Chiến dịch Hồ Chí Minh được đề cập thế nào trong sách giáo khoa?
Chiến dịch Hồ Chí Minh được đề cập trong sách giáo khoa (SGK) Lịch sử - Địa lý lớp 5 và 9; Lịch sử 12, các bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống.
Ở cấp tiểu học, SGK Lịch sử - Địa lý 5 (bộ sách Chân trời sáng tạo), bài 15 có tên Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, trong đó nêu: Ngày 26/4/1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân chủ lực của ta đồng loạt tiến công địch từ bên ngoài vào trung tâm Sài Gòn. Ngày 28/4/1975 các chiến sĩ không quân của ta đã cho máy bay ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều máy bay của địch. Vào lúc 10h45 ngày 30/4/1975 xe tăng của quân ta tiến vào Dinh Độc Lập. Tổng thống của Việt Nam cộng hòa (Chính quyền Sài Gòn) tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đến 11h30 cùng ngày, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu sự kết thúc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đất nước”.
Bài 15 có tên Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 trong SGK Lịch sử - Địa lý 5 (bộ sách Chân trời sáng tạo).
Ở cấp THCS, SGK Lịch sử - Địa lý 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo) đề cập đến chiến dịch Hồ Chí Minh như sau: Ngày 14/4, Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra phương châm: trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giành thắng lợi trọn vẹn với tổn thất ít nhất. 17h ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, chiếm các cơ quan đầu não của Chính quyền Sài Gòn. 10h45 xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh của chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng".
SGK Lịch sử - Địa lý 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo) đề cập đến chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, ở cấp THPT, Chiến dịch Hồ Chí Minh được nêu trong sách Lịch sử lớp 12 (bộ sách Chân trời sáng tạo). Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4-30/4/1975): Quân giải phóng tiến công, phối hợp với các tầng lớp, nhân dân nổi dậy, giải phóng Sài Gòn. 10h45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các Chính quyền Sài Gòn. Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”.
Chiến dịch Hồ Chí Minh được nêu trong sách Lịch sử lớp 12 (bộ sách Chân trời sáng tạo).
Giáo viên dạy về Chiến dịch Hồ Chí Minh như thế nào?
Là giáo viên dạy Lịch sử gần 30 năm, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) cho hay, thầy từng dạy Chiến dịch Hồ Chí Minh theo dự án khi tổ chức tiết học là một buổi họp báo sau ngày 30/4.
Trong dự án này, học sinh làm việc theo nhóm và đóng vai bộ đội, sĩ quan của chiến dịch. Thầy đóng vai nhà báo phỏng vấn các em. Trước khi buổi họp báo diễn ra, học sinh tự tìm hiểu kiến thức từ SGK, trên mạng, sách báo và được thầy hướng dẫn. Đến buổi họp báo, thầy Du sẽ đặt câu hỏi để học sinh trả lời.
"Với cách dạy như vậy, học sinh rất yêu thích vì các em được giữ vai trò chủ động trong tiết học", thầy Du kể.
Thầy Du cho rằng, điều cơ bản nhất cần nhớ là bối cảnh lịch sử dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh và nghệ thuật quân sự khiến Việt Nam giành thắng lợi chỉ trong vài ngày. Mặt khác đây là chiến dịch cuối cùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 nên có rất nhiều cách để học sinh tiếp cận lịch sử.
Theo thầy Du, khi dạy chương trình 2006, nội dung Chiến dịch Hồ Chí Minh nằm gần cuối chương trình nên thầy và các giáo viên trong tổ của trường sẽ tổ chức cho học sinh xem phim Giải phóng Sài Gòn, sau đó bình luận, nhận xét, rồi đi vào các kiến thức chính của bài học lịch sử. Hạn chế lớn nhất khi dạy bài là khối lượng kiến thức thời gian, sự kiện khá nhiều và liên tục, buộc giáo viên phải biết tiết chế, chọn lọc ra các chi tiết đắt giá nhất để truyền tải.
"Nghệ thuật quân sự là một trong những điểm rất hay của bài này nên nếu giáo viên biết nắm bắt, học sinh lắng nghe, các em sẽ nhớ rất lâu và tự hào về những gì cha ông đã làm được”, thầy Du nêu.
Trong chương trình mới (chương trình 2018), Bộ GD-ĐT đã giao cho giáo viên quyền chủ động thời gian khi giảng dạy nên thầy cô dạy lịch sử không mong muốn gì hơn là thái độ tiếp nhận của học sinh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều em không chịu học lịch sử nghiêm túc.
Dù SGK Lịch sử lớp 12 đề cập đến Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ 6 dòng, nhưng theo thầy Du như vậy không sơ sài vì nội dung này nằm trong mạch nội dung chung và thời lượng đã được cân nhắc. Dù vậy để học sinh hiểu sâu hơn, thầy Du bắt đầu từ những thông tin học sinh tiếp nhận trên mạng như các video clip, sau đó giải đáp thông tin nào là chính xác.
"Là giáo viên dạy lịch sử, chúng tôi mong muốn học sinh học nghiêm túc để thấy lịch sử có nhiều điều hay, giúp mình trân trọng truyền thống, quá khứ, từ đó vun đắp tình yêu đất nước một cách chân thật. Có kiến thức lịch sử tối thiểu sẽ giúp các em có cách đối nhân xử thế nhân văn vì bài học lịch sử sẽ cho chúng ta thấy sai lầm của quá khứ để tránh và học hỏi điều hay của tiền nhân”, thầy Du nói.
Trong những ngày này, thầy Nguyễn Viết Đăng Du luôn tự hào nhắc học sinh rằng cho dù có nhiều cách đánh giá khác nhau nhưng người Việt Nam đã rất may mắn khi "non sông liền một dải". Bao xương máu đã đổ để có kết quả huy hoàng ngày hôm nay. Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới phải đổ biết bao xương máu nhưng vẫn sống trong cảnh chia cắt.
(Theo Vietnamnet)