Nhạc sĩ Trần Hùng khắc họa biển đảo bằng âm nhạc

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/5/2020 | 3:35:49 PM

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, công tác tại Bộ Giao thông vận tải nhưng nhạc sĩ Trần Hùng coi âm nhạc là duyên nợ, là tình yêu và là ngọn lửa đam mê luôn rực cháy.

Luôn đau đáu với những sáng tác âm nhạc mang tính thời sự, nhạc sĩ Trần Hùng đã chạm đến trái tim người nghe bằng những lời ca, giai điệu sâu lắng như "Dáng đứng đảo xa”; "Tan biến đi virus Corona”…

MV "Dáng đứng đảo xa” vừa ra mắt khán giả của anh được đồng nghiệp và công chúng đánh giá là một tác phẩm âm nhạc có bút pháp uyển chuyển, được đầu tư dàn dựng công phu.



Nhạc sĩ Trần Hùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chia sẻ về quá trình thực hiện MV ca nhạc "Dáng đứng đảo xa”, nhạc sĩ Trần Hùng bộc bạch: Tôi công tác trong ngành giao thông nên có điều kiện được đi rất nhiều nơi. Tuy nhiên, dẫu chưa một lần được đặt chân tới quần đảo Trường Sa nhưng với tôi, quần đảo thiêng liêng này luôn hiện hữu trong tâm trí và trái tim. Để thực hiện những cảnh quay trong MV thì bắt buộc phải có những cảnh ở đảo Trường Sa. Đây là khó khăn với tôi, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tôi may mắn gặp lại một người bạn học đang công tác tại đảo Trường Sa. Anh ấy đã giúp tôi quay những hình ảnh các chiến sĩ đi tuần tra trên đảo. Ngoài ra, trong MV còn có những cảnh quay thể hiện tình quân dân, tình yêu của người thân dành cho các chiến sĩ trước khi lên đường ra đảo.

Đánh giá về MV "Dáng đứng đảo xa”, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: Đây là một MV mà ca khúc được tác giả viết rất công phu, có sự tìm tòi, đa dạng trong cách thể hiện. Tác phẩm thể hiện sự đồng lòng, trách nhiệm với quê hương bằng những sản phẩm sáng tạo, có tính lan tỏa đến công chúng.

"Có một hình ảnh tôi rất thích trong bài hát là ca từ: Máu của người Việt đã nhuộm từng tấc đất Hoàng Sa, Trường Sa, điều đó khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, để các thế hệ kế tiếp giữ gìn biển đảo, máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc”, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi nhận xét.

Nhạc sĩ Trần Hùng khắc họa biển đảo bằng âm nhạc
Ca sĩ Trần Hồng Nhung thể hiện ca khúc "Dáng đứng đảo xa”. Ảnh nhân vật cung cấp.
 
Hoàn thành MV trong thời gian chưa đến một tháng nhưng ca khúc "Dáng đứng đảo xa”, nhạc sĩ Trần Hùng đã ấp ủ từ hơn 1 năm nay.

"Tôi hoàn thành ca khúc này từ tháng 10-2019, nhưng để xây dựng thành một MV hoàn thiện thì mất nhiều thời gian. Trong quá trình sáng tác ca khúc này, tôi đã trao đổi với rất nhiều nhà sản xuất âm nhạc để tìm được tiếng nói chung khi thực hiện. Cuối cùng, tôi đã có một ê kíp chuyên nghiệp”, nhạc sĩ Trần Hùng cho biết.

Đánh giá về ca khúc "Dáng đứng đảo xa”, PGS,TS Nguyễn Lân Cường, Phó chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng: Biển, đảo là đề tài khó nhưng nếu tác giả biết cách thể hiện thì tác phẩm sẽ sống mãi trong lòng công chúng. "Dáng đứng đảo xa” là một tác phẩm có ca từ, giai điệu nhẹ nhàng, gần gũi với người nghe. Hơn nữa, nhạc sĩ Trần Hùng cũng đầu tư dàn dựng rất công phu cho MV này. Tôi nghĩ rằng, đây là một sản phẩm âm nhạc đẹp cả về nội dung và hình thức thể hiện.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhận xét: Các sáng tác của nhạc sĩ Trần Hùng luôn hướng đến lối dàn dựng chuyên nghiệp, thể hiện tinh thần, trách nhiệm công dân cao trước những vấn đề thời sự của đất nước. "Dáng đứng đảo xa” là MV chất lượng, mang âm hưởng thính phòng hơi hướng nhạc nhẹ. Ca sĩ Trần Hồng Nhung thể hiện hiệu quả ca khúc này. Tôi nghĩ, MV này sẽ lan tỏa rộng rãi tới đông đảo công chúng.

(Theo QĐND)

Các tin khác
Bộ sách về biển, đảo của NXB Thông tin và Truyền thông.

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các học giả, nhà sử học, các nhân chứng lịch sử để xuất bản bộ sách đồ sộ về biển, đảo Việt Nam với trên 20 đầu sách.

LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.

Ngày 13.3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Liên đoàn lao động tỉnh Khánh Hòa tổ chức dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.

Chiến sĩ trẻ đảo Sơn Ca cùng đọc những lá thư được gửi từ đất liền.

Những cánh thư thực sự mang thêm nhiều hương vị và màu sắc. Đó là vị mặn của biển, vị chát của những giọt mồ hôi trên thao trường luyện tập của những người lính trẻ và đặc biệt hơn, mùa xuân nơi đây còn có vị ngọt của tình thương yêu, được người dân cả nước gửi gắm qua những lá thư viết tay – một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.

Câu chuyện về những cây bàng vuông trên đảo Nam Yết và những loài cây trên quần đảo Trường Sa biểu tượng cho tinh thần và sức sống mãnh liệt cũng như ý chí của những người lính canh giữ biển trời Tổ quốc nơi đảo xa. Ghi nhận của phóng viên Báo Yên Bái điện tử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục