Hiệu quả thiết thực trong đào tạo nghề ở thành phố Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/1/2013 | 3:33:31 PM

YBĐT - Năm 2012, thành phố Yên Bái đã giành được những kết quả khá toàn diện trong lĩnh vực đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt đối với những hộ nghèo, hộ bị thu hồi diện tích đất canh tác.

Học viên lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn thăm quan thực nghiệm tại xã Văn Phú.
Học viên lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn thăm quan thực nghiệm tại xã Văn Phú.

Bà Trần Thị Phương - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Yên Bái cho biết: "Năm 2012, thành phố đã hoàn thành mục tiêu tạo việc làm và ổn định việc làm cho 2.500 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Công tác đào tạo nghề chủ yếu cho các học viên thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp".

"Nét mới trong năm nay là từ đào tạo nghề cho lao động theo Đề án 1956 của Chính phủ, các học viên sau khi học xong đều biết vận dụng vào thực tiễn, tự tạo cho mình việc làm thích hợp, có thu nhập ổn định để cải thiện đời sống cho gia đình" - bà Phương trao đổi.

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang ý nghĩa chiến lược lâu dài, thành phố đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các xã có nhiều công trình, dự án đầu tư trên địa bàn và có nhiều hộ gia đình phải thu hồi diện tích đất canh tác tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn.

Năm 2012, thành phố đã mở 13 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động, trong đó có 9 lớp đào tạo nghề cho 270 học viên với 3 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, 6 lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Đồng thời, thành phố còn được giao mở 4 lớp dạy nghề thí điểm khác.

Trên cơ sở kế hoạch được giao, thành phố Yên Bái đã giao cho Trung tâm Dạy nghề thành phố liên kết với Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ và Kinh tế Hà Nội mở 3 lớp kỹ thuật nấu ăn cho 90 học viên thuộc các xã Văn Tiến, Phúc Lộc... bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà trường trên 70 triệu đồng; 1 lớp kỹ thuật công nghệ - thông tin miễn phí cho 55 học viên của thành phố thuộc diện hộ nghèo, hộ bị thu hồi diện tích đất canh tác, hộ là người dân tộc và lao động xã hội với kinh phí 4 triệu đồng/1 học viên, thời gian đào tạo 20 tháng.

Năm qua, thành phố còn phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư mở 3 lớp tập huấn nguồn nhân lực cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ về chuyên đề kỹ năng quản trị nhân sự, kỹ năng lãnh đạo cho 150 học viên.

Hiệu quả sau đào tạo nghề ở thành phố Yên Bái đã có những khởi sắc, minh chứng qua những con số, những hoạt động cụ thể. Đối với các học viên tham gia học nghề trình độ dưới 3 tháng có 365 học viên và sau khi học xong, các học viên đã tự tạo việc làm. Bên cạnh đó, các học viên biết vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế một cách khoa học, xóa dần cách làm truyền thống.

Có 117 học viên học nghề phi nông nghiệp đã tự tạo được việc làm, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Tiêu biểu như học viên Hà Thị Vi ở thôn Minh Đức; học viên Nguyễn Thị Khiếu thuộc hộ nghèo ở thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc; học viên Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Thành ở thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến.

Đặc biệt, nhiều học viên sau khi học xong đã vận dụng kiến thức vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình như học viên Hà Thị Đại, Phạm Thị Định ở thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc tăng quy mô trồng rau sạch từ 1 sào lên 4 sào và tham gia dự án trồng ớt.

Từ hiệu quả của các chương trình đào tạo nghề theo Đề án 1956 của Chính Phủ, năm 2012, thành phố đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, cung cấp nhiều sản phẩm hàng hóa cho thị trường, từng bước thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Thu Hồng - Lê Hương

Các tin khác
Một góc cơ sở mới của Trường Cao đẳng nghề Yên Bái.

YBĐT - Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội.

Bà con nông dân cần chuẩn bị đủ lượng thức ăn cho gia súc.

YBĐT - Những năm vừa qua, thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại kéo dài đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Để phòng chống đói rét và bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông, bà con nông dân cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:

12.000 lao động Việt Nam chưa biết khi nào sẽ được sang Hàn Quốc làm việc.

Hàn Quốc sẽ xem xét ký gia hạn Bản ghi nhớ nếu tối thiểu 40% số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng về nước.

YBĐT - Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Yên Bình đang đẩy nhanh tiến độ đào tạo nghề theo nhu cầu cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục