Biên giới, biển đảo trong tranh các họa sĩ Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/12/2019 | 7:50:48 AM

YênBái - Trung tuần tháng 12/2019, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đã tổ chức Triển lãm mỹ thuật "Biên giới - Biển đảo Tổ quốc” với 45 tác phẩm hội họa, đồ họa được chọn lọc kỹ lưỡng từ các tác giả là các họa sĩ Yên Bái.

Các cựu chiến binh và các học sinh tham quan triển lãm mỹ thuật “Biên giới - Biển đảo Tổ quốc” năm 2019.
Các cựu chiến binh và các học sinh tham quan triển lãm mỹ thuật “Biên giới - Biển đảo Tổ quốc” năm 2019.


Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo là một đề tài không bao giờ cũ đối với sáng tạo văn học nghệ thuật. Đây là đề tài luôn nóng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi vấn đề cắm mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đang từng ngày, từng giờ trở thành tâm điểm trong trái tim, suy nghĩ của mọi người dân, của cả dân tộc.

Trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biên giới không đơn thuần chỉ còn là của riêng lực lượng vũ trang, của những người lính đang ngày đêm đối mặt, trực diện ngoài thực địa mà đã len vào từng nhà, từng người và giới văn nghệ sĩ Yên Bái nói chung, họa sĩ Yên Bái nói riêng không đứng ngoài guồng quay đó.

Xác định được trọng trách đó, ngay từ đầu năm 2019, Chi hội Mỹ thuật đã đưa ra chương trình hoạt động, lấy mốc kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam để các họa sĩ hướng sáng tác về chủ đề lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. 

Họa sĩ Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh chia sẻ: "Đây là một đề tài khó thể hiện đối với mỹ thuật, nhưng khi thực hiện thành công sẽ có hiệu quả to lớn cả về mặt mỹ thuật lẫn tuyên truyền”. 

Với định hướng đó, đến trung tuần tháng 12/2019, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đã tổ chức Triển lãm mỹ thuật "Biên giới - Biển đảo Tổ quốc” với 45 tác phẩm hội họa, đồ họa được chọn lọc kỹ lưỡng từ các tác giả là các họa sĩ Yên Bái. 

Qua các tác phẩm, người xem cảm được sự tinh tế, đam mê sáng tạo, sự cần mẫn cố gắng không mệt mỏi, thể hiện những ý tưởng, cách hiểu, quan niệm, thái độ trước cuộc sống, các họa sĩ Yên Bái đã phản ánh chân thực cuộc sống, những gian khổ, hy sinh, ý trí kiên cường của những người lính đang ngày đêm bảo vệ biên giới, biển đảo Tổ quốc. 

Họa sĩ Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm sáng tác về đề tài này, ông chia sẻ: "Năm 2017, tôi may mắn được Hội Mỹ thuật Việt Nam và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam mời đi sáng tác tại quần đảo Trường Sa. Sau chuyến đi đó, tôi về với rất nhiều cảm xúc về đề tài biển đảo. Khi tham gia trại sáng tác tại Đà Nẵng, tôi đã lên phác thảo hai bức tranh: "Hoa muống biển” và "Tín hiệu biển”. Rồi tôi lựa chọn chất liệu và hoàn thành trong năm 2019”. 

Sau 2 năm mới hoàn thành được bức tranh, đủ để thấy họa sĩ Nguyễn Đình Thi đã dày công, dồn hết tâm sức vào hai bức tranh đó. Không nhiều những họa sĩ Yên Bái có may mắn được đi thực tế, trong khi đó đề tài biên giới, biển đảo vốn là một đề tài khó, nếu như biên giới đã thân thuộc, gần gũi, dễ nắm bắt được tư liệu thì biển đảo còn xa lạ với các họa sĩ Yên Bái. 

Nhưng điều đặc biệt và khâm phục các họa sĩ Yên Bái với niềm đam mê hội họa đã nghiên cứu rất nhiều trên các tư liệu sách vở, báo chí, bảo tàng. Từ đó, có những ý tưởng sáng tác và đã thực hiện thành công. Họa sĩ Nguyễn Đình Thi cho biết thêm: "Với niềm đam mê các họa sĩ đã bỏ công sức ra rất là nhiều, đặc biệt là anh em chúng tôi động viên, theo sát các đợt sáng tác của các họa sĩ”. 

Là một nữ họa sĩ, những tưởng rất khó để thể hiện được đề tài này trong tranh, nhưng bức tranh lụa "Giúp dân chống bão” của họa sĩ Đào Thị Sinh lại để lại ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Chị chia sẻ: "Qua truyền thông, tôi rất xúc động trong cảnh lũ quét kinh hoàng tại Mù Cang Chải, Trạm Tấu có rất nhiều lực lượng giúp dân, trong đó lực lượng quân đội là nòng cốt, những người lính giúp dân với tinh thần từ trong trái tim như những người con của đồng bào. Từ đó, tôi rất muốn dành tình cảm cho những người lính đó, rồi cứ thể cảm xúc đưa mình hoàn thành bức tranh này”. 



Tác phẩm "Ấm áp tình quân dân" của họa sĩ Đào Vũ Đạt. 

Đề tài "Biên giới - Biển đảo Tổ quốc” không chỉ thu hút những họa sĩ lớn tuổi, nhiều năm kinh nghiệm hay đã từng trải qua quân đội mà thu hút sự tham gia của cả họa sĩ trẻ. Họa sĩ trẻ Đào Vũ Đạt - huyện Văn Chấn đã có những cảm nhận riêng về những người lính "bộ đội Cụ Hồ". Anh chia sẻ về tác phẩm "Ấm áp tình quân dân” trưng bày tại triển lãm: "Tình cảm quân với dân đó là tinh thần đoàn kết. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đều có sự góp mặt của những người lính, tình cảm đó thực sự bền vững. Mình ấp ủ ý tưởng này khá lâu, trong 2 năm liền, nhưng khi cảm xúc dâng trào mình chỉ mất 2 tuần để hoàn thành bức tranh này”. 

Trong những năm trước, mỹ thuật Yên Bái cũng đã có nhiều sáng tác về chủ đề này, như trong năm 2017, Chi hội phối hợp với Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức triển lãm với chủ đề "Biên giới - Biển đảo Tổ quốc”. Năm đó, trưng bày 44 tác phẩm nhưng chỉ có 20 tác phẩm của tác giả Yên Bái, còn lại là những tác phẩm của các họa sĩ Hà Nội.  

Đề tài mỹ thuật người xem khắt khe, không ai đến xem tranh đều có cảm nhận chung giống nhau. Hội họa có cái riêng bằng cảm xúc, bút pháp, đường nét, màu sắc bố cục... người xem đều có những cảm nhận riêng nhưng tựu chung đó là tự hào dân tộc. 

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Huỳnh hiện ở tổ dân phố số 5, phường Yên Ninh chia sẻ sau khi xem những bức tranh tại Triển lãm "Biên giới - Biển đảo Tổ quốc”: "Tôi là người lính nên thực sự xúc động sau khi được xem những tác phẩm này. Cảm ơn các họa sĩ đã có những ý tưởng bằng những màu sắc nói về quá trình trưởng thành, về Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giữ vững chủ quyền độc lập dân tộc. Tôi cho rằng, qua triển lãm này, người dân càng thấy được trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Văn nghệ sĩ nói chung, họa sĩ Yên Bái nói riêng trước hết là những công dân của đất nước. Trách nhiệm công dân cùng với niềm đam mê sáng tạo của các tác giả đã cho ra đời những tác phẩm vừa giàu tính thẩm mỹ vừa mang tiếng nói của văn nghệ sĩ trước thời cuộc. Qua đó, có thể thấy, cần nuôi dưỡng cảm hứng, động viên năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ nói chung để tiếp tục có được những tác phẩm hay về đề tài biên giới, hải đảo, góp tiếng nói vào công cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc.

Thanh Ba

Tags Biển đảo chủ quyền họa sĩ hội họa đồ họa Trường Sa

Các tin khác
Các cán bộ, chiến sỹ ra làm nhiệm vụ tại các tuyến đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Hôm nay- 21/12, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tổ chức lễ tiễn chân các cán bộ, chiến sỹ ra làm nhiệm vụ tại các tuyến đảo thuộc quần đảo Trường Sa và đưa trên 150 phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, các bộ, ban, ngành trên cả nước ra đảo tác nghiệp.

CLB Tuổi Trẻ vì biển đảo quê hương tặng lá cờ Tổ quốc có chữ ký của các tuyển thủ U22 Việt Nam cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

Ngày 20/12, tại Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình “Xuân biên cương – Tết hải đảo” năm 2020 tại Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân).

Tàu Cảnh sát biển 8001 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) làm nhiệm vụ tại khu vực nhà giàn DK1/15 thuộc cụm Phúc Nguyên.

Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam khẳng định Hội Luật quốc tế Trung Quốc có "sự hiểu lầm hoàn toàn" về khu vực mà Trung Quốc đang xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền bên lề Hội nghị.

Ngày 31/10, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo với sự tham gia của 300 đại biểu là cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục