Kỷ niệm Ngày 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma: Sáng mãi tinh thần vì Tổ quốc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/3/2020 | 9:07:32 AM

Ngày 13.3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Liên đoàn lao động tỉnh Khánh Hòa tổ chức dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.

LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.
LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.

336 dòng lưu bút Gạc Ma

Lần theo từng trang trong cuốn sổ vàng lưu niệm được đặt trang trọng tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chúng tôi không khỏi bồi hồi. 336 bút tích của những người đã đến thăm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ Gạc Ma - Trường Sa đều có dòng "tưởng nhớ”. Mở đầu trang sổ vàng lưu niệm ngày 15.7.2017 là các cán bộ công đoàn tỉnh Hậu Giang. Và trải dài cho đến gần cuối cuốn sổ vàng lưu bút đều đã có bút tích của nhân dân 63 tỉnh thành trong cả nước.

"Chúng tôi là thầy giáo, bạn đồng môn của liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm - lớp trưởng khóa 24C, người được tôi hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp ngành Bảo vệ bờ biển - đã hy sinh ngày 14.3.1988. Xin thắp nén hương của các thầy cô và bạn bè tưởng nhớ đến em…” - đó là những dòng chữ của GS-TS Lương Phương Hậu, Trường Đại học Xây dựng.

Hay bút thơ của cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lượng (trú tỉnh Lâm Đồng): "Viếng đài tưởng niệm Gạc Ma/ nhớ ngày 14.3 bi hùng/ Các anh nằm lại Biển đông/ 64 chiến sĩ mãi không trở về/ Biển khơi thay mẹ vỗ về/ Quê hương, Tổ quốc nhớ về các anh/Ra đi khi mái đầu xanh/ Những mái đầu bạc nghiêng mình tiếc thương”.

Hàng trăm dòng tri ân của đoàn viên công đoàn, của nhân viên các doanh nghiệp, của cựu binh, của học sinh, sinh viên trong cả nước dành sự khâm phục và ghi nhớ 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Đặc biệt trong số đó, còn có những dòng chữ của nhân dân nước bạn Lào, Nga.

Lưu giữ cho tương lai

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hôm nay đã có hơn 1.800 cây xanh được phủ bóng mát. Tán bàng vuông, phong ba, nho biển được đưa về từ Trường Sa đã tỏa rộng che bóng hàng bia vào khu mộ gió. Không ít thân nhân liệt sĩ và đồng đội của 64 liệt sĩ đến khu tưởng niệm cũng cảm thấy an lòng.

Thành thói quen, 3 năm rồi, gần đến ngày 14.3, ông Trần Văn Khánh - từng là lính công binh 83 - cùng các đồng đội và con cháu thuê xe từ TP.Nha Trang tìm đến khu tưởng niệm thắp hương. Không thể kể hết cho con cháu bằng lời mà bằng hành động, các ông muốn con và cháu sẽ tận mắt thấy những kỷ vật từ Trường Sa được trưng bày tại bảo tàng. Đó là hình ảnh, là nhân chứng sống cho lòng quả cảm bảo vệ chủ quyền của cha ông.

Ông Võ Duy Trúc - Giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - cho biết: Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng từ triệu tấm lòng của nhân dân cả nước. Sau 3 năm đi vào hoạt động, khu tưởng niệm đã đón hơn 100.000 lượt khách và hơn 4.000 đoàn đến viếng, tham quan. Đa số các đoàn đến nhằm giáo dục truyền thống cho các đoàn viên, sinh viên, học sinh.

Từ khi bước vào hoạt động đến nay, định kỳ hằng tháng, Ban quản lý (BQL) khu tưởng niệm đều tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng chiến sĩ. Đặc biệt vào các dịp kỷ niệm lớn như ngày 14.3, Ngày Thương binh liệt sĩ 27.7, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22.12, BQL đều tổ chức một đám giỗ đồng đội. Đồng thời, BQL tổ chức trực 24/24 đảm bảo đón tiếp các đoàn thân nhân, đồng đội, các tổ chức đoàn thể đến dâng hương.

"Với nhiệm vụ đặc biệt được tổ chức công đoàn giao phó, chúng tôi luôn nỗ lực chăm sóc, giữ gìn sự tôn nghiêm, sạch sẽ "ngôi nhà” chung của các anh để thân nhân, người dân cả nước đến và hiểu hơn lịch sử hào hùng mà cha ông đã hy sinh vì bình yên hôm nay” - ông Trúc chia sẻ.
(Theo LĐO)

Các tin khác
Chiến sĩ trẻ đảo Sơn Ca cùng đọc những lá thư được gửi từ đất liền.

Những cánh thư thực sự mang thêm nhiều hương vị và màu sắc. Đó là vị mặn của biển, vị chát của những giọt mồ hôi trên thao trường luyện tập của những người lính trẻ và đặc biệt hơn, mùa xuân nơi đây còn có vị ngọt của tình thương yêu, được người dân cả nước gửi gắm qua những lá thư viết tay – một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.

Câu chuyện về những cây bàng vuông trên đảo Nam Yết và những loài cây trên quần đảo Trường Sa biểu tượng cho tinh thần và sức sống mãnh liệt cũng như ý chí của những người lính canh giữ biển trời Tổ quốc nơi đảo xa. Ghi nhận của phóng viên Báo Yên Bái điện tử.

Giờ ra chơi trong buổi học cuối năm của các em học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Mùa xuân nơi đảo xa đang đến thật gần với đầy ắp tình yêu thương, tin tưởng và cảm phục về những người thầy ươm mầm xanh trên đảo. Tinh thần, nghị lực và đức hi sinh của họ sẽ là nền móng vững chắc để xây dựng Trường Sa thêm vững vàng, kiêu hãnh...

Giữa ngàn khơi muôn trùng sóng gió, những cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa vẫn ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời quê hương. Với họ, niềm vui xuân mới chỉ trọn vẹn khi độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, để nhân dân cả nước được đón Tết trong đầm ấm, an vui.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục