Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GDĐT, các đơn vị trực thuộc về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở chú trọng chỉ đạo tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa học đường; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, học viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Theo Sở GDĐT, để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong thời gian tới, trước hết, Sở tiếp tục chỉ đạo triển khai Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”; trong đó, tập trung giáo dục cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, ý chí học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp; kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng vươn lên, tinh thần tình nguyện cống hiến.
Cùng đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”; triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục theo quy định tại Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
Tiếp tục thực hiện Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, "Dạy tốt, học tốt”, "Xây dựng trường học hạnh phúc”, "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong các cấp học. Tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên, thiếu niên, nhi đồng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và khẳng định năng lực bản thân.
Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả việc dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật; các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong các môn học: Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử… và các hoạt động giáo dục; trong đó, tập trung vào các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống, giá trị sống trong chương trình giáo dục phổ thông…
Cùng với những giải pháp chung của ngành GDĐT thì trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, vai trò của từng nhà trường là vô cùng quan trọng. Cô giáo Hoàng Thị Loan - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái chia sẻ quan điểm: "Ở góc độ nhà trường, muốn "rèn đức” cho học sinh, theo tôi, đó là phải thay đổi, trước hết là cần thay đổi tư duy, nhận thức của người quản lý, giáo viên, nhân viên; thay đổi cách thức làm việc và cách ứng xử của thầy cô; nhà trường đồng hành cùng gia đình trong việc hình thành, giáo dục nhân cách cho học sinh. Trong đó, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mà người đứng đầu là hiệu trưởng giữ vai trò như người cầm lái "con tàu đổi mới”, là người quyết định sự thành bại trong công cuộc đổi mới của từng cơ sở giáo dục”.
Theo cô Hoàng Thị Loan, hiệu trưởng nhà trường ngoài việc quản trị nhà trường về đội ngũ và chuyên môn thì phải là người sáng tạo, bao dung, gần gũi với đồng nghiệp và học sinh; đồng hành cùng gia đình học sinh. Không ai khác ngoài ban giám hiệu và hiệu trưởng phải tạo được một môi trường mà giáo viên hồ hởi đến làm việc, học sinh tự giác đi học. Môi trường đó cần quan tâm từ cảnh quan, thái độ cho đến những hoạt động phát triển kỹ năng. Giáo viên, nhân viên có vai trò quan trọng và phải thực sự là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
"Chúng tôi thống nhất quan điểm: "Đừng quên mình cũng từng là trẻ con” để thấu hiểu học sinh, bởi người gần gũi các em sau gia đình chính là các thầy, cô giáo, đặc biệt là các thầy, cô làm công tác chủ nhiệm. Phương châm luôn được sử dụng đó là: "Giáo viên vừa là thầy vừa là bạn của học sinh” - cô Hoàng Thị Loan chia sẻ.
Sự thay đổi thứ hai mà cô Hoàng Thị Loan muốn nói đến là thay đổi về thái độ đối với học sinh mà yếu tố tiên quyết là: tôn trọng, yêu thương và chia sẻ. "Thầy, cô hãy lắng nghe học sinh nói và cần đổi mới, cập nhật xu hướng để đồng cảm với tiếng nói, nhu cầu thẩm mỹ của học sinh, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ bằng việc hướng dẫn các em xử lý các tình huống trong thực tiễn như: cách ứng xử với bạn bè, thầy cô… Một trong những nguyên tắc giáo dục học là luôn bao dung nhưng nghiêm khắc. Thầy cô luôn là người bạn, trân trọng khi các em làm được việc tốt hay có sự tiến bộ trong học tập. Khi học trò mắc lỗi, giáo viên không nên quát mắng hay trách phạt, mà thay vào đó, cần ân cần giảng giải, phân tích để các em hiểu và biết cách sửa sai; từ đó, hình thành phẩm chất biết vị tha, biết cảm thông, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân” - cô Hoàng Thị Loan bày tỏ quan điểm.
Cô giáo Hoàng Thị Loan nhấn mạnh: "Xã hội càng tiến bộ thì lại càng cần những công dân văn minh, ý thức, trách nhiệm. Điều đó, chỉ có thể có khi chúng ta có những sản phẩm con người có nhân cách tốt. Trách nhiệm đó một phần thuộc về những người làm công tác giáo dục chúng ta. Bởi nhiệm vụ của nhà giáo dục hiện đại không phải là "chặt phá rừng rậm” mà là "tưới tiêu cho các sa mạc”.
Thu Hạnh