Dạy nghề cho lao động nông thôn cần hiệu quả thiết thực

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/10/2012 | 10:02:52 AM

YBĐT - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một Đề án thiết thực giúp nông dân được tiếp cận với nhiều ngành nghề để trang bị cho mình một nghề thực thụ góp phần xây dựng cuộc sống gia đình, xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Giờ học sửa chữa máy nông cụ ở Trường trung cấp Nghề Nghĩa Lộ.
Giờ học sửa chữa máy nông cụ ở Trường trung cấp Nghề Nghĩa Lộ.

Thực tế cho thấy, LĐNT ở Yên Bái đã qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ rất thấp, mới đạt trên 10%, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân là do công tác đào tạo nghề trước đây chưa được quan tâm đúng mức, cùng với đó là các cơ sở đào tạo nghề còn thiếu và hạn chế, mới chỉ tập trung ở khu vực thành phố, thị xã.

Đặc biệt, cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa bổ sung các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động. Thế nhưng trong vòng 2 năm trở lại đây, nhất là từ khi thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về dạy nghề cho LĐNT, công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực.

Chỉ trong 2 năm, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 11.324 LĐNT, 6 tháng đầu năm 2012 cũng đã đào tạo cho trên 1.500 lao động. Đạt được những con số đó là có sự đầu tư khá lớn của Nhà nước và sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên,

bên cạnh những thành công bước đầu đầu ấy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đang gặp phải những vấn đề bất cập cần được tháo gỡ. Đó là, số lượng LĐNT được đào tạo nghề ngày một tăng nhưng tỷ lệ lao động sống được bằng nghề sau khi học rất thấp.

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhóm nghề đào tạo 2 năm qua có trên 55% là nghề nông nghiệp còn lại là phi nông nghiệp. Số lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 45-50%.

Nhìn một cách tổng thể thì đây là một con số quá thấp, đấy là chưa nói đến đào tạo nghề cho LĐNT. Hàng năm các cơ sở vật chất, các trường nghề được đầu tư nâng cấp, số lượng tuyển sinh có cao đến bao nhiêu mà sau khi đào tạo nghề người lao động không có việc làm thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Phải chăng chất lượng đào tạo nghề không đạt yêu cầu hay việc đào tạo nghề chưa cập với nhu cầu của thị trường? Những câu hỏi đó cần được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề cùng các địa phương nghiên cứu.

Nhưng, có một thực tế là trong công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động từ kỹ năng cứng (kỹ năng nghề), đặc biệt là kỹ năng mềm (tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo nhóm, an toàn lao động).

Đã có không ít trường hợp sau khi qua đào tạo và được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm công nhân với mức lương tương đối ổn định nhưng do không chấp hành nghiêm nội quy doanh nghiệp cũng như tác phong công nghiệp nên chỉ sau vài ba tháng làm việc đã bị sa thải.

 

Đông đảo các bạn trẻ Lục Yên đến tìm kiếm việc làm tại hội chợ việc làm. (Ảnh: Văn Thông)

Trường hợp anh Lò Văn Tuynh ở Nghĩa Lộ là một minh chứng rõ nhất. Sau khi đã qua đào tạo nghề hàn ở một trường trung cấp nghề, được một doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm 2,5 triệu đồng/tháng, các chế độ của người lao động được thực hiện đầy đủ. Tuy chưa phải là cao nhưng mức lương ấy cũng tạm ổn với một công nhân vừa làm vừa học việc như anh Tuynh.

Song, do không chấp hành đúng nội quy và giờ giấc làm việc, mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng anh Tuynh vẫn mang tác phong của một "nông dân" thích thì đi làm không thì nghỉ cũng chẳng cần báo ai, kết quả là bị doanh nghiệp sa thải. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp sau khi học đã có việc làm nhưng không trụ nổi vì thiếu kỹ năng mềm.

Đặc biệt công tác dạy nghề cho LĐNT trong thời gian vừa qua cũng mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp còn phổ biến.

Đa số các trường mới tập trung đào tạo những nghề như: điện công nghiệp, hàn, sửa chữa máy nông cụ, may công nghiệp, may thời trang... trong khi đó có những nghề thị trường lao động ngay trên địa bàn có nhu cầu cao nhưng lại chưa được đào tạo như: kỹ thuật xây dựng, khai thác mỏ hay các nghề chế biến thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp... Bên cạnh đó, cũng còn tình trạng lao động nông thôn đi học nghề như một phong trào chứ chưa có tính định hướng cụ thể ngay từ đầu.

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý, nhất là ngành lao động, thương binh và xã hội cần tăng cường điều tra, nắm bắt thông tin về nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của LĐNT để tư vấn, giới thiệu cho phù hợp. Có như vậy, việc đào tạo nghề mới mang lại hiệu quả thiết thực và người học nghề mới thực sự sống được bằng nghề đã được đào tạo.

Thanh Phúc

Các tin khác

Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, trong 9 tháng, cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 1.130.000 lao động, đạt trên 70,6% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 60.000 người, đạt 66,7% kế hoạch năm.

Kiểm tra mộc nhĩ sấy bằng lò cải tiến theo phương pháp gián tiếp tại gia đình ông Nguyễn Thành Luân, thôn Trực Bình II, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Công ty TNHH xây lắp và cơ khí Hồng Hà vừa đề xuất và được Hội đồng KH&CN thành phố Yên Bái cho phép triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình lò sấy cải tiến theo phương pháp gián tiếp để sấy miến dong và các loại nấm tại thành phố Yên Bái".

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố các dự án hỗ trợ mới trị giá hàng triệu USD cho chính phủ Việt Nam tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Quốc gia về Việc làm Bền vững diễn ra tại Hà Nội ngày 24-9.

Hạn ngạch tuyển mới lao động Việt Nam năm 2012 vào Hàn Quốc đã chính thức tạm dừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục