Cô giáo Trương Thị Thơm bám bản dạy trò nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/11/2024 | 7:38:26 AM

YênBái - 5h30 phút sáng, "rẽ” màn sương sớm vùng cao, cô giáo Trương Thị Thơm, giáo viên Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu bắt đầu hành trình vượt chặng đường gần 20km đèo dốc từ nhà đến với học sinh thân yêu của mình. Và đến nay đã hơn 10 năm...

Cô giáo Trương Thị Thơm chăm sóc học trò Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng.
Cô giáo Trương Thị Thơm chăm sóc học trò Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng.

Sinh năm 1985 cô giáo Trương Thị Thơm là người dân tộc Dáy, xã Gia Hội, huyện Văn Chấn. Hơn ai hết cô hiểu nỗi nhọc nhằn, vượt khó đến trường của trẻ em dân tộc thiểu số vùng cao.

Ngay từ khi còn là học trò, cô Thơm đã sớm nhận ra rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào giáo dục vẫn là chiếc cầu quan trọng nhất, ngắn nhất giúp vươn tới tương lai. Cô Thơm yêu trẻ con, yêu những buổi sớm cùng bạn bè trong lớp, yêu những giây phút được thầy cô dạy dỗ, truyền thụ tri thức. Chính tình yêu ấy đã nuôi dưỡng trong cô ước mơ trở thành giáo viên, để một ngày có thể truyền thụ tri thức cho những đứa trẻ vùng cao như mình.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp cấp 3 với sự nỗ lực không ngừng, cô Thơm thi đỗ vào Khoa Sư phạm mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hùng Vương. Sau khi ra trường do điều kiện hoàn cảnh, cô Thơm lập gia đình rồi sinh con, tạm gác lại ước mơ thủa nào. Cuộc sống gia đình bận rộn nhưng tình yêu, ước mơ với giáo dục vùng cao vẫn cháy bỏng.

Những năm tháng đó cô Thơm vẫn kiên định tự nhủ trong lòng một ngày nào đó sẽ trở lại với nghề giáo viên để có thể tiếp tục truyền lửa yêu thương và tri thức cho các em nhỏ. Năm 2013, khi thấy thông báo tuyển giáo viên mầm non của ngành giáo dục huyện Trạm Tấu, cô Thơm đã không ngần ngại đăng ký tham gia.

Cô Thơm chia sẻ: "Xác định đi dạy là tôi phải gửi con cho ông bà nội ở thành phố Yên Bái, chỉ có thể về với con vào dịp cuối tuần nên nhận thông báo trúng tuyển tôi vừa mừng vừa lo. Tuy nhiên, được sự động viên của bố mẹ hai bên hơn cả là chồng, tôi chính thức bước chân trên hành trình ước mơ của mình. Sau này, thấu hiểu việc đi lại xa xôi của tôi nên chồng và con đã chuyển vào ở thị trấn Sơn Thịnh. Hàng ngày tôi có thể về nhà ăn bữa cơm bên gia đình”.

Hơn 10 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Trạm Tấu là từng ấy năm cô gắn bó với những con đường đèo gập ghềnh sỏi đá, gắn bó với việc thiếu thốn cơ sở vật chất, cái nghèo, cái khó của học trò dân tộc thiểu số vùng cao. Cô Thơm kể: "Hồi đầu đi dạy, trời mưa đường núi trơn trượt tôi đi không quen nên thường xuyên bị ngã, sẹo chi chít tay chân. Có hôm mưa phải ở lại trường, nỗi nhớ nhà, nhớ con quay quắt. Nhưng khi nhìn những ánh mắt thơ ngây của học trò vùng cao, tôi càng thêm kiên định nhận ra rằng mình đã chọn đúng”.

Mỗi buổi sáng, cô Thơm lại tíu tít cùng học trò nhỏ của mình, dạy các em học hát, học những bài học đầu đời từ chữ cái, con số đến bài học về tình yêu thương, sự chia sẻ. Cô Thơm bảo: "Kết quả lớn nhất trong hành trình dạy học của tôi là những nụ cười hạnh phúc, ánh mắt sáng ngời của các em học sinh khi hiểu bài, khi hát vang những bài hát tôi dạy, khi nắm tay nhau chơi đùa trong sân trường. Mỗi khi nhìn các em, tôi lại tự nhủ trong lòng chính những đứa trẻ này sẽ là hạt giống tốt tiếp nối hành trình của tôi, một ngày nào đó chúng cũng sẽ trở thành những người thầy, người cô, người có ích đem đến tri thức cho đồng bào dân tộc mình, cống hiến xây dựng quê hương phát triển”.

Theo cô giáo Lường Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng, cô Thơm không chỉ là một giáo viên mà còn là người mẹ thứ hai, người bạn đồng hành, người dẫn đường cho những đứa trẻ ở xã vùng cao Tà Xi Láng, giúp các em khơi dậy ước mơ, hy vọng và tình yêu cuộc sống. 

Lê Thương

Tags Tà Xi Láng Trạm Tấu gieo chữ giáo dục Trường Mầm non Hồng Ngọc

Các tin khác
Một giờ học của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Búng.

Khi các xã vùng III đạt chuẩn nông thôn mới, vấn đề “thôi hưởng chế độ bán trú” trở thành một bài toán cần được giải quyết kịp thời và hiệu quả. Huyện Văn Chấn cũng là địa phương chịu tác động khi học sinh không còn được hưởng chế độ bán trú. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của các em mà còn tác động đến sự phát triển giáo dục của địa phương. Song, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện đã có nhiều giải pháp tích cực.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Nói rằng “mình là người hạnh phúc nhất”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, khi xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo đã nhìn sang các ngành khác, chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, hay ưu ái bất thường.

Bằng sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, học sinh Trường TH&THCS Y Can số 1 đã có những bữa cơm chất lượng.

Đi qua những ruộng rau, bãi ngô tươi tốt, dấu tích bởi trận mưa lũ lịch sử do bão Yagi gây ra đã mờ dần, chúng tôi đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Y Can số 1, huyện Trấn Yên giữa lúc giáo viên và học sinh nhà trường đang sôi nổi thi đua “Dạy tốt - học tốt” và rộn ràng luyện tập các tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Các cô giáo đón trẻ vào buổi sáng.

Trên những vùng núi ở khắp đất nước, đặc biệt là tỉnh Yên Bái, hình ảnh những cô giáo cắm bản không còn xa lạ. Họ là những người tình nguyện đến các điểm trường ở những bản làng hẻo lánh, nơi có địa hình đồi núi hiểm trở, thậm chí không điện, không sóng điện thoại và không internet. Họ không chỉ là giáo viên mà còn là những người truyền cảm hứng, là ánh sáng dẫn đường cho những đứa trẻ nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục