Quy định mới về điều kiện, thủ tục thành lập trường mầm non

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/10/2024 | 7:42:39 AM

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; trong đó quy định rõ điều kiện, thủ tục thành lập trường mầm non.

Một lớp học tại Trường mầm non tư thục Sao Mai Vĩnh Phúc trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Ảnh minh họa
Một lớp học tại Trường mầm non tư thục Sao Mai Vĩnh Phúc trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Ảnh minh họa

Nghị định quy định điều kiện thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập, tư thục (gọi chung là trường mầm non): Có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương nơi trường đặt trụ sở; Đề án xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục mầm non; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trường mầm non.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục.
   
Trình tự thực hiện: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã) (nếu đề nghị thành lập trường mầm non công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục) gửi 01 bộ hồ sơ quy định qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non; nếu hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan thẩm định các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non tại hồ sơ; lập báo cáo thẩm định để đánh giá tình hình đáp ứng các quy định; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Phòng Giáo dục và Đào tạo, nếu đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non; nếu chưa đủ điều kiện thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non và nêu rõ lý do.

Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục:

Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng các tiêu chuẩn về địa điểm, quy mô, diện tích và cơ sở vật chất tối thiểu đối với trường mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một trẻ em theo quy định.

Có chương trình giáo dục, tài liệu, học liệu đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động bảo đảm về số lượng, đạt tiêu chuẩn để tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục: Đối với trường mầm non tư thục, mức đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.

Đối với trường hợp trường mầm non tư thục không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức đầu tư quy định.

Đối với trường mầm non công lập, dân lập, nguồn lực tài chính do cơ quan quản lý có thẩm quyền hoặc cộng đồng dân cư ở cơ sở chịu trách nhiệm bảo đảm nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định.

Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Đình chỉ hoạt động giáo dục trường mầm non.

Nghị định nêu rõ, trường mầm non bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền; Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động giáo dục; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường mầm non.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2024.

(Theo Báo Tin tức)

Các tin khác
Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh và đại diện Quỹ Vạn dặm thương yêu trao hỗ trợ kinh phí cho học sinh bị ảnh hưởng bão lũ tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên.

Thời gian qua, do chịu ảnh hưởng của bão số 3, các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra tình trạng ngập lụt, sạt lở, nhiều trường học bị thiệt hại cơ sở vật chất, nhiều học sinh bị ngập nhà, sạt ta luy, rơi vào hoàn cảnh mồ côi. Trước tình hình đó, các cấp Hội Khuyến học (HKH) tỉnh đã linh hoạt triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đồng hành, hỗ trợ các nhà trường, giáo viên, học sinh, không để gián đoạn việc học tập.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng đề thi bảo đảm chất lượng, bảo mật, an toàn, có độ phân hóa đáp ứng yêu cầu của kỳ thi và tuyển sinh.

Thủ tướng vừa có Chỉ thị về việc tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đâị học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025 theo hướng giảm áp lực, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu quan tâm thực hiện các chế độ, ưu đãi đặc thù với giáo viên giảng dạy giáo dục quốc phòng an ninh.

Hình thức làm bài trên máy tính được bổ sung cho tất cả các cấp độ thi chứng chỉ tiếng Anh PEIC tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục