Thông tư 09 có cấu trúc khoa học, nhất quán với Chuẩn cơ sở giáo dục đại học

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/7/2024 | 10:57:28 AM

Thông qua báo cáo thường niên, nhà trường thể hiện được bức tranh toàn cảnh về kết quả hoạt động theo từng năm, từ đó tự kiểm soát rủi ro.

Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).
Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT quy định công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi tắt là Thông tư 09) vào ngày 3/6/2024. Được biết, Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT và có hiệu lực từ ngày 19/07/2024.

Một điểm mới đáng chú ý trong Thông tư 09 là quy định các cơ sở giáo dục đại học có Báo cáo thường niên thay vì các báo cáo từng phần như theo Thông tư 36.

Báo cáo công khai của Thông tư 09 có cấu trúc khoa học hơn, nhất quán với Chuẩn cơ sở giáo dục đại học

Về hình thức, theo Thông tư 36, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải sử dụng 5 phụ lục (tương ứng với 5 báo cáo về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu, tài chính, quy mô đào tạo, cam kết chất lượng đào tạo của cơ sở).

Tuy nhiên, theo Thông tư 09, các cơ sở sẽ công khai với duy nhất 01 báo cáo thường niên. Trong báo cáo này sẽ nêu các mục về Thông tin chung; Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên; Cơ sở vật chất; Kiểm định chất lượng giáo dục; Kết quả tuyển sinh và đào tạo; Kết quả hoạt động Khoa học và Công nghệ; và Kết quả tài chính.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến – nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) bày tỏ, việc gom gọn các thông tin cần công khai vào một báo cáo duy nhất như vậy nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, duy nhất. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo khi chỉ cần thiết lập một báo cáo với các thông tin công khai tương xứng với các tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là Thông tư 01).

Hơn nữa, với các thông tin được sử dụng nhất quán giữa báo cáo thường niên theo Thông tư 09 và Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, việc lập báo cáo sẽ được các trường tiến hành nhanh chóng hơn. Bởi, các thông tin cần thiết đã được Chuẩn cơ sở giáo dục đại học thu thập, xây dựng sẵn phục vụ mục đích kiểm định chất lượng.

Bên cạnh đó, các bên liên quan và nhà quản lý cũng gặp thuận lợi khi tiếp cận thông tin của nhà trường một cách đầy đủ chỉ thông qua một báo cáo thường niên thay vì phải tìm kiếm thông tin từ nhiều báo cáo khác nhau.

Theo thầy Luyến, thời gian qua đã có tình trạng một số trường không công bố công khai đầy đủ (hoặc công khai chậm) các báo cáo theo quy định của Thông tư 36, gây nhiều khó khăn cho người đọc cũng như nhà quản lý khi cần tiếp cận thông tin.

Đối với điểm mới này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, báo cáo công khai là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục.

Có thể thấy, thông qua số liệu công khai trong báo cáo thường niên, thông tin có giá trị đối sánh giữa năm sau với năm trước đã phục vụ cho việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược phát triển của nhà trường.

Hơn nữa, việc công khai theo đúng quy định pháp luật nhưng đơn giản hóa các thông tin công khai, hạn chế việc cập nhật số liệu chi tiết về kỹ thuật, trùng nội dung, giảm biểu mẫu đã góp phần thực hiện cải cách hành chính.

Theo thầy Tuấn, báo cáo thường niên giúp đảm bảo thông tin hoạt động của các trường được cập nhật một cách liên tục và nhất quán hàng năm, đồng thời cung cấp tài liệu chi tiết và toàn diện. Từ đó, giúp phụ huynh, sinh viên và xã hội dễ dàng đánh giá và giám sát hoạt động, theo dõi sự phát triển của trường.

"Việc thực hiện báo cáo thường niên là cần thiết để cơ quan quản lý kiểm soát hoạt động của cơ sở giáo dục. Đồng thời, thông qua báo cáo thường niên, nhà trường cũng thể hiện được bức tranh toàn cảnh về kết quả hoạt động theo từng năm, từ đó tự kiểm soát rủi ro, có điều kiện để rà soát, phân tích dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý.

Hơn nữa, từ 05 phụ lục giảm còn 01 Báo cáo thường niên vừa giúp các cơ sở giáo dục đại học giảm đáng kể khối lượng công việc cần triển khai, giảm bớt các công việc tổng hợp, báo cáo, vừa đảm bảo dữ liệu công khai với người học, xã hội là khách quan và đáng tin cậy”, thầy Tuấn nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên, về bản chất, các thông tin cần công khai đối với các cơ sở giáo dục đại học trong Thông tư 36 và Thông tư 09 đều cung cấp cho các bên liên quan những thông tin cốt lõi của cơ sở để thực hiện trách nhiệm giải trình của mình về chất lượng đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, Thông tư 09 có cấu trúc khoa học hơn, nội dung công khai đồng bộ với các quy định của Nhà nước cũng như sát với các chỉ tiêu, cơ sở dữ liệu của nhà trường hơn. Điều này thuận lợi cho nhà trường tiết kiệm được thời gian thu thập, xử lý dữ liệu cũng như đăng tải dữ liệu công khai.

Hơn nữa, nội dung thông tin công khai được cấu trúc trên 1 báo cáo thường niên giúp cho người đọc có cái nhìn tổng thể được toàn bộ hoạt động và kết quả hoạt động của nhà trường.

Quy định bổ sung thông tin về đội ngũ giảng viên giúp đảm bảo tính liên thông với Hệ thống HEMIS

Đối với đội ngũ giảng viên, khác với Thông tư 36 chỉ nêu thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu, Thông tư 09 yêu cầu các trường đại học cần nêu chỉ số đánh giá về đội ngũ giảng viên toàn thời gian (Tỷ lệ người học quy đổi trên giảng viên; Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động; Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ); Thống kê đội ngũ giảng viên toàn thời gian theo lĩnh vực đào tạo gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trong báo cáo thường niên.

Mặt khác, ngoài phải nêu thông tin về đội ngũ giảng viên, Thông tư 09 cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải thống kê thông tin về đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên khối hành chính và hỗ trợ tại phần II về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên của báo cáo thường niên.

Theo thầy Luyến, việc quy định cần nêu các thông tin chi tiết như vậy giúp các trường thuận tiện đồng nhất thông tin với Hệ thống cơ sở dữ liệu HEMIS về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định mới này cũng hoàn toàn phù hợp với Tiêu chuẩn 2 về giảng viên của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

SV2.jpg
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Bên cạnh đó, quy định phải nêu thông tin về đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên khối hành chính và hỗ trợ còn giúp xác định rõ các cơ sở giáo dục đại học có đáp ứng đầy đủ các quy định đặt ra trong Tiêu chuẩn 1 về tổ chức và quản trị trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học hay không. Điều này giúp cho các bên có liên quan và nhà quản lý có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin và đánh giá xem liệu nhà trường có bộ máy tổ chức quản lý ổn định, có hệ thống quản trị hiệu quả và minh bạch ra sao.

Trong khi đó, thầy Tuấn cho rằng, mỗi cơ sở giáo dục đại học đều có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ, quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Hơn nữa, thông tin về đội ngũ giảng viên toàn thời gian trên báo cáo là căn cứ quan trọng ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục.

Trên thực tế, do thông tin dữ liệu hầu hết đã cập nhật trên cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục (HEMIS) nên việc bổ sung thêm các thông tin về đội ngũ giảng viên toàn thời gian trên báo cáo công khai theo Thông tư 09 sẽ giúp đảm bảo được tính kết nối, liên thông với hệ thống này.

Cũng theo thầy Tuấn, việc thống kê đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên khối hành chính sẽ hỗ trợ cho nhà trường trong việc cập nhập đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục đối với các bên liên quan.

Còn theo thầy Khoa, các chỉ số đánh giá về đội ngũ giảng viên toàn thời gian trong Thông tư 09 một mặt hướng tới và đảm bảo sự đồng nhất thông tin với Hệ thống cơ sở dữ liệu HEMIS về giáo dục đại học, mặt khác minh chứng được một trong những yêu cầu quan trọng của đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường.

Hơn nữa, các thông tin này còn giúp nhà trường kiểm soát được số lượng và chất lượng đội ngũ; phục vụ công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng cấp trường và cấp chương trình đào tạo; xác định chỉ tiêu tuyển sinh các bậc đào tạo hàng năm.

Hiện các cơ sở giáo dục đại học tiến tới tự chủ, vậy nên, số lượng và chất lượng đội ngũ của khối hành chính và hỗ trợ (bao hàm cả lãnh đạo, quản lý và chuyên viên) là rất quan trọng trong việc tham mưu cũng như triển khai toàn bộ các lĩnh vực công tác của Trường theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học.

Nâng cao tính liêm chính học thuật khi các cơ sở cần công khai chi tiết thông tin hơn về nghiên cứu khoa học

Đặc biệt, khác với Thông tư 36, trong Thông tư 09 quy định thông tin về hoạt động khoa học và công nghệ thể hiện trong một mục riêng tại báo cáo thường niên. Trong đó, các trường cần nêu rõ về các chỉ số đánh giá về hoạt động khoa học và công nghệ; các đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện trong năm; kết quả công bố khoa học, công nghệ.

Thầy Luyến cho rằng, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của kiểm định chất lượng giáo dục theo Thông tư 01, việc công khai các thông tin này còn nhằm mục đích minh bạch hoá năng lực hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học vốn đang bị xã hội đặt nhiều dấu hỏi.

TTU-co-gi-04.jpg
Sinh viên Trường Đại học Tân Tạo trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Hiện nay, trên cả nước chỉ có một số trường đại học có thế mạnh trong hoạt động khoa học công nghệ. Chính vì vậy, việc công khai các thông tin này sẽ tạo nên áp lực cần thiết cho các trường trong việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ.

Qua đó, các cơ sở sẽ thúc đẩy đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thực tiễn hoá khối kiến thức lý thuyết và nâng tầm trình độ của mình. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cũng sẽ tập trung rà soát vấn đề liêm chính học thuật, đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng và minh bạch theo thông lệ quốc tế.

Việc nêu rõ về các chỉ số đánh giá về hoạt động khoa học và công nghệ, các đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện trong năm, kết quả công bố khoa học, công nghệ sẽ giúp các cơ sở giáo dục kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hành vi đạo văn, gian lận trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Không những vậy, các thông tin, chỉ số trên còn hỗ trợ cho việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Đối với điểm mới này, thầy Khoa cho rằng, về giá trị các thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ, trong xếp hạng webometrics chủ yếu dựa trên mức độ ảnh hưởng học thuật, sự xuất sắc học thuật và mức độ phổ biến học thuật được đánh giá qua công bố báo chí.

Như vậy, những thông tin bổ sung theo quy định mới này sẽ nói lên năng lực hoạt động khoa học công nghệ của đội ngũ giảng viên nhà trường. Qua đó, đánh giá được đội ngũ giảng viên có thực hiện được chức năng nghiên cứu khoa học của họ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, các thông tin này còn cung cấp cái nhìn toàn cảnh về hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giúp cho lãnh đạo ra quyết định chiến lược trong các hoạt động điều hành, đồng thời giúp cho đối tác nắm được năng lực nghiên cứu chuyển giao của nhà trường.

Mặt khác, về tài chính, có thể thấy rằng, trong báo cáo thường niên của Thông tư 09, thông tin công khai về tài chính nằm trong mục VII quy định chi tiết, cụ thể hóa hơn so với Thông tư 36. Đơn cử, Thông tư 09 yêu cầu có thêm chỉ số đánh giá về tài chính; ngoài tổng thu hoạt động còn yêu cầu phải nêu về tổng chi hoạt động (chi lương, cơ sở vật chất, ...), chênh lệch thu chi.

Theo thầy Luyến, việc yêu cầu công khai, minh bạch thông tin tài chính, trong đó làm rõ các khoản mục thu, chi, lợi nhuận là việc đáng lẽ phải thực hiện từ lâu, giống như các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện.

Đối với những thông tin về tài chính được bổ sung theo Thông tư 09, Phó Giáo sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc làm này nhằm minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu cơ sở giáo dục công khai chi tiết các khoản thu, chi, chỉ số đánh giá về tài chính và chênh lệch thu, chi giúp xã hội có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình tài chính của nhà trường. Đồng thời, giúp trường có thể đánh giá và kiểm soát tình hình tài chính tốt hơn.

Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có đủ thông tin để tiến hành thanh, kiểm tra, đánh giá một cách chính xác và nhanh chóng, từ đó hỗ trợ nhà trường trong việc điều chỉnh và cải thiện công tác quản lý tài chính.

Cần lưu ý về việc đảm bảo sự cân bằng giữa tính minh bạch và tính bảo mật khi thực hiện Thông tư 09

Cũng theo thầy Tuấn, hiện tại, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển đổi số trong quá trình quản trị đại học nên việc áp dụng các biểu mẫu mới và chuẩn hóa, tương thích dữ liệu cũng không quá phức tạp.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự cân bằng giữa tính minh bạch và tính bảo mật, đặc biệt là nhu cầu bảo mật thông tin liên quan đến dữ liệu cá nhân của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cũng là việc các cơ sở giáo dục đại học cần lưu ý.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến cho rằng, chỉ có những cơ sở giáo dục đại học trước nay không minh bạch trong công bố thông tin hoặc có nhiều nội dung chưa đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, hay thay đổi cán bộ quản lý, đội ngũ nhân sự biến động liên tục… mới gặp nhiều khó khăn khi thực hiện báo cáo thường niên theo Thông tư 09.

Ngược lại, đối với các cơ sở hoạt động ổn định, có chất lượng đào tạo và vận hành tổ chức tốt, tất yếu sẽ không gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện báo cáo thường niên này.

Còn theo Phó Giáo sư Ngô Như Khoa, mặc dù chưa chính thức áp dụng, nhưng về cơ bản các quy định công khai mới đối với cơ sở giáo dục theo Thông tư số 09 có nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc biệt là bám sát các tiêu chuẩn của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư 01). Do đó, việc thực hiện theo quy định mới sẽ đảm bảo tính thống nhất giữa Chuẩn cơ sở giáo dục đại học và công khai các chuẩn này, đảm bảo tính minh bạch với xã hội và các cơ quan hữu quan trong công tác giám sát.

Là một trường đại học công lập với bề dày phát triển gần 60 năm, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái nguyên về cơ bản hội tụ đầy đủ các điều kiện đáp ứng theo tiêu chuẩn của Thông tư 01. Vậy nên, việc thực hiện các yêu cầu công khai theo Thông tư 09 gần như không gặp trở ngại đối với nhà trường.

Tuy nhiên, với chủ trương của Đảng, Chính phủ và yêu cầu thực tiễn đòi hỏi chất lượng giáo dục đại học ngày một nâng cao, từng bước tiệm cận với trình độ quốc tế, mà một số tiêu chuẩn đã đề ra trong Thông tư 01 hiện là một thách thức với Nhà trường nói riêng, các trường đại học khác nói chung.

Đơn cử, khi các tiêu chuẩn này phải được công khai trước xã hội theo quy định, những tiêu chí về diện tích đất/người học, các hạng mục cơ sở vật chất được đầu tư mới trong năm, các đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện trong năm có thể sẽ là những thách thức của nhiều cơ sở giáo dục đại học.

(Theo GDVN)

Các tin khác
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền luôn nhiệt huyết, cống hiến với nghề.

Bài thi của cô giáo Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường tiểu học Trần Phú (huyện Văn Chấn) xuất sắc đạt giải Đặc biệt.

Lần đầu tiên Đại học Y Hà Nội áp dụng tuyển thẳng với học sinh giỏi quốc gia các môn Văn, Sử, Địa.

Đại học Y Hà Nội vừa công bố quyết định công nhận 178 thí sinh trúng tuyển thẳng đại học chính quy, trong đó có 19 em là học sinh giỏi các môn Văn, Sử, Địa.

Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT

Thời gian Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT vào 8h ngày 17/7. Sau khi công bố điểm thi, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.

Sách giáo khoa các lớp đã được bán tại cửa hàng bán lẻ của các đơn vị thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đối tác phát hành tại địa phương trên toàn quốc. Ảnh tư liệu

Ngày 10/7, theo thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm học 2024 - 2025, nhà xuất bản dự kiến thực hiện chương trình tặng sách giáo khoa dùng chung cho các trường Trung học Cơ sở và Tiểu học trên toàn quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục