Dự kiến bỏ hình thức khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ với học sinh

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/5/2025 | 1:55:50 PM

Ngày 7/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Thời gian góp ý đến hết ngày 6/7/2025. Thông tư mới sẽ thay thế cho Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông có từ năm 1988, cách đây gần 40 năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Thông tư có nhiều điểm mới so với Thông tư 08/TT cùng các dự thảo Thông tư đã có trước đó theo hướng: Khen thưởng, kỷ luật học sinh bảo đảm tính giáo dục, nhân văn, vì sự tiến bộ của học sinh.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội đồng trường, Hiệu trưởng, giáo viên; bảo đảm sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh.

Thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trường trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh.

Theo dự thảo, mục đích của việc khen thưởng nhằm ghi nhận, biểu dương, động viên, khuyến khích, tạo động lực để học sinh rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống; tôn vinh, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt.

Nguyên tắc khen thưởng bảo đảm công khai, khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời, đúng đối tượng và tương xứng giữa hình thức khen thưởng với thành tích đạt được.

5 hình thức khen thưởng

Dự thảo quy định 5 hình thức khen thưởng gồm: Tuyên dương trước lớp; Tuyên dương trước toàn trường; Giấy khen của hiệu trưởng; Thư khen; Hình thức tuyên dương, khen thưởng khác.

Trong đó, hình thức tuyên dương trước lớp được thực hiện đối với học sinh có hành vi tốt đẹp, có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến học sinh khác trong lớp hoặc học sinh có tiến bộ rõ rệt về học tập, rèn luyện. Giáo viên quyết định và thực hiện việc tuyên dương học sinh trước lớp vào thời điểm phù hợp.

Tuyên dương trước toàn trường được thực hiện đối với học sinh có thành tích xuất sắc, hành vi tốt đẹp, có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến học sinh khác trong trường hoặc học sinh có thành tích nổi bật trong học tập, rèn luyện. Giáo viên chủ nhiệm đề nghị hiệu trưởng tuyên dương học sinh trước toàn trường.

Giấy khen của hiệu trưởng dành cho học sinh đạt một trong những thành tích như: đạt thành tích theo quy định về đánh giá học sinh của Bộ GD&ĐT; có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, trường hoặc công tác đoàn, đội; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận; có thành tích trong các phong trào thi đua, cuộc thi, hội thi theo quy định.

Thư khen được thực hiện đối với học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tiến bộ, tự vượt lên chính mình hoặc có thành tích đột xuất nổi bật. Giáo viên, hiệu trưởng, các cấp quản lý tùy theo tính chất, mức độ của thành tích tặng thư khen cho học sinh.

Ngoài các hình thức tuyên dương, khen thưởng trên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp nhằm động viên, nêu gương kịp thời đối với học sinh trong học tập, rèn luyện.

Nhiều biện pháp kỷ luật

Đối với việc kỷ luật, dự thảo Thông tư nêu rõ mục đích nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của học sinh; đồng thời giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm; tự giác điều chỉnh hành vi, khắc phục hậu quả, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ và hình thành thói quen, lối sống kỷ luật.

Nguyên tắc kỷ luật là tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia và lợi ích của học sinh đối với các vấn đề liên quan. Không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh.

Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học gồm: Nhắc nhở, yêu cầu xin lỗi.

Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học gồm: Nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.

Một số hoạt động hỗ trợ chủ yếu để khắc phục hành vi vi phạm là khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm và hướng khắc phục; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh vi phạm trong quá trình khắc phục hành vi vi phạm; phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh khắc phục hành vi vi phạm.

Thông tư này dự kiến thay thế Thông tư 08 năm 1988 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh.

(Theo VTV)

Các tin khác
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Hà Nội.

133 học sinh lớp 12 xuất sắc, thành viên các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2025, sẽ được đặc cách miễn kỳ thi tốt nghiệp THPT và đồng thời được ưu tiên xét tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Cô và trò Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái trong giờ ôn thi vào lớp 10.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh Yên Bái có trên 15.200 học sinh lớp 9. Để các em học sinh có cơ sở ôn tập, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái sớm ban hành cấu trúc và đề tham khảo kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2025 - 2026 để làm căn cứ ôn tập.

Quảng cảnh buổi Hội thảo tập huấn

Ngày 7/5, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo, tập huấn chuyên đề giáo dục STEM cấp tiểu học năm học 2024 – 2025.

Hàng ngày, sau giờ lên lớp, thầy, cô giáo và các em học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh lại cùng nhau chăm sóc vườn rau, vừa tạo nguồn thực phẩm sạch và cũng là nơi học sinh hòa mình vào thiên nhiên.

Nhằm nâng cao nhận thức, hình thành thói quen và lan tỏa lối sống xanh cho học sinh, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chú trọng triển khai xây dựng trường học xanh, thân thiện và hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục