Đến Trung Tâm can thiệp sớm Thanh Nhàn (CTSTN) ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, được gặp gỡ, trò chuyện với giáo viên dạy trẻ đặc biệt, chúng tôi đã hiểu hơn về công việc chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách và mong ước, hạnh phúc vỡ òa khi các em tiến bộ, thay đổi tích cực qua từng ngày, học tập, vui chơi như bao đứa trẻ cùng trang lứa.
Trung tâm hiện có 17 giáo viên dạy kèm cho trẻ tự kỷ, tăng động, khuyết tật trí tuệ. Học sinh theo học ở trung tâm chủ yếu từ 4 tuổi trở lên - thời điểm phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường về chứng bệnh tâm lý. Qua tư vấn, tìm hiểu, nhiều gia đình đã đăng ký cho con em theo học để được can thiệp sớm kịp thời.
Dạy trẻ bình thường đã vất vả, dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển còn vất vả và khó khăn hơn gấp ngàn lần. Gắn bó với Trung tâm CTSTN từ những ngày đầu hoạt động, chị Hoàng Thị Hảo - giáo viên phụ trách lớp mầm non bộc bạch: "Ban đầu cơ sở vật chất còn hạn chế, học sinh mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển đủ các nhóm tuổi học chung một lớp vì chưa có điều kiện phân loại, kèm cặp riêng. Lúc bấy giờ, mọi người cũng không mấy thiện cảm về trẻ tự kỷ hay nghề giáo viên dạy trẻ tự kỷ bởi ai cũng nghĩ tự kỷ là chứng bệnh tâm lý không nên tiếp xúc gần. Nhưng giờ đây, mọi người đã thêm hiểu biết về chứng bệnh tự kỷ, qua đó cảm thông, chia sẻ hơn với những số phận kém may mắn".
Nhờ sự kiên trì và tình yêu thương con trẻ, chị Hảo đã giúp nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ có thể hòa nhập cuộc sống. "Dạy trẻ tự kỷ là công việc rất đặc thù, phức tạp. Không thể áp dụng một giáo án chung cho tất cả các em bởi mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới riêng đầy bí ẩn, đòi hỏi người giáo viên phải đi sâu và hiểu diễn biến tâm lý của từng em để tìm ra phương pháp dạy và uốn nắn thích hợp” - chị Hảo chia sẻ.
Là cô giáo trẻ nhiệt huyết, ngay khi ra trường, chị Ma Thị Tuyên đã quyết định gắn bó với nghề giáo viên dạy trẻ đặc biệt này. Làm việc ở Trung tâm mỗi tháng chị lại nhận dạy kèm một em nhỏ. Được cô giáo nhẹ nhàng, tận tình hướng dẫn uốn nắn, chỉ bảo, cháu P.D.A, 3 tuổi ở huyện Lục Yên sau hơn 1 năm được điều trị tâm lý,đã có nhiều thay đổi tích cực, biết lắng nghe, tương tác và kiểm soát cảm xúc, hành vi…
Nghề dạy trẻ tự kỷ với nhiều rào cản, khó khăn nhưng tình thương, sự tận tâm hết lòng đã giúp chị Tuyên vượt qua tất cả. Chị Tuyên tâm sự: "Trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ mặc dù nhận thức kém nhưng khi quan tâm đồng hành cùng các em sẽ thấy chúng dần hiểu và mở lòng biết lắng nghe, gần gũi, chia sẻ cảm xúc tích cực. Bên cạnh đó, tập thể giáo viên của Trung tâm CTSTN luôn đoàn kết giúp đỡ nhau. Những tình cảm thân tình, gần gũi ấy giúp tôi thêm gắn bó, cống hiến với nghề”.
Chị Ma Thị
Tuyên dạy kèm trẻ tự kỷ tại Trung tâm CTSTN.
Trẻ mắc chứng tự kỷ, tăng động, mỗi em có biểu hiện, hành vi khác nhau, có em thu mình vào một góc riêng, em thì la hét, đập phá, em thì lên cơn cào cấu, gào khóc, lao ra ngoài trong vô thức… Vì vậy, các cô giáo phải thường xuyên quan sát, ghi chép hành vi để theo dõi và có phương pháp can thiệp phù hợp. Những lúc trẻ có hành vi thách thức, mất kiểm soát, các cô phải nhẹ nhàng, tìm cách chuyển hướng hành vi cho trẻ rồi ôm các em vào lòng vỗ về yêu thương. Nhiều em la hét, gào khóc, mất kiểm soát cào cấu thâm tím cả tay chân, các cô vẫn vui vẻ, kiên nhẫn tận tâm hết lòng thương yêu, mong muốn bù đắp phần nào những thiệt thòi cho các em.
Giáo dục trẻ tự kỷ đúng cách, đúng giai đoạn, đúng phương pháp hoàn toàn có thể cải thiện các khiếm khuyết giúp trẻ hòa nhập sớm với cuộc sống như các bạn bè đồng trang lứa. Dù không thể khỏi hoàn toàn nhưng việc can thiệp giáo dục từ giai đoạn sớm sẽ tăng khả năng tự lập để trẻ có thể tự chăm sóc bản thân ở tương lai.
Đối với giáo dục trẻ tự kỷ, giáo viên không đơn thuần chỉ là một người truyền đạt kiến thức mà còn định hướng, trau dồi các kỹ năng cơ bản nhất, bồi đắp cảm xúc trong trái tim khiếm khuyết của trẻ. Đôi khi cha mẹ cảm thấy bất lực trong việc giáo dục con thì chính sự chuyên môn và tâm huyết của các cô là sự chia sẻ, hỗ trợ đắc lực.
Niềm hạnh phúc mà các cô giáo nhận được từ công việc là sự tin tưởng của phụ huynh. Nhìn họ hồ hởi kể với nhau về sự thay đổi của con, nghe tiếng các con bi bô trò chuyện với bố mẹ…, các cô đều hiểu rằng mình đang nỗ lực làm công việc thực sự có ý nghĩa cho đời.
Chị Trương Thị Thanh Nhàn - Quản lý chuyên môn Trung tâm CTSTN chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn các em nhỏ và thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ được điều trị tâm lý, can thiệp sớm. Bởi trao niềm tin, cơ hội chính là cách giúp các em bộc lộ, thể hiện khả năng của bản thân, xóa bỏ định kiến về người tự kỷ, khuyết tật trí tuệ là gánh nặng của gia đình, xã hội, lan tỏa tình yêu thương, đem lại điều tuyệt vời nhất cho những số phận kém may mắn”.
Những cô giáo đặc biệt như chị Hảo, chị Tuyên đều hiểu, với trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật, chuyên môn thôi là chưa đủ mà cần có tình thương yêu vô bờ bến, đặt hết tâm sức, tình cảm của mình để thay đổi chúng, trao đi giá trị để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Bùi Minh