Hoàn lưu của cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Nhiều cơ sở giáo dục, gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hành trình đến trường học của các em học sinh cũng thêm nhiều gian nan do sách vở bị cuốn trôi, đồ dùng học tập lấm lem bùn đất.
Với tinh thần "lá lành đùm lá rách”, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái đã nhận được sự quan tâm sẻ chia từ các cấp, các ngành, từ nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Vượt hơn 300 km từ thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, đoàn thiện nguyện đến từ Trường THCS Trần Phú, thành phố Thái Bình đã gom góp yêu thương chia sẻ những khó khăn cùng thầy và trò Trường TH&THCS xã Tân Đồng, Trường TH&THCS xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.
Nhìn hình ảnh trường lớp ngập trong bùn, đất đá ngổn ngang do ảnh hưởng sạt lở đất và thầy, trò các nhà trường vẫn kiên trì vượt khó tìm con chữ, cô giáo Nguyễn Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, thành phố Thái Bình tâm sự: "Khi xem được thông tin người dân nhất là các video giáo viên, học sinh, các nhà trường của Yên Bái ngập chìm trong bão lũ, hay bùn đất do sạt lở…, chúng tôi thấy rất đau sót, thương cảm".
Tập thể Ban lãnh đạo Trường THCS Trần Phú đã kêu gọi vận động ủng hộ từ cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường với mong muốn có thể chia sẻ phần nào khó khăn cùng ngành giáo dục Yên Bái. Mang theo tấm lòng yêu thương chân thành, sâu sắc, chúng tôi đã trao tặng 2 nhà trường tổng 20 triệu đồng, tặng 98 suất quà cho học sinh tổng trị giá 80 triệu đồng.
"Đến từng trường, trực tiếp chứng kiến thiệt hại của lũ bão để lại, nhìn gương mặt thơ ngây của các em, chặng đường xa cũng hóa gần, thương các thầy cô và các em nhiều hơn. Nhà trường hy vọng có thể góp phần nào sức lực cùng cán bộ, giáo viên, học sinh 2 nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn này” - cố Hoa nói.
Cũng như đoàn thiện nguyện đến từ Trường THCS Trần Phú, thành phố Thái Bình, thời gian qua, ngành GD&ĐT Yên Bái đã nhận được sự quan tâm từ các cấp, các ngành, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Đợt bão lũ đã gây ra tổn thất nặng nề cho ngành GD&ĐT Yên Bái.
Toàn tỉnh có 103 cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng, trong đó có 31 trường bị ngập lụt, 67 trường bị sạt lở đất, 30 trường sập công trình phòng, tường rào, 20 trường nứt, sụt lún công trình. Thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập ước khoảng 120 tỷ đồng.
Đối với gia đình học sinh, có trên 13.150 nhà ngập lụt, 3.810 nhà sạt lở đất, 229 nhà sập công trình, trên 3.730 nhà nứt, sụt lún, hư hỏng một phần, 1.280 nhà phải di dời đi nơi khác. Đặc biệt có 8 học sinh bị thiệt mạng, 2 học sinh bị thương, 16 học sinh có bố, mẹ bị thiệt mạng. Thiệt hại về vật chất là rất nghiêm trọng, thiệt hại về con người, tinh thần là không thể đong đếm.
Mong muốn nhanh chóng khắc phục hậu quả, sẻ chia cùng những khó khăn, mất mát với cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành, Sở GD&ĐT Yên Bái đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý trực tiếp về tình hình thiệt hại, chủ động phương án khắc phục; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh bị thiệt hại; tổ chức kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tài trợ nhu yếu phẩm, trang thiết bị dạy học, sách, vở, đồ dùng học tập… cho các trường, học sinh bị thiệt hại nặng.
Một số phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh cũng đã phát động quyên góp, ủng hộ nhân dân, cán bộ, giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bão số 3, điển hình như: Phòng GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ có 33/33 cơ sở giáo dục, 920 cán bộ, giáo viên tham gia ủng hộ tiền mặt, nhu yếu phẩm với tổng kinh phí trên 516 triệu đồng; Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn có 61/61 đơn vị trường học, 1.676 cán bộ, giáo viên tham gia ủng hộ với tổng số tiền trên 417 triệu đồng; Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải có 37/37 trường tham gia ủng hộ được trên 520 triệu đồng.
Trong bối cảnh thiệt hại nặng nề do thiên tai, sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân đã là nguồn động viên lớn đối với toàn ngành GD&ĐT Yên Bái; là trợ lực giúp mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh sớm ổn định cuộc sống, nhanh chóng ổn định công tác dạy và học. Qua đó lan tỏa tình yêu thương từ đạo lý truyền thống tốt đẹp ngàn đời "Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Lê Thương