Sự học ở Yên Thành

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/6/2024 | 2:00:17 PM

YênBái - Trường Tiểu học xã Yên Thành (xã Yên Thành, huyện Yên Bình) mới ra khỏi vùng 135, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12/2022. Trường có 97% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 95% là người dân tộc Dao.

Cô và trò Trường Tiểu học xã Yên Thành, huyện Yên Bình trong giờ học môn Tiếng Việt.
Cô và trò Trường Tiểu học xã Yên Thành, huyện Yên Bình trong giờ học môn Tiếng Việt.


Thời gian qua, nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Yên Bình đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Đồng nghĩa với việc các chính sách hỗ trợ cho học sinh khu vực này cũng không còn, từ đó sự học ở những địa phương này cũng gặp không ít trở ngại. 

Ông Nguyễn Quang Trường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Yên Thành cho biết: Những năm học trước, các em học sinh nhà trường được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. 

Năm học 2023 - 2024, Trường chuyển đổi từ mô hình  Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Yên Thành sang thành Trường Tiểu học xã Yên Thành. Từ đó giáo viên và học sinh đều không được hưởng chế độ bán trú và không có học sinh bán trú. Nhà trường hiện có điểm chính tại trung tâm xã và 1 điểm lẻ ở thôn Máy Đựng; năm học 2023 - 2024 Trường có 21 lớp, 610 học sinh, với tổng số 34 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 

Thực tế, xã Yên Thành đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, nhưng đời sống của nhiều hộ dân trong xã chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản thì chưa có nhiều thay đổi, vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, một số phụ huynh học sinh còn coi nhẹ, chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình và nguy cơ học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số của nhà trường là rất lớn. 

Trước thực tế đó nhà trường đã có những giải pháp linh hoạt để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh. Cụ thể như, năm học 2023 - 2024 để tạo điều kiện cho các em học sinh ăn trưa, nghỉ ngơi tại trường, đảm bảo học 2 buổi/ngày, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ giáo dục nói chung và mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh tiểu học nói riêng, Ban Giám hiệu nhà trường đã kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, các tổ chức chính trị xã hội và các nhà hảo tâm chung tay tài trợ ủng hộ cải tạo cơ sở vật chất, mua thiết bị đồ dùng bán trú và đóng góp, hỗ trợ gạo, mỳ tôm tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh tại trường. 

Qua đó, có khoảng trên 50% học sinh đóng góp ăn trưa tại trường, ngoài ra cũng có một số học sinh mang theo cơm đi học. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và học liệu được Nhà nước đầu tư tương đối đầy đủ; nhà trường cũng tạo điều kiện cho các thầy cô giáo trong việc trang cấp đầy đủ các thiết bị dạy học ở điểm trường lẻ. 

Trong năm học, nhà trường đã đưa thêm 2 môn học là Tin học và Tiếng Anh vào giảng dạy ở các khối lớp 3, 4, 5, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận và hứng thú với môn học mới. 

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương - Tổ trưởng khối 4 - 5, Chủ nhiệm Lớp 5A chia sẻ: Học sinh nhà trường chủ yếu là người dân tộc Dao. Giáo viên nhà trường luôn bám lớp, động viên, khích lệ các em chăm chỉ học tập, khuyến khích học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt; thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể như trò chơi, múa hát, thi kể chuyện… để học sinh dễ dàng tiếp thu tiếng Việt. 

"Bên cạnh đó, giáo viên nhà trường cũng chủ động học ngôn ngữ dân tộc Dao và có đội ngũ giáo viên chuyên sâu dạy khối lớp 1, biết nói tiếng Dao để thuận lợi trong việc chuyển tải kiến thức và chăm sóc học sinh…" - cô Phương nói

Từ những nỗ lực chung đó, những khó khăn về sự học ở Yên Thành đã được tháo gỡ đáng kể. Những năm học gần đây, không còn tình trạng học sinh bỏ học, giáo viên nhà trường cũng không còn phải đi vận động học sinh ra lớp như trước đây; chất lượng giáo dục ngày một nâng lên. Năm học 2023 - 2024, xét hoàn thành chương trình lớp học của nhà trường đạt tỷ lệ 99,31%; trong đó có trên 200 học sinh được nhận giấy khen cấp trường, đạt trên 35%.

Vũ Đồng

Tags Yên Thành Yên Bình đông hồ giáo dục đào tạo sự học

Các tin khác
Học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tích cực ôn luyện những ngày

Để đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, cùng với một số quy định nhằm siết chặt kỷ luật tại phòng thi và về đề thi, Ban chỉ đạo các kỳ thi cấp tỉnh Yên Bái năm 2024 tiếp tục quán triệt tinh thần "4 đúng, 3 không" trong quá trình tổ chức kỳ thi.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Yên Bái

Ngày 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.

Văn hóa truyền thống được truyền dạy lồng ghép và trải nghiệm trong trường học.

Thấm nhuần quan điểm xuyên suốt của Đảng qua các thời kỳ “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội”, mặc dù còn nhiều khó khăn, song những năm qua, Yên Bái đang nỗ lực không ngừng để tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất, góp phần xây dựng một thế hệ công dân tài năng, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện nói chung, xây dựng con người Yên Bái với các phẩm chất "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT miền Tây.

Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo các kỳ thi tỉnh Yên Bái vừa kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại 3 điểm thi của thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục