Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học cũng như công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Phương án tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong đó, thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hình thức thi gồm: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức kỳ thi… UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực… để tổ chức kỳ thi.
Đối với phương thức xét công nhận tốt nghiệp, sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giai đoạn 2025-2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy; giai đoạn sau 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Cùng với công bố phương án thi, các vấn đề liên quan đề thi, nhất là cấu trúc định dạng đề thi cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, công bố làm căn cứ để các nhà trường, giáo viên, học sinh tham khảo cho quá trình dạy và học; học sinh không bỡ ngỡ khi dự thi.
Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, môn Ngữ văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy; các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy. Để xây dựng cấu trúc và định dạng đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng xây dựng cấu trúc định dạng đề thi và tổ chức xây dựng cấu trúc, định dạng cho 17 môn học. Đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh, thành phố; tiến hành phân tích, lấy ý kiến chuyên gia… Vì vậy, cấu trúc định dạng đề thi của kỳ thi từ năm 2025 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực-cấp độ tư duy kèm theo.
Điểm khác biệt so với cấu trúc, định dạng đề thi hiện nay là cấu trúc định dạng đề thi từ năm 2025 của các môn thi trắc nghiệm có tối đa ba dạng thức câu hỏi được sử dụng.
Dạng thức thứ nhất là câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này; các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này).
Dạng thứ hai là câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, mỗi câu hỏi có bốn ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi.
Dạng thứ ba là câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn. Dạng thức này gần với câu hỏi tự luận, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Đối với số lượng câu hỏi/lệnh hỏi môn thi trắc nghiệm cũng có một số điểm khác so với hiện nay, trong đó, môn Toán có 34 câu hỏi (hiện nay là 50 câu hỏi); Ngoại ngữ 40 câu hỏi (hiện nay là 50 câu hỏi); các môn học khác 40 câu hỏi (hiện nay 40 câu). Thời gian của mỗi môn thi gồm: Ngữ văn thi 120 phút, Toán 90 phút; các môn học khác 50 phút.
Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương, ngay sau khi ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án thi. Ban xây dựng phương án thi cũng được thành lập gồm đầy đủ thành phần là nhà quản lý giáo dục các cấp, chuyên gia từ các trường, viện nghiên cứu, hiệu trưởng trường trung học phổ thông… Quá trình xây dựng và lấy ý kiến phương án thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trên cả diện rộng và chiều sâu. Các ý kiến trao đổi, phân tích từ các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân là kênh quan trọng được lắng nghe, tiếp thu.
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng bài bản, khoa học; bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật, của ngành giáo dục liên quan công tác tổ chức thi. Phương án thi mới cũng kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý tích lũy được trong giai đoạn 2015-2023 và có sự tiếp nhận, ứng dụng những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT, đáp ứng mong muốn của xã hội.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai theo kế hoạch các công việc, nhiệm vụ để việc thực hiện Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm yêu cầu và tiến độ đề ra, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
(Theo NDO)