Trong Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ban hành ngày 6/3 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bổ sung danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ.
Theo đó, với môn tiếng Anh, ngoài chứng chỉ TOEFL ITP 450, TOEFL iBT 45, IELTS 4.0, Bộ cho phép miễn thi với thí sinh có B1 Preliminary/ B1 Business Preliminary/ B1 Linguaskill; TOEIC; Aptis ESOL B1; PEARSON PEIC B1; chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bậc 3 (VSTEP B1).
Trong số các chứng chỉ nói trên, VSTEP là chứng chỉ Anh ngữ "nội địa" duy nhất. Thí sinh có chứng chỉ VSTEP B1 cũng được quy đổi sang điểm 10 môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 như thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0.
Mặc dù ra đời được 10 năm, chứng chỉ VSTEP không được nhiều người biết đến như IELTS.
VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1,C2 theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR). Chứng chỉ này ra đời để phục vụ đề án ngoại ngữ 2020.
Theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 24/1/2014, 6 bậc của chứng chỉ VSTEP bao gồm: Bậc 1/6 tương đương với chứng chỉ A ngoại ngữ quốc gia và A1-CEFR; bậc 2/6 tương đương với chứng chỉ B ngoại ngữ quốc gia và A2-CEFR; bậc 3/6 tương đương với chứng chỉ C ngoại ngữ quốc gia và B1-CEFR; bậc 4/6 tương đương với B2- CEFR; bậc 5/6 tương đương với C1-CEFR; bậc 6/6 tương đương với C2-CEFR.
VSTEP ra đời thay thế hoàn toàn cho chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C trước đó vốn được đánh giá là không thực chất.
VSTEP được Bộ GD&ĐT sử dụng như một tiêu chuẩn đánh giá trình độ ngoại ngữ của giáo viên. Cụ thể, giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học và trung học cơ sở phải có chứng chỉ VSTEP bậc 4/6 (tương đương B2-CEFR); giáo viên tiếng Anh cấp trung học phổ thông phải có chứng chỉ VSTEP bậc 5/6 (tương đương C1-CEFR).
Ngoài ra, VSTEP được sử dụng khi xét điều kiện ngoại ngữ lên năm 3 và xét tốt nghiệp ở bậc đại học.
Chứng chỉ này cũng được sử dụng trong các đợt xét tuyển đầu vào và xét tốt nghiệp chương trình đào tạo cao học tại nhiều trường đại học trong nước. Thí sinh có VSTEP B1 được miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi thạc sĩ.
Một số cơ quan nhà nước cũng đặt ra yêu cầu chứng chỉ VSTEP trong thi tuyển công chức, viên chức.
Từ năm 2018 đến nay, các trường tổ chức thi VSTEP do Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Đồng thời, thi trên máy tính là hình thức thi duy nhất của bài thi VSTEP.
Lệ phí thi chứng chỉ VSTEP phụ thuộc vào từng đơn vị tổ chức, dao động 1,2-1,8 triệu đồng/lần thi. Thí sinh được quyền thi không giới hạn số lần cho đến khi đạt hạng chứng chỉ mong muốn.
Khác với IELTS, bằng B1 VSTEP không ghi thời hạn có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, bằng B1 chứng chỉ VSTEP dùng cho thạc sĩ chỉ có giá trị 2 năm tính đến ngày bảo vệ theo thông tư đào tạo thạc sĩ.
Trong quy chế mới thi tốt nghiệp THPT 2024, Bộ GD&ĐT không nêu yêu cầu về thời hạn sử dụng với chứng chỉ này.
Tính đến năm 2023, có 27 trường đại học được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi chứng chỉ VSTEP như Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện An ninh nhân dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương…
Cấu trúc đề thi VSTEP bậc 3-5
Đề thi VSTEP bậc 3-5 (tương đương B1-C1) gồm 4 phần nghe, nói, đọc, viết.
Phần nghe gồm 35 câu hỏi, thời gian 40 phút. Phần đọc gồm 40 câu hỏi, thời gian 60 phút. Phần viết gồm hai bài, 1 bài viết tương tác, 1 bài viết luận, thời gian 60 phút. Phần nói gồm 3 chủ đề, thời gian 12 phút.
Bài thi được chấm trên thang điểm 10 theo từng kỹ năng, làm tròn đến 0,5: 4.0-5.5/10 đạt chứng chỉ B1; 6.0-8.0/10 đạt chứng chỉ B2; 8.5-10/10 đạt chứng chỉ C1.
(Theo Dân trí)