Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Theo nhu cầu, phù hợp thực tế
- Cập nhật: Thứ hai, 14/1/2013 | 9:54:43 AM
YBĐT - Huyện Trấn Yên (Yên Bái) có trên 83.000 người, trong đó khoảng 49.000 người trong độ tuổi lao động, chủ yếu tham gia hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp.
Trấn Yên đang hướng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của người lao động và gắn với các vùng sản xuất cụ thể.
|
Tuy lực lượng lao động dồi dào nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và có tay nghề chỉ chiếm 22%, khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống hạn chế. Chính vì vậy, Trấn Yên đang hướng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của người lao động và gắn với các vùng sản xuất cụ thể.
Năm 2012 là năm thứ ba Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai trên địa bàn huyện Trấn Yên. Trong ba năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện đã tổ chức 39 lớp dạy nghề ngắn hạn và sơ cấp cho gần 1.200 lao động nông thôn ở 17 xã. Riêng năm 2012, Trung tâm đã mở thêm 8 lớp dạy nghề, trong đó có 7 lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng, 1 lớp sơ cấp nghề cho 240 lao động ở 6 xã: Hưng Khánh, Tân Đồng, Báo Đáp, Hòa Cuông, Minh Tiến và Minh Quân.
Các nghề được tổ chức đào tạo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp và công nghiệp nhẹ như: trồng trọt, chế biến nông sản; chăn nuôi - thú y; sản xuất rau an toàn; nuôi tằm, sơ chế kén tằm và nghề may mặc cơ bản. Công tác này đã có những tác động tích cực tới việc thay đổi nhận thức cho người lao động ở nông thôn từ việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi đến các quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt giúp cho một bộ phận lao động nhàn rỗi có cơ hội chuyển đổi nghề để thay đổi cuộc sống.
Ông Nguyễn Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Trấn Yên cho biết: "Năm 2012 cơ bản vẫn thực hiện đào tạo nghề theo Đề án 1956 và đã có nhiều cải tiến từ bước tuyển sinh đến đào tạo nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Chỉ tiêu đào tạo không lớn nhưng đối tượng tuyển sinh theo nhu cầu của người học, đây sẽ là tiền đề cho những năm tiếp theo tiến tới xã hội hóa trong đào tạo nghề".
Bên cạnh những hiệu quả ban đầu, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Trấn Yên thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng công tác đào tạo nghề; một số nghề qua đào tạo không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã dẫn tới người lao động sau khi được đào tạo vẫn thiếu việc làm hoặc việc làm không phù hợp.
Chính vì vậy, năm 2012, Trung tâm Dạy nghề huyện Trấn Yên có kế hoạch cùng với Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của huyện nghiên cứu thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để đào tạo nghề cho phù hợp, tránh trường hợp qua đào tạo nhưng không giải quyết được việc làm đồng thời đào tạo nghề phải gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức dạy nghề phù hợp, theo sát nhu cầu thực tế cho từng đối tượng, địa phương, bảo đảm hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, để thu hút nông dân tích cực, chủ động tham gia học nghề nông, Trung tâm đã mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương và nhu cầu về kiến thức khoa học kỹ thuật của học viên.
Qua đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, khoa học, bảo đảm nội dung và chất lượng theo quy định đồng thời hợp đồng với những giáo viên có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Thời gian tổ chức lớp học tránh thời điểm mùa vụ bận rộn của nông dân nhưng phải trùng với thời vụ sản xuất của cây trồng, vật nuôi.
Năm qua, định hướng đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động đã có những hiệu quả rõ rệt. Điển hình là mở một lớp dạy nghề sản xuất rau an toàn ở xã Minh Tiến - địa phương có truyền thống về thâm canh rau, đa phần các hộ đã có kiến thức cơ bản nhưng kiến thức về sản xuất rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì chưa có.
Sau khóa học, các hộ dân đã biết áp dụng các kiến thức về sản xuất rau sạch từ khâu chọn giống, trồng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ đảm bảo an toàn. Từ đó, Hội Nông dân xã có kế hoạch xây dựng 1 câu lạc bộ sản xuất rau sạch tại địa phương. Còn đối với xã Tân Đồng, nơi có nghề trồng dâu nuôi tằm, lớp dạy nghề nuôi tằm, sơ chế kén tằm đã giúp cho các hộ dân có thêm kiến thức nuôi tằm theo quy trình kỹ thuật, giúp giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế, hướng tới hình thành một làng nghề.
Đối với các lớp dạy nghề chăn nuôi - thú y ở Hưng Khánh, Hòa Cuông, Hồng Ca, Việt Thành… học viên tham gia học nghề đã nắm chắc kỹ thuật nuôi, có thể nhận biết, phân biệt các loại bệnh… trên vật nuôi để có cách phòng ngừa, trị bệnh kịp thời và chủ động trong chăm sóc. Vẫn theo ông Nguyễn Duy Cường: "Điều lớn nhất đạt được trong công tác đào tạo nghề là nhận thức của người lao động từ không muốn đi học đã nhận ra cần phải học và đăng ký đi học. Đồng thời người được dạy nghề đã biết áp dụng vào sản xuất thực tiễn và chuyển đổi nghề".
Những năm tiếp theo, huyện Trấn Yên tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề hướng tới sự đa dạng và phù hợp với từng địa phương, giúp người lao động nông thôn có tay nghề để hình thành các làng nghề, các vùng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng thêm thu nhập và cải thiện bộ mặt nông thôn.
Thanh Tiến
Các tin khác
Thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội cho biết: 63 tỉnh, thành phố và 7 bộ, ngành vừa có báo cáo đến hết năm 2012, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho gần 485.000 lao động nông thôn.
YBĐT - Phân bón viên nén dúi sâu là loại phân chậm tan, tan từ từ vừa đủ cho cây hút, đủ dinh dưỡng. Cả vụ chỉ bón dúi một lần, đơn giản, dễ làm và chủ động trong sản xuất.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2012, có trên 80.000 người được đưa đi lao động tại nước ngoài, ước mang lại giá trị từ 1,7-2 tỷ USD.
YBĐT - Năm 2012, thành phố Yên Bái đã giành được những kết quả khá toàn diện trong lĩnh vực đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt đối với những hộ nghèo, hộ bị thu hồi diện tích đất canh tác.