Từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/8/2024 | 1:52:19 PM

YênBái - Những ngày này, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Trạm Tấu đang nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025. Trước thềm năm học mới, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu.

Cô và trò Trường TH&THCS thị trấn Trạm Tấu trong giờ học Toán có ứng dụng công nghệ thông tin.
Cô và trò Trường TH&THCS thị trấn Trạm Tấu trong giờ học Toán có ứng dụng công nghệ thông tin.

P.V: Xin đồng chí cho biết quy mô, mạng lưới trường lớp của huyện Trạm Tấu năm học 2024 - 2025?

Đồng chí Nguyễn Thị Hà: Toàn ngành GD&ĐT huyện Trạm Tấu có 27 đơn vị trường học trực thuộc. Trong đó, có 12 trường mầm non; 1 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học; 3 trường tiểu học và THCS; 10 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS; 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện. Huyện có 396 nhóm, lớp mầm non, phổ thông với 11.855 học sinh, so với kế hoạch giao giảm 1 lớp, giảm 57 học sinh. 

Cụ thể, cấp học mầm non ngành được giao 121 lớp, 3.322 học sinh, so với kế hoạch giao giảm 9 học sinh do học sinh chuyển theo gia đình đi nơi khác. Ở cấp tiểu học, được giao 172 lớp với 4.808 học sinh, tuy nhiên so với kế hoạch giao giảm 17 học sinh do học sinh chuyển theo gia đình đi nơi khác. Cấp học THCS, được giao 103 lớp với 3.782 học sinh thì so với kế hoạch được giao cấp học này giảm 1 lớp và giảm 31 học sinh; cụ thể giảm 1 lớp tại Trường Tiểu học và THCS thị trấn Trạm Tấu do không tuyển đủ đầu vào lớp 6 theo kế hoạch và do học sinh chuyển theo gia đình đi nơi khác.

P.V: Năm học 2024 - 2025 này, ngành GD&ĐT huyện có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Hà: Thời gian qua, ngành GD&ĐT huyện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Sở GD&ĐT tỉnh cũng như của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong huyện cũng như cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở vật chất các trường được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng các điều kiện dạy và học, các chế độ hỗ trợ học sinh được tiếp tục triển khai thực hiện và điều kiện sinh hoạt của học sinh được cải thiện, thu hút học sinh đến trường, duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có nhận thức chính trị vững vàng, tận tụy với nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực sư phạm ngày càng được nâng cao. 


Đồng chí Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu. 

Bên cạnh đó, ngành cũng còn một số khó khăn. Về cơ sở vật chất, một số trường thiếu phòng học văn hóa, phòng bộ môn, phòng làm việc của ban giám hiệu, công trình vệ sinh, công trình nước sinh hoạt, phòng ở của giáo viên, thiếu quỹ đất... 

Ngoài ra, một số trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư hiện quá niên hạn sử dụng, đặc biệt điều kiện cơ sở vật chất cho học sinh bán trú còn thiếu, còn nhiều công trình tạm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; số ít đơn vị trường cơ sở vật chất đã xuống cấp không đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Một số trường khó mở rộng quỹ đất, một số trường có thể mở rộng được quỹ đất nhưng cần nguồn kinh phí lớn. 

Nhiều trường chuẩn quốc gia còn thiếu các phòng phục vụ học tập, hành chính quản trị. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu khá nhiều. Các đơn vị gặp khó khăn trong việc phân công nhiệm vụ, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên. Việc thiếu nhiều giáo viên mầm non đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ. 

Ở bậc học THCS, nhiều giáo viên phải dạy chéo ban đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và có những giáo viên phải dạy cả hai đơn vị trường. Tỷ lệ đi học chuyên cần của học sinh còn thấp ở một số thời điểm do học sinh phải đi học xa, đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt vào những ngày thời tiết xấu. Tuy nhiên, vì học sinh thân yêu, toàn ngành GD&ĐT huyện sẽ nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, từng bước đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục. 

P.V: Trước những khó khăn đó, ngành GD&ĐT huyện đã có những chuẩn bị gì cho năm học mới để việc dạy và học được ổn định?

Đồng chí Nguyễn Thị Hà: Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, việc dạy và học được ổn định cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu với UBND huyện đề xuất với Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT biệt phái giáo viên môn Tiếng Anh từ huyện Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ để đảm bảo dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, phối hợp với các trường thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh. 

Ngành tham mưu với UBND huyện thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm đối với cán bộ quản lý; điều động giáo viên, nhân viên để phù hợp với điều kiện, nhu cầu của các đơn vị trường. Phòng cũng xây dựng phương án phân công dạy liên trường đối với giáo viên nhằm đảm bảo cân đối số tiết dạy theo định mức và đáp ứng thực hiện nhiệm vụ năm học của các đơn vị. 

Phòng chỉ đạo các nhà trường sắp xếp, sử dụng hiệu quả và bảo quản tốt cơ sở vật chất hiện có, ưu tiên bố trí phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày. Rà soát và đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện. Công tác huy động học sinh ra lớp cũng được Phòng cùng các đơn vị trường thường xuyên phối hợp, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong việc huy động học sinh ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Hiền (thực hiện)

Tags Trạm Tấu giáo dục và đào tạo học sinh công trình vệ sinh

Các tin khác
Ảnh minh họa

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội chia sẻ một số điểm mới về đề thi đánh giá năng lực (HAS) do ĐH này tổ chức từ năm 2025.

Cô giáo Trường Tiểu học & THCS Xuân Tầm, huyện Văn Yên đến tận nhà tuyên truyền, vận động khi học sinh thôi hưởng chế độ vùng III.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các địa phương của tỉnh Yên Bái cũng đồng thời với những vấn đề đặt ra trong giải quyết bài toán "thôi hưởng chế độ bán trú” với học sinh bán trú tại các xã vùng III đạt chuẩn NTM.

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bổ sung thêm môn Tin học, Công nghệ (ảnh minh hoạ)

Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang xây dựng dự thảo Thông tư mới về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với những điểm mới.

Năm học 2024 - 2025 là năm học hoàn tất lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. 451 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn Yên Bái đã sẵn sàng vào năm học mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục