Do yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), việc xây dựng sáng kiến và thực hiện sáng kiến, giải pháp đã trở thành hoạt động thường xuyên của đội ngũ nhà giáo. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện Chương trình "Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” tại Công đoàn ngành, Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái chỉ đạo từ năm 2021 đến năm 2023.
Hưởng ứng Chương trình, 100% công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc đã tích cực xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tới từng tổ công đoàn và đoàn viên; đồng thời khẩn trương thành lập tổ hỗ trợ sáng kiến tại cơ sở, qua đó đã chủ động tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng và hướng dẫn đoàn viên tham gia thực hiện Chương trình với tinh thần cao nhất. Các CĐCS đều đặt mục tiêu sáng kiến phải thiết thực, có thể áp dụng vào cơ quan, đơn vị công tác; do đó nhiều sáng kiến đã được đầu tư, nghiên cứu ngay từ đầu nên chất lượng được đánh giá cao. Nội dung của sáng kiến đảm bảo phong phú, đa dạng phục vụ hiệu quả cho công tác giáo dục, quản lý…
Điển hình như sáng kiến "Xây dựng mô hình lớp học thí điểm Stem Lab trong trường mầm non” của bà Nguyễn Thị Vy - Trưởng phòng Mầm non Sở GD&ĐT tỉnh; sáng kiến "Sáng tác tác phẩm Yên Bái ghi dấu sử thiên, Ngang trời mây đỏ thiên thơ bằng thơ lục bát nhằm nâng cao hiệu quả dạy học Lịch sử và Giáo dục địa phương tỉnh Yên Bái” của thầy giáo Lê Văn Cường, Trường THPT Cảm Ân…
Bà Nguyễn Thị Huyền Thúy - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh chia sẻ: "Công đoàn ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình như: tuyên truyền, vận động; tổ chức khảo sát, rà soát nguồn sáng kiến; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng CĐCS; thành lập Tổ hỗ trợ sáng kiến (2 cấp); thiết kế, xây dựng các biểu, bảng; tổ chức sơ kết, tổng kết và biểu dương khen thưởng;…
Đồng thời, công đoàn cũng đã tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao năng lực sáng tạo cho cán bộ, giáo viên. Những khóa đào tạo này tập trung vào việc phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và khám phá tiềm năng cá nhân. Điều này giúp giáo viên trở thành những người thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra những giải pháp mới trong công việc giảng dạy”.
Nhờ đó, kết thúc giai đoạn 1 có 722 lượt sáng kiến tham gia Chương trình, đạt 361% kế hoạch (vượt 522 sáng kiến), Công đoàn ngành xếp thứ 2/13 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong tỉnh; kết thúc Chương trình có 1.224 lượt sáng kiến tham gia Chương trình, đạt 661,62% kế hoạch (vượt 1.039 sáng kiến chỉ tiêu giao, vượt 724 sáng kiến đăng ký), xếp thứ 1/13 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong tỉnh.
Nhiều ý tưởng sáng tạo đã được đề xuất và triển khai trong các trường học. Một số trường đã áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục, tạo ra những ứng dụng giúp giáo viên và phụ huynh tương tác tốt hơn. Các giáo viên cũng đã thiết kế các hoạt động ngoại khóa sáng tạo nhằm khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh.
Đặc biệt, Chương trình "Một triệu sáng kiến” đã góp phần thúc đẩy mối đoàn kết và tạo sự đồng lòng trong ngành giáo dục Yên Bái. Các giáo viên và nhân viên trong ngành giáo dục đã có cơ hội hợp tác, trao đổi ý kiến và hỗ trợ lẫn nhau trong việc triển khai các ý tưởng sáng kiến. Điều này đã tạo ra một môi trường làm việc tích cực và khích lệ sự phát triển chung của ngành giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thúy chia sẻ thêm: "Chương trình đã mang lại những hiệu quả tốt, chúng tôi rất tự hào về sự sáng tạo và nỗ lực của các giáo viên và nhân viên trong việc cải thiện chất lượng giáo dục. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển sáng kiến trong ngành giáo dục để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh và xã hội”.
Chương trình "Một triệu sáng kiến” là động lực quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giáo dục tại Yên Bái. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giáo dục và mang lại lợi ích lớn cho học sinh và cộng đồng.
Thanh Ba