 đến 35 và 983 người trong độ tuổi từ 35 đến 60, chủ yếu là chị em phụ nữ.
Để từng bước nâng cao kiến thức cho người dân, giảm số người mù chữ, tái mù chữ, ông Sùng A Dinh - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: "Năm 2023, xã đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mở 4 lớp cho 120 học viên sau xóa mù chữ. Mỗi lớp học có trên 20 học viên, duy trì học vào các buổi tối trong tuần. Đây là các lớp học sau xóa mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện. Để đảm bảo số lượng và chất lượng, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp với các bản làm tốt công tác huy động học viên ra lớp. Cùng với đó, chỉ đạo nhà trường cử những giáo viên có kinh nghiệm để đứng lớp”.
Năm 2023, xã Khao Mang cũng mở được 2 lớp sau xóa mù chữ cho 60 học viên. Anh Mùa Giàng Páo, Trưởng bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang cho biết: "Trong bản còn nhiều em chưa biết đọc, biết viết. Ngoài ra, chị em đã từng học nhưng vẫn tái mù chữ do bỏ học quá lâu. Quá trình rà soát, chúng tôi đã đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận động họ đi học. Đến nay, các học viên đã biết nhiều về con chữ hơn. Chúng tôi cảm thấy rất mừng vì Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến việc xóa mù chữ cho bà con”.
Tạo cơ hội để người dân vùng cao được tiếp cận với tri thức, nâng cao dân trí, giúp bà con lĩnh hội kiến thức trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, năm 2023, huyện Mù Cang Chải đã mở 8 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 cho 240 học viên, trong đó xã Nậm Có 4 lớp, 120 học viên; xã Lao Chải 2 lớp, 60 học viên và xã Khao Mang 2 lớp, 60 học viên.
Đây là các lớp học nằm trong khuôn khổ Dự án 5 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các lớp khai giảng và học từ tháng 5/2023 đến nay, sẽ kiểm tra đánh giá kết thúc vào cuối tháng 12 năm nay. Tham gia học tập, các học viên được cấp tài liệu, ấn phẩm, được hỗ trợ 1 triệu đồng/học viên/giai đoạn theo chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc tích cực vận động bà con trong độ tuổi từ 15 - 60 tham gia học các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, Phòng chỉ đạo các nhà trường cử giáo viên có năng lực, nhiệt huyết dạy lớp xóa mù chữ vào các buổi tối trong tuần. Đến nay, cơ bản các học viên tham gia các lớp học đều có những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tính toán; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người; qua đó, có thêm kiến thức để ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tăng cường điều tra nhu cầu của người dân để mở các lớp giáo dục xóa mù chữ, giáo dục sau biết chữ trong thời gian tới. Dự kiến năm 2024, huyện sẽ mở 6 lớp với 180 học viên tại các xã: Nậm Có, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Cao Phạ. "Chúng tôi đang chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát cụ thể nhu cầu của học viên, lập danh sách và đề nghị mở lớp. Thời gian khai giảng, học dự kiến từ tháng 3/2024 tại các bản mở lớp", ông Thủy cho biết thêm.
Thanh Chi