Thành phố Yên Bái: Tạo cơ hội cho người lao động
- Cập nhật: Thứ ba, 26/4/2011 | 9:33:47 AM
Thực hành đào tạo nghề ở Trung tâm Dạy nghề thành phố.
|
Ông Trần Đình Thắng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thành phố cho biết: “Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền các xã để tuyển sinh các lớp dạy nghề, bảo đảm đúng đối tượng chính sách đồng thời chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị vật tư thực hành, ký hợp đồng với giáo viên có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy.
Đơn vị thành lập ban quản lý theo dõi lớp học, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người học nên đã nâng cao hiệu quả, chất lượng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của học viên”.
Đến nay, Trung tâm đã tổ chức được gần 30 lớp đào tạo nghề cho trên 700 học viên là lao động nghèo, lao động nông thôn theo học các nghề: sửa chữa điện dân dụng, xây dựng, may mặc, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại các xã Hợp Minh, Âu Lâu, Giới Phiên, Tuy Lộc, Minh Bảo, Văn Phú, Văn Tiến, Nam Cường.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, năm qua, đơn vị đã mở 10 lớp đào tạo nghề cho 280 học viên theo học các lớp về kỹ thuật trồng trọt, xây dựng, nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Trong 4 tháng của năm 2011, đơn vị đã mở 8 lớp dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách, hộ bị thu hồi đất canh tác với 245 học viên tham gia về sửa chữa điện dân dụng, may dân dụng, kỹ thuật trồng trọt và chế biến nông sản, chăn nuôi, thú y, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
Tháng 4 năm 2009: Trung tâm Dạy nghề thành phố được thành lập. Tháng 8 năm 2009: Trung tâm chính thức đi vào hoạt động. Chức năng, nhiệm vụ của đơn vị: Đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở trình độ sơ cấp nghề. |
Phát huy tốt hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trung tâm Dạy nghề thành phố đã gắn đào tạo nghề với xây dựng hai mô hình điểm về trồng trọt, về kỹ thuật chăm sóc cây bí đao và cây ngô. Hiện nay, hai mô hình này đã bàn giao cho hai hộ gia đình quản lý, chăm sóc.
Thông qua các lớp đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho người lao động tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Thực tế cho thấy, các lớp chăn nuôi, thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã phát huy hiệu quả rõ nét tại các xã Âu Lâu, Giới Phiên, Nam Cường, Văn Phú. Đào tạo nghề sửa chữa điện dân dụng, nghề xây dựng cũng tạo cơ hội cho nhiều lao động có việc làm ổn định.
Qua đánh giá, trên 70% học viên sau khi được đào tạo nghề đã áp dụng vào sản xuất, lao động, đem lại hiệu quả kinh tế khá. Ngoài công tác đào tạo nghề, đơn vị còn tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động tại 5 xã thuộc địa bàn thành phố; phối hợp với công ty xuất khẩu đưa 3 lao động đi xuất khẩu, giới thiệu 2 lao động đi học tập và làm việc ngoại tỉnh.
Tuy nhiên, Trung tâm cũng có những khó khăn nhất định. Đó là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, phường trong công tác đào tạo nghề cho người dân còn hạn chế; kinh phí hỗ trợ cho các học viên thuộc các đối tượng còn thấp nên gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh mở lớp.
Theo kế hoạch, năm 2011, đơn vị mở 20 đến 25 lớp cho gần 700 học viên. Để thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nghề cho người lao động, Trung tâm mong muốn, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, nâng cao nhận thức cho người dân, tạo điều kiện giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Mai Hoa
Các tin khác
Tổng Cục dạy nghề cho biết, năm 2011, nhiệm vụ tuyển sinh toàn ngành dạy nghề là 1.860.000 người, tăng 6,4% so với kế hoạch năm 2010.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình đã tổ chức được 142 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 5.365 lượt nông dân.
Chính phủ vừa tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện thí điểm đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên toàn quốc. Đây là đề án lớn, với mục tiêu tạo việc làm cho hàng triệu lao động mỗi năm, cũng là bước đột phá trong các chính sách an sinh xã hội.
YBĐT - Năm 2010, cả nước có 345.140 LĐNT được hỗ trợ dạy nghề và trên 21.187 LĐNT được học nghề theo các mô hình thí điểm.