"Trăm hoa đua nở”
Theo thống kê, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng khoảng 20 phương thức để xét tuyển. Trong đó, phương thức xét kết quả học bạ, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm ưu thế trong tuyển sinh của các trường. Ngoài ra các ĐH, trường ĐH còn tổ chức kì thi để lấy kết quả xét tuyển như một phương thức độc lập khác, tạo cơ hội cho thí sinh.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay, kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA) và của ĐH Quốc gia TPHCM (APT) thu hút thí sinh tham gia đông nhất vì có số lượng cơ sở giáo dục ĐH lấy kết quả để tuyển sinh lớn nhất. Trong đó, kì thi HSA của ĐH Quốc gia Hà Nội có 6 đợt thi với quy mô khoảng 84 nghìn chỗ dự thi. Hiện tại, đã có khoảng 90 trường ĐH trên cả nước đăng kí sử dụng kết quả kì thi HSA này để tuyển sinh năm 2024, bao gồm 17 trường quân sự.
Kì thi APT của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2024 tổ chức 2 đợt thi trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi đợt 1 sẽ được tổ chức tại 24 tỉnh, thành phố vào ngày 7/4; đợt 2 tại 12 tỉnh/thành phố vào ngày 2/6. ĐH Quốc gia TPHCM cũng vừa công bố danh sách 105 trường ĐH, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của đơn vị này để xét tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2024.
Kì thi đánh giá Tư duy (TSA) của ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay tổ chức 6 đợt thi trước kì thi tốt nghiệp THPT. Hiện đã có 40 cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước đăng kí sử dụng kết quả kì thi này để tuyển sinh.
Bộ Công an cũng tổ chức bài thi đánh giá để tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc theo phương thức kết hợp kết quả bài thi này và kết quả thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Ngoài ra một số trường ĐH tổ chức kì thi riêng để tuyển sinh. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức 1 kì thi đánh giá năng lực năm 2024 để tuyển sinh. Kết quả kì thi này có 7 trường ĐH sư phạm, có đào tạo sư phạm trên cả nước và Trường ĐH Y dược Thái Bình đăng kí sử dụng để xét tuyển. Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng tổ chức kì thi đánh giá chuyên biệt để xét tuyển.
Trường ĐH Việt Đức (VGU) lựa chọn và tổ chức bài thi TestAS để làm một trong những phương thức tuyển sinh chính của nhà trường trong 14 năm qua. Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Trường ĐH Ngân hàng TPHCM có kì thi đánh giá đầu vào ĐH để lấy kết quả xét tuyển sinh năm 2024. Năm nay, lần đầu tiên ĐH Cần Thơ tổ chức kì thi đánh giá đầu vào ĐH (V-SAT) để lấy kết quả tuyển sinh…
Hiện, còn nhiều trường ĐH chưa công bố đề án, thông tin tuyển sinh nên rất có thể sẽ còn các kì thi riêng nữa. Như vậy, cùng với kì thi tốt nghiệp THPT, để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh có thể tham gia nhiều kì thi riêng do các ĐH, trường ĐH tổ chức với tinh thần tự nguyện.
Nhiều hệ lụy
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các kì thi riêng bên cạnh mang lại cơ hội xét tuyển cho thí sinh thì cũng có rất nhiều hệ lụy. Kì thi này thường tập trung ở các thành phố lớn hay trung tâm của các tỉnh, thành; thí sinh khu vực vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đi lại sẽ không có cơ hội tham gia. Đặc biệt hơn, các trường ĐH tốp đầu chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, phương thức xét học bạ ngày càng giảm và ưu tiên chỉ tiêu cho các phương thức có lợi cho thí sinh có điều kiện tham dự các kỳ thi riêng (như xét kết quả kì thi HSA, TSA, APT hay xét chứng chỉ ACT, SAT, IELTS…).
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM, cho hay mặt tích cực là có nhiều kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ cho nhu cầu tuyển sinh của thí sinh hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều bất tiện vì các kì thi này na ná nhau, rất tốn kém, phải tập trung vào đề thi tốt, khâu tổ chức thi cử cũng phải làm tốt, khâu chấm thi tốt, nếu không sẽ tuyển sinh được những thí sinh không đúng với chất lượng. Ông Sơn cho rằng tuy không bắt buộc nhưng số lượng các kì thi riêng hiện nay là quá nhiều vì thí sinh còn phải tham gia 1 kì thi bắt buộc là tốt nghiệp THPT.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết so với giai đoạn trước 3 chung (kì thi do Bộ GD&ĐT tổ chức cho các trường ĐH, CĐ lấy kết quả tuyển sinh từ năm 2002 đến năm 2014), các kì thi riêng đã có sự kế thừa và phát triển. Ông Sơn cho biết thêm, Bộ GD&ĐT băn khoăn khi hiện nay có nhiều phương thức xét tuyển trong một trường ĐH, các trường đã đánh giá, so sánh, đối chiếu kĩ giữa các phương thức tuyển sinh hay chưa. Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường rà soát, đánh giá lại các phương thức, thậm chí là các tổ hợp để xem phương thức nào, tổ hợp nào phù hợp nhất với yêu cầu đào tạo của trường. Từ đó bộ đề nghị các trường lựa chọn phương thức phù hợp nhất để đảm bảo sự công bằng với thí sinh. "Khi làm được điều này thì chúng tôi tin rằng mỗi trường ĐH sẽ không cần phải sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh”, ông Sơn nói.
Năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH rà soát, so sánh, đối chiếu kết quả học tập của sinh viên, giữa các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp tuyển sinh để lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp nhất.
(Theo TPO)