Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có tổng cộng 1.067.391 thí sinh đăng ký tham dự, cao hơn năm 2023 là 43.328 thí sinh. Trong đó, số thí sinh tự do là 45.344. Do thí sinh tăng nên số điểm thi năm nay cũng tăng với mức 2.323 điểm thi, 45.149 phòng thi.
Các tỉnh, thành phố có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất gồm: Hà Nội: 109.078 thí sinh; Thành phố Hồ Chí Minh: 88.196 thí sinh; Thanh Hóa: 38.677 thí sinh.
Các tỉnh có số thí sinh đăng ký dự thi ít nhất gồm: Kon Tum: 5.052 thí sinh; Lai Châu: 4.211 thí sinh; Bắc Kạn: 3.180 thí sinh.
Đúng 14h ngày 26/6, thí sinh phải có mặt tại phòng làm thủ tục của điểm thi mang theo Giấy báo thi/Căn cước công dân để nghe phổ biến Quy chế thi, nhận thẻ dự thi và báo cáo điều chỉnh sai sót thông tin về họ, đệm, tên, ngày tháng năm sinh, diện ưu tiên (nếu có).
Trong 2 ngày 27/6 và 28/6, thí sinh có mặt đúng giờ tại điểm thi theo đúng lịch các buổi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó và các buổi thi còn lại.
Thí sinh cần nhận thức đúng rằng, đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Tối mật"; nếu thí sinh cố tình sao chụp, phát tán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ "Tối mật" đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài của bài thi tự luận. Mọi hành vi làm lộ, lọt đề thi sẽ bị xử lý theo các quy định tại Luật bảo vệ bí mật nhà nước.
Những vật dụng thí sinh tuyệt đối không được mang vào phòng thi
Để không vi phạm quy chế thi, thí sinh đặc biệt lưu ý tới những vật dụng này và tuyệt đối không được mang vào phòng thi.
Những vật dụng cấm mang vào phòng thi: Giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy, tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Những vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Theo Bộ GD&ĐT, mọi trường hợp vi phạm quy định, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi. Thí sinh bị đình chỉ bài thi nào sẽ bị điểm 0 bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài tiếp theo. Đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT và không còn cơ hội tham gia xét tuyển đại học năm nay.
Thí sinh không được phép sử dụng CCCD trên VNeID để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm học 2024.
Để phòng chống việc thi kèm và thi hộ, ngoài việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của thí sinh khi gọi vào phòng thi thì trong quá trình làm bài thi cán bộ coi thi vẫn thực hiện rà soát đối chiếu giấy tờ tùy thân của thí sinh.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp thí sinh quên không mang theo căn cước công dân CCCD khi đi thi tốt nghiệp THPT. Do đó, có một số thắc mắc là liệu thí sinh có thể dùng VNeID thay CCCD làm thủ tục thi hay không?
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh không được phép sử dụng CCCD trên VNeID để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm học 2024.
Quy định về điều kiện dự thi nêu rõ thí sinh phải xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đã sử dụng để đăng ký dự thi khi làm thủ tục dự thi. VNeID, dù có tích hợp CCCD, không được xem là giấy tờ tùy thân hợp lệ trong trường hợp này.
Lý do đưa ra là, ứng dụng VNeID được cài đặt trên điện thoại, trong khi đó, điện thoại là một trong các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi nên không thể dùng ứng dụng điện tử này để xác thực trong quá trình làm thủ tục dự thi.
Trường hợp bị mất thẻ CCCD hoặc các giấy tờ cần thiết khác, thí sinh phải báo cáo ngay lập tức cho trưởng điểm thi để xem xét, xử lý. Hội đồng thi sẽ xử lý theo hướng yêu cầu thí sinh làm giấy cam đoan để vào dự thi.
Thí sinh được điều chỉnh sai sót trong ngày làm thủ tục dự thi
Vào ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh sẽ được phát Thẻ dự thi. Khi nhận thẻ dự thi, cần kiểm tra kỹ các thông tin trên thẻ. Trong trường hợp có sai sót, thí sinh phải báo ngay với giám thị phòng thi để sửa chữa thông tin kịp thời.
Ngoài ra, thí sinh cũng có cơ hội sửa các thông tin sai sót vào ngày làm thủ tục dự thi đối với các thông tin xét tuyển. Tuy nhiên, việc rà soát, điều chỉnh mất rất nhiều thời gian, có thể không đảm bảo quyền lợi của thí sinh nên rất cần chú ý cẩn thận, kiểm tra kỹ trước khi đăng ký thông tin.
Thí sinh đến chậm 15 phút sẽ không được dự thi
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trách nhiệm của thí sinh có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định ghi trong Giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi: Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân và nhận Thẻ dự thi.
Nếu thấy có những sai sót về họ, đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, phải báo cáo cho cán bộ của Hội đồng thi để xử lý kịp thời.
Cũng theo đó, nếu thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Khi được sắp xếp số thứ tự trong phòng thi, thí sinh phải ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Trước khi làm bài thi, phải tô hoặc điền đầy đủ số báo danh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), giấy nháp; khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in.
Chậm nhất 10 phút sau khi phát đề, nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo với cán bộ coi thi trong phòng thi.
(Theo VTV)