Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc chuyển tiếp từ mẫu giáo lên lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Ở lớp 1, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi như lịch trình học tập dày đặc hơn, các yêu cầu về kỷ luật và tự giác cao hơn. Do đó, việc chuẩn bị tâm lý trước khi bước vào lớp 1 là vô cùng cần thiết.
Chị Nguyễn Thị Liên ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái có con vừa hoàn thành lớp 1, cho biết: "Khi còn ở nhà mẫu giáo, con tôi khá thoải mái, học chữ và số chỉ ở giai đoạn làm quen còn chủ yếu là các hoạt động vui chơi, xây dựng và phát triển các kỹ năng sống cơ bản. Nhưng sang đến lớp 1, con phải học nhiều môn hơn, lịch trình học cũng dày đặc hơn nhiều. May mắn là chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế cho con từ trước đó nên con đã dần làm quen và hòa nhập tốt với cuộc sống học đường mới. Tuy nhiên, trong lớp cũng có bạn chưa được chuẩn bị sẵn tâm thế nên những tuần học đầu còn khóc, đòi về, hay chưa tự lập trong các sinh hoạt”.
Trước khi bước vào lớp 1, cha mẹ nên giúp con tạo dựng thói quen học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Bé cần được đi ngủ và thức dậy đúng giờ, dành thời gian học tập, chơi đùa và nghỉ ngơi hợp lý. Điều này sẽ giúp các con dần thích ứng với lịch trình học tập và sinh hoạt mới ở lớp 1. Một trong những yêu cầu lớn nhất đối với trẻ vào lớp 1 là phải tự chăm sóc bản thân - từ việc mặc quần áo, chuẩn bị đồ dùng học tập đến ăn uống, vệ sinh cá nhân...
Cha mẹ nên dạy con các kỹ năng này từ sớm để các con tự tin và độc lập khi đến trường. Môi trường lớp 1 là nơi trẻ sẽ phải giao tiếp, làm quen và hòa nhập với nhiều bạn bè mới. Do đó, cha mẹ nên khuyến khích con tập giao tiếp, chia sẻ, hợp tác và làm việc nhóm từ trước khi vào lớp 1. Điều này sẽ giúp các con tự tin và dễ dàng hòa nhập với môi trường mới.
Bên cạnh đó, việc tạo hứng thú và động lực học tập cho con cái là rất quan trọng. Cha mẹ có thể khuyến khích, khen thưởng khi con cố gắng học tập, làm việc, hoặc tìm những hoạt động học tập gần gũi, thú vị để con tham gia. Điều này sẽ giúp trẻ hăng hái và tự giác hơn trong học tập. Ở lớp 1, trẻ phải tự chịu trách nhiệm về học tập và sinh hoạt của bản thân nhiều hơn so với mẫu giáo. Do đó, cha mẹ cần giúp con rèn luyện kỹ năng tự chủ, tự lập như lên kế hoạch, tự tổ chức công việc, tự đánh giá kết quả học tập...
Điều này sẽ giúp trẻ dần trưởng thành và chủ động hơn. Cha mẹ trẻ hãy dành thời gian trò chuyện với con về những thay đổi cũng như những niềm vui mà trường tiểu học mang đến như: vào lớp 1, con sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè mới, thầy cô giáo mới; con được học hỏi nhiều điều thú vị, có những trải nghiệm đáng nhớ… Tuyệt đối không nên mang các hình phạt hoặc thầy cô giáo ra để dọa nạt trẻ, khiến trẻ hình thành tâm lý sợ trường lớp. Hãy mang đến cho con những hình dung gần gũi nhất và chân thực nhất về mái trường tiểu học!
Chị Liên chia sẻ thêm: "Tôi luôn cố gắng dạy con những kỹ năng sống cần thiết như tự mặc quần áo, gửi đồ cho cô, tự ăn uống... Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên trao đổi với con về những gì con học ở trường, động viên và khen ngợi con khi con cố gắng học tập. Tôi tin rằng những điều này đã giúp con tiếp cận môi trường lớp 1 một cách tự tin và chủ động hơn”.
Bên cạnh sự chuẩn bị của gia đình, sự hỗ trợ và hướng dẫn từ nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng. Hoạt động giáo dục 5 tuổi ở các trường mầm non đều có chương trình tham quan và làm quen với trường tiểu học trong vùng giúp trẻ làm quen với môi trường lớp 1, tham gia một số hoạt động trải nghiệm... Các hoạt động này rất có ý nghĩa, giúp trẻ giảm bớt lo lắng và dần thích nghi với cuộc sống học đường mới.
Việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 là cả một quá trình; là nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường và gia đình, song hình thức phải phù hợp với đặc điểm nhận thức, tâm sinh lý trẻ để trẻ bước vào lớp 1 một cách tự nhiên, vui vẻ và háo hức.
Thanh Vy