Năm thứ 3 học ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Trung học cơ sở (THCS) Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, em Sùng A Thào đã quen với nề nếp sinh hoạt, học tập ở trường. Em chủ động lại sửa soạn lại hòm tủ, giặt quần áo ấm để chuẩn bị cho những tiết học trong ngày giá buốt. Không chỉ cho bản thân, Thào còn nhắc nhở các bạn trong khu bán trú sửa soạn áo quần, tuân thủ giờ giấc, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chuẩn bị sách vở đến lớp mỗi ngày.
Thào chia sẻ: "Bước vào lớp 6, em đã được các thầy cô chỉ bảo, hướng dẫn, rèn luyện tính tự lập, biết chăm sóc sức khỏe bản thân, học tập đúng giờ và thực hiện nếp sống tập thể. Được các thầy cô quan tâm thường xuyên nên chúng em luôn duy trì sự đoàn kết, bảo ban nhau học tập”.
Trường PTDTBT THCS Cao Phạ nằm ở giữa đèo Khau Phạ, quanh năm mây mù bao phủ, lại thuộc xã đặc biệt khó khăn. Để xây dựng nề nếp cho học sinh bán trú, các thầy cô giáo cần sự tỉ mỉ, cặn kẽ hơn so với các trường vùng thấp. Ví như, giáo viên nhà trường phải xây dựng lịch trực bán trú và tăng cường đôn đốc, nhắc nhở học sinh hằng ngày, hàng giờ; công việc lặp đi, lặp lại nhiều lần thì mới hình thành tác phong, nề nếp. Vào mùa đông, vì sợ nhiệt độ đột ngột xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, thầy cô cũng thường trực nhắc việc ăn uống nóng ấm, mặc áo ấm cho học sinh.
Thầy giáo Phan Tiến Dũng, phụ trách việc bán trú cho biết: "Hầu hết các em được học trong môi trường bán trú nên đã quen với nề nếp của trường. Có những lúc học sinh quên thì thầy cô kịp thời uốn nắn, nhắc nhở. Thầy cô luôn phải giám sát, học sinh tự giác chấp hành nội quy thì khu bán trú mới sạch đẹp, mọi sinh hoạt mới đi vào nề nếp”.
Giờ tin học của thầy Thanh và học trò tại Trường PTDTBT THCS Cao Phạ.
Chăm lo tốt cho học sinh khi ở trường, các thầy cô còn chủ động nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo trong xây dựng các mô hình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, "Trường học du lịch” và "Trường học hạnh phúc”... giúp học sinh có nền tảng vững chắc, tự tin vào bản thân và nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Thầy giáo Nguyễn Chí Thanh dù mới được tăng cường về trường đã chủ động áp dụng phương pháp dạy mới, tạo hứng thú học cho học sinh. Thầy Thanh chia sẻ: "Học sinh vùng cao thiếu điều kiện tiếp cận máy tính nên tôi cho các em thực hành trên máy, xem các bài học bổ trợ kiến thức trên mạng nhiều hơn để tạo hứng thú, tích cực trao đổi trong quá trình học tập. Với 11 tiết dạy/tuần cho học sinh khối lớp 6 đến lớp 8, tôi vẫn có thời gian để giúp học sinh yêu thích, muốn tìm hiểu về máy tính, tin học, từ đó giúp các em tiếp cận và định hướng nghề nghiệp trong tương lai”.
Tiếp cận việc dạy học không gây nhiều áp lực cho học sinh, Trường PTDTBT THCS Cao Phạ còn thường xuyên tổ chức các giờ học ngoại khóa nhằm tạo cho các em tâm lý thoải mái, hứng thú tiếp thu môn học. Thầy giáo Lê Hải Đăng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đảm bảo giờ học chính khóa, Trường còn tổ chức các các trò chơi dân gian như: múa khèn, đánh quay, nhảy dân vũ trong giờ ra chơi, giúp học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các giáo viên cũng chủ động xây dựng các nhóm, câu lạc bộ cho những học sinh yêu thích văn nghệ, hội họa, thể thao, công nghệ thông tin để hướng dẫn, giúp đỡ, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh”.
Thầy Đăng cho biết, năm học này, Trường tiếp tục dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, đổi mới phương pháp dạy học; thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, phù hợp với đối tượng học sinh và tăng cường nề nếp, kỷ cương trong dạy học, tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa.
Trường hiện có 534 học sinh, trong đó có 311 học sinh bán trú. Các em đều được hướng dẫn, giáo dục, hình thành tính tự lập, ngăn nắp, quy củ, yêu trường yêu lớp để mỗi ngày ở trường của học sinh là một ngày vui. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng giáo dục toàn diện, năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của Trường đã đạt 16%.
Văn Dương