rường tốp trên điểm sàn từ 20 trở lên
Đến thời điểm này, nhiều cơ sở đã công bố điểm sàn xét tuyển đến thí sinh như: ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Công thương TPHCM…
ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên của cả nước công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển ĐH bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, điểm sàn theo phương thức này của trường là 20 điểm (chưa nhân hệ số, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, nếu có). Từ mức này, 13 trường, khoa trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ đưa ra điểm sàn theo từng ngành, nhóm ngành và chương trình đào tạo. Riêng nhóm ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên, mức điểm sàn phải đáp ứng quy định chung của ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ GDĐT.
Trường ĐH Ngoại thương cũng vừa công bố mức điểm sàn (điểm nhận hồ sơ đăng ký) ĐH chính quy năm 2024 theo phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và phương thức kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cùng kết quả thi. Cụ thể, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (phương thức xét tuyển 4) đối với trụ sở chính và các cơ sở trực thuộc là 24 điểm đối với tất cả các tổ hợp môn tương ứng (đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng).
Ở phía Nam, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) có điểm sàn chung là 21 điểm. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) có mức điểm sàn dao động từ 16 - 24 tuỳ theo từng ngành đào tạo. Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP HCM) đưa ra mức điểm nhận hồ sơ lên đến 22 điểm, áp dụng chung cho tất cả các ngành học (13 ngành) và các tổ hợp xét tuyển. Đây là trường duy nhất tại TPHCM đến thời điểm này đưa ra mức điểm sàn chung cao nhất, không phân biệt ngành học nào.
Bẫy điểm sàn không mới
Điểm sàn là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện căn bản để nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Tùy theo mức độ thu hút thí sinh/chỉ tiêu của từng trường mà điểm sàn được dự kiến khá đa dạng. Năm nay nhóm ngành hot ở các trường tốp trên điểm sàn dự kiến từ 20 trở lên, số đông còn lại phổ biến mức 15 - 20, thậm chí có trường/ngành còn đưa ra con số dưới 15 điểm.
Mức điểm sàn xét tuyển khá thấp không phải câu chuyện mới của năm nay, mà là xu hướng vài năm trở lại đây. Xu hướng công bố điểm sàn thấp với nhóm trường có mức độ cạnh tranh cao, có trường/ngành điểm chuẩn cao hơn sàn 6 - 8 điểm. Điều này khiến nhiều thí sinh chủ quan, không ít người còn nhầm tưởng điểm sàn là điểm chuẩn, nên chỉ cần bằng hoặc cao hơn sàn 1 - 2 điểm đã vội chốt nguyện vọng. Nhiều mùa tuyển sinh trước, không ít thí sinh phải trả giá trước "bẫy” điểm sàn thấp và trượt ĐH dù điểm thi cao. Vì vậy, theo các chuyên gia, thí sinh và phụ huynh cần thận trọng để tránh "bẫy” điểm sàn thấp.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại Hà Nội, trước băn khoăn của cả thí sinh và phụ huynh về "điểm chuẩn”, "điểm sàn”, Ban Tư vấn giải thích rõ ràng: Điểm sàn là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Đây là mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường ĐH nên chưa phải điểm chuẩn đầu vào. Nếu điểm chuẩn đầu vào bằng điểm sàn thì thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Còn điểm chuẩn cao hơn điểm sàn thì thí sinh không thuộc danh sách trúng tuyển.
Để đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho phù hợp, PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội khuyên thí sinh dựa vào 2 yếu tố: Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chuẩn trúng tuyển những năm gần đây của các trường mà bản thân đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Năm 2024, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Vì thế, theo ông Tùng, các em nên mạnh dạn chọn những ngành/trường học yêu thích và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết. Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin và xác nhận thí sinh trúng tuyển nguyện vọng duy nhất. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
(Theo daidoanket)