Ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái nâng cao kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/1/2024 | 1:49:19 PM

YênBái - Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Internet đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc học tập và truy cập thông tin.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh trong giờ tin học.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh trong giờ tin học.

Đối với học sinh, Internet không chỉ mang lại nhiều cơ hội học tập mà còn mở ra một thế giới rộng lớn của kiến thức và sáng tạo. Tuy nhiên, việc sử dụng Internet cũng đặt ra một số rủi ro về an toàn thông tin và tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh là cực kỳ cần thiết.


Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mù Cang Chải được nhận Chứng nhận giải Phòng GD&ĐT triển khai tốt nhất Chương trình "Em an toàn hơn cùng Google” đến học sinh các trường học trong khuôn khổ dự án "Em an toàn hơn cùng Google năm 2023” do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục và trung tâm CFC Việt Nam phát động. 

Cùng với đó là giải Nhất tập thể cho đơn vị trường PTDTBT TH&THCS Mồ Dề và giải Ba cho các đơn vị trường tiểu học và trường có cấp tiểu học thuộc khu IV của huyện. Đây là kết quả nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong môi trường mạng của ngành GD&ĐT huyện Mù Cang Chải khi mà công nghệ phát triển không ngừng cùng với phong trào chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp. 

"Em an toàn hơn cùng Google” có giáo trình được thiết kế đặc biệt nhằm hướng dẫn trẻ sử dụng Internet một cách an toàn, cẩn trọng và tránh các hành vi xấu có nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ, cũng như dạy trẻ các nguyên tắc cơ bản về an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số để các em có thể tự tin khám phá thế giới trực tuyến như: Dùng Internet thông minh - Cẩn thận khi chia sẻ; Dùng Internet tỉnh táo - Đừng rơi vào cạm bẫy; Dùng Internet mạnh mẽ - bảo vệ bí mật; Dùng Internet tử tế - tử tế thật tuyệt vời; Dùng Internet can đảm - khi nghi ngờ, đừng ngại lên tiếng. Triển khai Chương trình "Em an toàn hơn cùng Google” là một trong rất nhiều hoạt động mà các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái triển khai trong thời gian vừa qua nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trên môi trường mạng. 

Em Sùng A Dũng - học sinh lớp 7 Trường TH&THCS Mồ Dề chia sẻ: "Thầy cô hướng dẫn cháu rất kỹ lưỡng khi dùng Internet để tra tài liệu hay dùng nhắn tin cùng bạn bè, chia sẻ thông tin trên facebook. Ban đầu cháu nghĩ đơn giản, nhưng sau khi được học thì cháu sẽ biết cách bảo vệ mình trong môi trường mạng, tránh những tin xấu, can đảm lên tiếng khi mình hay bạn bị bắt nạt trên mạng”.

Trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và chuyển đổi số trong công tác giáo dục, trong thời gian qua, các đơn vị trường trong toàn ngành GD&ĐT Yên Bái rất chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh. Trong các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt chung, các nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền trang bị kỹ năng phân tích và đánh giá thông tin, kiểm tra nguồn gốc và độ tin cậy của thông tin trước khi tin tưởng và sử dụng. 

Giáo viên và phụ huynh có vai trò quan trọng trong việc giảng dạy học sinh về cách kiểm tra tính xác thực của thông tin trên Internet và khuyến khích họ trở thành người tiêu dùng thông minh trong lĩnh vực thông tin. 

Cùng với đó, học sinh cũng đã được hướng dẫn về quyền riêng tư và bảo mật trên Internet. Việc chia sẻ thông tin cá nhân một cách không cẩn thận có thể dẫn đến việc lạm dụng thông tin cá nhân và xâm phạm quyền riêng tư. Các thầy cô cũng tăng cường nhắc nhở học sinh về những nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra khi họ chia sẻ thông tin cá nhân trên Internet. 

Xác định xây dựng một môi trường trực tuyến lành mạnh và văn minh là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra một Internet an toàn cho học sinh, ngành GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trường học hướng dẫn về quy tắc ứng xử và đạo đức trực tuyến, bao gồm việc tôn trọng ý kiến của người khác, không gây tổn thương và không tham gia vào những hoạt động tiêu cực; biết cách ứng phó với những tình huống xấu trên Internet. 

Nhiều trường học đã có cách làm sáng tạo như tạo ra các hoạt động để học sinh tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến an toàn Internet để giúp học sinh hiểu và áp dụng những quy tắc này vào cuộc sống hàng ngày của mình. Sự phối hợp của phụ huynh với giáo viên trong việc quản lý và giáo dục trẻ được diễn ra chặt chẽ, cùng tạo ra sự tương tác tích cực giữa các em học sinh với giáo viên và phụ huynh. 

Đây là điều quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng sử dụng Internet an toàn. Học sinh cần cảm thấy thoải mái và tự tin để chia sẻ những khó khăn và nguy cơ mà họ gặp phải trên Internet với giáo viên và phụ huynh, thúc đẩy sự nhận thức và giúp người lớn có thể cung cấp hỗ trợ và giải pháp phù hợp cho học sinh.

Nâng cao kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh là một ưu tiên quan trọng trong giáo dục hiện đại. Bằng cách giảng dạy về việc phân biệt thông tin đáng tin cậy, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật, xây dựng môi trường trực tuyến lành mạnh và tạo ra sự tương tác tích cực với giáo viên và phụ huynh, giúp học sinh sử dụng Internet một cách an toàn và có ích cho sự phát triển cá nhân.

Thanh Vy

Tags giáo dục và đào tạo sử dụng internet kỹ năng internet an toàn trường học

Các tin khác
Hoạt động giáo dục của cô trò Trường mầm non Âu Cơ 1, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Tính đến ngày 30/11/2023, cả nước có 51 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân hỗ trợ giáo viên mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; trong đó có ba tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ cao hơn mức tối thiểu theo quy định.

Đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tặng quà cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải trong ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024.

Ngành giáo dục Yên Bái đã song song nâng cao chất lượng, tạo bước phát triển mới về "chất" ở cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn với những dấu mốc ấn tượng trong năm 2023.

Bằng tốt nghiệp đại học là tấm bằng mơ ước của nhiều người. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, bằng tốt nghiệp đại học có rất nhiều loại nhưng hầu hết sinh viên chưa nắm rõ mình sẽ sở hữu loại bằng nào sau khi ra trường.

Cô giáo Lò Thủy Uyên, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải luôn coi trọng kỹ năng tương tác với học sinh trong mỗi tiết học.

Văn hóa học đường (VHHĐ) là một yếu tố quan trọng trong quá trình giáo dục và hình thành nhân cách của học sinh. Đó là một hệ thống các giá trị, hành vi và quy tắc mà nhà giáo phải tuân thủ và truyền đạt cho học sinh. Sự mẫu mực của nhà giáo là thể hiện của sự chuyên nghiệp, đạo đức và tinh thần trách nhiệm trong công việc giảng dạy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục