Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh
Năm 2024, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tuyển sinh 45 ngành. Trong đó, có 2 ngành mới là Kỹ thuật thiết kế vi mạch và Tâm lý học giáo dục.
Năm phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển; xét học bạ; xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đối với phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ cần đạt một trong các điều kiện sau: Đoạt giải nhất, nhì, ba thi học sinh giỏi cấp tỉnh; giải khuyến khích thi học sinh giỏi hoặc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; học sinh giỏi trường chuyên, trường top 200 có ít nhất 3 học kỳ đạt học sinh giỏi; có điểm SAT từ 800/1600 trở lên; học sinh do ban giám hiệu trường liên kết giới thiệu.Với phương thức xét học bạ, trường xét điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp, mỗi môn đạt từ 5 trở lên. Điểm xét tuyển riêng theo 3 nhóm: Trường THPT chuyên; trường THPT top 200; trường THPT còn lại.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh
Ngày 15/1, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh đã chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học bằng kết quả học bạ THPT.
Theo đại diện Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, năm 2024, Trường tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển học bạ cho 36 ngành đào tạo với 70% chỉ tiêu tuyển sinh. Trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT đợt 1 từ ngày 15/1.
Trường xét tuyển học bạ năm 2024 với 2 hình thức: Xét tuyển điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn và xét theo tổng điểm 3 học kỳ (học kỳ 1 lớp 10, học kỳ 1 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, để đăng ký xét tuyển, thí sinh cần đảm bảo các điều kiện gồm tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển hoặc tổng điểm trung bình của 3 học kỳ đạt từ 18,0 điểm trở lên. Quá trình xét tuyển sẽ được tiến hành từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.
Trường Đại học Văn Lang
Tương tự, ngày 15/1, Trường Đại học Văn Lang cũng đã mở cổng nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh theo phương thức xét kết quả học tập qua học bạ THPT đợt 1. Theo thông báo của Trường, với phương thức xét tuyển hồ sơ học bạ THPT, thí sinh có hai lựa chọn xét tuyển gồm: Xét điểm trung bình năm học lớp 12 hoặc xét điểm trung bình năm học lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.
Thí sinh có thể xét tuyển vào 60 ngành đào tạo bậc đại học hệ chính quy (chương trình tiêu chuẩn) và 14 chương trình đào tạo đặc biệt.
Theo Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Văn Lang, cùng với các điều kiện chung về quy định xét tuyển vào trường bằng phương thức học bạ, thí sinh xét tuyển vào các ngành sức khỏe cần đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với thí sinh xét tuyển vào các ngành năng khiếu (Vẽ, Âm nhạc, Sân khấu điện ảnh), ngoài hồ sơ học bạ THPT, thí sinh xét tuyển cần bổ sung kết quả thi năng khiếu tại Trường Đại học Văn Lang hoặc tại các trường đại học mà Trường Đại học Văn Lang nhận kết quả thi năng khiếu.
Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh
Ngày 8/1, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng đã chính thức nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT đợt đầu tiên vào 63 ngành đào tạo tại trường, với hai phương thức xét tuyển là xét tuyển học bạ 3 học kỳ và xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn.
Tuy nhiên, để đăng ký xét tuyển học bạ, thí sinh cần có điểm xét tuyển đạt từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do trường quy định. Cụ thể, với phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 3 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên). Với phương thức xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên).
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Ngoài ra, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng đã có thông báo nhận hồ sơ xét tuyển năm 2024 bằng kết quả học bạ THPT từ ngày 6/1; Trường Đại học Gia Định bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 5/1; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 2/1 với 40% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh phổ biến tại các trường đại học được thí sinh ưu tiên lựa chọn. Với lợi thế giảm áp lực thi cử, chủ động về điểm số, lựa chọn đa dạng ngành nghề, có cơ hội nhận nhiều suất học bổng giá trị, đông đảo thí sinh chọn phương thức xét tuyển này để mở cánh cửa vào đại học.
Đại học Đà Nẵng
Theo báo Lao Động, năm 2024, Đại học Đà Nẵng vẫn giữ ổn định chỉ tiêu như năm trước và tiếp tục lựa chọn xét tuyển theo 4 phương thức và tuyển gần 15.000 chỉ tiêu. Cụ thể, các phương thức tuyển sinh của Đại học Đà Nẵng gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả kì thi THPT năm 2024; xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức; xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng của các trường.
Tùy vào đặc điểm đào tạo của ngành thuộc các trường, đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng mà phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bố chỉ tiêu giữa các phương thức sẽ khác nhau, phù hợp theo từng cơ sở giáo dục đó.
Đại học Đà Nẵng gồm 9 trường đại học thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc đó là: Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt- Anh, Khoa Y- Dược.
Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng
Trường Đại học Bách Khoa dự kiến tuyển sinh 3.500 chỉ tiêu năm 2024 với 6 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng; tuyển sinh riêng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức, xét kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Năm nay, trường mở mới 1 chuyên ngành đó là ngành Điện tử viễn thông, Chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng
Dự kiến năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU) tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu cho 3 lĩnh vực gồm Máy tính và Công nghệ Thông tin (960 chỉ tiêu); Kinh doanh và Quản lý (460 chỉ tiêu); Báo chí và Truyền thông (80 chỉ tiêu) với 5 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, xét học bạ, xét theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM và xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của trường.
Trường tuyển sinh mới với 4 mã ngành/chuyên ngành đào tạo gồm Thiết kế vi mạch bán dẫn, Marketing, Công nghệ truyền thông, An toàn thông tin. Đặc biệt đối với thí sinh trúng tuyển chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn có điểm xét tuyển cao từ 24-27 điểm sẽ được hỗ trợ học phí từ 50-100% trong 2 kỳ học đầu tiên.
Học viện Kỹ thuật Quân sự
Ngày 2/1, Học viện Kỹ thuật quân sự thông tin về phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, năm nay, trường sử dụng 4 phương thức để tuyển sinh đầu vào.
Trong đó, ba phương thức tương tự năm ngoái là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét học sinh giỏi có giải nhất, nhì, ba ở môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh cấp tỉnh trở lên, hoặc có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT, ACT; và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp.HCM lần đầu được nhà trường áp dụng.
Để tham gia xét tuyển vào trường quân đội, học sinh cần đăng ký sơ tuyển tại Ban Chỉ huy quân sự cấp quận, huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Thời gian đăng ký dự kiến từ ngày 15/3.
Hiện, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng chưa thông báo cụ thể về chỉ tiêu đào tạo, quy trình đăng ký sơ tuyển, xét tuyển năm nay.
Đại học Phenikaa
Đại học Phenikaa (Hà Nội) năm nay tuyển gần 9.900 sinh viên cho 48 ngành/chương trình đào tạo. Cụ thể, bốn phương thức gồm xét tuyển thẳng theo đề án riêng; xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét kết quả bài thi đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia Hà Nội) hoặc kết quả bài thi đánh giá tư duy (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Năm nay, trường tuyển mới các ngành gồm Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Y học cổ truyền, Công nghệ tài chính, Marketing, An toàn thông tin (một số học phần chuyên ngành học bằng tiếng Anh), Kỹ thuật điện tử - viễn thông (chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn), Trí tuệ nhân tạo...
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Nhà trường dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, trong đó, 65% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8% chỉ tiêu); xét học bạ THPT (15% chỉ tiêu); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (6% chỉ tiêu) và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (6% tiểu).
Trường mở thêm 2 ngành/chương trình đào tạo mới trong năm 2024 là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc (mô hình liên kết 2 + 2).
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo dự kiến mở 6 ngành học mới cho năm 2024. 6 ngành mới này gồm: Khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực Toán và thống kê), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin), Quan hệ lao động (lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý).
Trong đó, các ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo dự kiến quy mô tuyển là 100 sinh viên mỗi ngành, các ngành còn lại tuyển mỗi ngành 50.
Trong số những ngành này của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trừ ngành Quan hệ lao động đào tạo hệ cử nhân, 5 ngành còn lại sẽ có cả hệ cử nhân và kỹ sư. Đây được coi là một trong những điểm mới rất đáng chú ý khi trước nay, thông thường, bằng kỹ sư chỉ dành cho các chuyên ngành kỹ thuật, chú trọng thực hành chuyên sâu và là thế mạnh của những trường kỹ thuật như Đại học Bách khoa, Đại học Giao thông, Đại học Xây dựng Hà Nội,...
Theo Trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc xây dựng ngành mới có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa và mở rộng các ngành đào tạo của trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như góp phần nâng cao vị thế của trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trường Đại học Ngoại thương
Trường Đại học Ngoại thương cũng dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại Trụ sở chính Hà Nội.
32 trường đại học xét tuyển học bạ năm 2024
(Theo VTV)