Những tiết học vươn xa
"Các bạn cho cô biết từ "general" trọng âm rơi vào âm tiết thứ mấy?”, tiếng cô giáo Nguyễn Linh Giang, giáo viên Trường THCS Yên Hòa, Cầu Giấy ở đầu cầu Hà Nội vừa dứt đã nhận được câu trả lời đồng thanh từ các em học sinh lớp 6A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Túc Đán, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Giờ học phát âm môn Tiếng Anh của các học sinh vùng miền núi đã bắt đầu vui vẻ như vậy. Dù tiết học theo hình thức trực tuyến vẫn thu hút sự tập trung, hào hứng của cả lớp bởi ngoài việc nghe cô giáo phát âm và nhắc theo, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động học tập mới lạ, hấp dẫn.
Dù vốn ngoại ngữ còn hạn chế nhưng em Lý Thị Thu, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Túc Đán đã khá tự tin giới thiệu về mình bằng tiếng Anh. Thu chia sẻ: "Em rất nhớ những bài học cô giáo giảng vì dễ hiểu và hay. Thầy, cô giáo rất nhiệt tình, em được cầm micro trả lời, nếu sai được cô ân cần sửa kịp thời”.
Yên Bái hiện là một trong những địa phương thiếu giáo viên tiếng Anh nhất cả nước do không có nguồn tuyển. Toàn tỉnh thiếu hơn 2.000 giáo viên, đặc biệt là môn tiếng Anh. Xuất phát từ những khó khăn đó của ngành giáo dục Yên Bái trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hà Nội đã cử 203 thầy, cô giáo thuộc 122 trường của thành phố Hà Nội tham gia hỗ trợ dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh cho 17 trường, 168 lớp thuộc 4 huyện (Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Lục Yên) với hơn 2.100 tiết học.
Họ đều là những giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao, đạt chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên và hầu hết đều đã tham gia khóa bồi dưỡng của thành phố tại Australia. Ba Đình là một trong những quận của Hà Nội có số giáo viên nhận giảng dạy nhiều nhất với 22 giáo viên.
Theo ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, sự hỗ trợ kịp thời và ý nghĩa từ Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã giúp ngành giáo dục Yên Bái đạt được những kết quả đáng mừng. Sở GD-ĐT, các phòng giáo dục và các trường học tại Yên Bái có cơ hội tham gia hội nghị chuyên môn, tham quan cơ sở giáo dục trọng điểm ở Hà Nội, đặc biệt là giáo viên, học sinh lớp 12 được sử dụng miễn phí tài khoản ôn thi tốt nghiệp qua ứng dụng Hanoi On. Điều này đã góp phần nâng cao thành tích môn Tiếng Anh và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh.
Cô giáo Phạm Thu Trà, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) được giao nhiệm vụ dạy mẫu và dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Phan Thanh (Lục Yên, Yên Bái) chia sẻ, dù ban đầu áp lực vì phải đảm nhiệm cả việc ra đề kiểm tra và đánh giá, nhưng sau thời gian, cô và học sinh đã vượt qua khó khăn. Lớp học trực tuyến chỉ có hơn 20 học sinh, giúp cô giáo có thể quan tâm đến từng em.
Cùng vượt khó
Hào hứng với những giờ giảng ứng dụng công nghệ để thiết kế, học thông qua các trò chơi, qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)... được các thầy, cô giáo ở Hà Nội áp dụng là điều dễ nhận thấy ở các lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các thầy, cô giáo, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề kỹ thuật, thiết bị và đường truyền ở trường học tỉnh bạn. Đường truyền không ổn định, lớp chỉ có một camera, khiến cô giáo ở Hà Nội nhiều khi hỏi nhưng không nhận được phản hồi từ học sinh ở Yên Bái; những học sinh ngồi cuối lớp cũng không nhìn rõ hay nghe rõ lời giảng.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái trong giờ học tiếng Anh trực tuyến với giáo viên Hà Nội.
Cô Trà cho biết, cô và học sinh đã cố gắng khắc phục bằng cách yêu cầu các em ngồi cuối lên gần camera hơn khi cần tương tác. Dù cô và các đồng nghiệp ở trường học đã dạy đủ hoặc vượt số tiết theo quy định tại trường học ở Hà Nội nhưng đều rất vui khi tham gia vào chương trình hỗ trợ dạy tiếng Anh cho tỉnh Yên Bái với mong muốn tạo cơ hội học tập bình đẳng cho các em học sinh ở nơi còn khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Hải Luyến, giáo viên tiếng Anh, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Túc Đán, phấn khởi khi gánh nặng công việc được giảm bớt. Với hơn 20 năm công tác, cô là giáo viên tiếng Anh duy nhất của trường, phụ trách dạy 12 lớp, vượt quá quy định 19 tiết mỗi tuần, khiến cô gặp khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng. Nhờ có sự hỗ trợ từ các giáo viên ở Hà Nội qua dạy học trực tuyến, cô đã được giảm tải 5 lớp.
Trong vai trò là giáo viên trợ giảng, cô Nguyễn Thị Kim Phương, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Túc Đán cho biết: "Một vài tiết dạy đầu tiên cô trò gặp khá nhiều khó khăn trong giao tiếp cũng như truyền đạt kiến thức bởi học sinh đều là người dân tộc còn nhút nhát, ít có cơ hội được tiếp xúc với các phương pháp dạy học tiên tiến. Nhưng sau một thời gian, các em dần bắt nhịp được cách học, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài cũng như tham gia các hoạt động trực tuyến trong bài học”.
Là một trong những trường tham gia chương trình dạy học với Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cô giáo Hoàng Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Túc Đán nhận định: "Qua một năm thực hiện, chương trình liên kết dạy học với Sở GD-ĐT TP Hà Nội không chỉ giúp giảm tải cho giáo viên mà còn tạo hứng thú cho học sinh với phương pháp dạy mới. Trong lúc khó khăn nhất về thiếu giáo viên thì đây thực sự là phương án tuyệt vời. Tuy nhiên, về lâu dài thì còn nhiều khó khăn. Nhà trường mong sớm có thêm giáo viên và tiếp tục nhận được hỗ trợ chuyên môn từ Hà Nội”.
(Theo QĐND)