Nhớ tết Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2021 | 8:00:04 AM

YênBái - Tết ở Trường Sa đến từ những con tàu. Bao khắc khoải từ phía biển nguôi đi bằng yêu thương gom góp từ đất liền ra với đảo...

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chúc tết các hộ gia đình trên đảo Song Tử Tây.
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chúc tết các hộ gia đình trên đảo Song Tử Tây.

Những cơn gió lạnh cuối đông tràn qua gấp gáp, len lỏi trong màn sương muối vùng cao, đổ xuống núi đồi một cách dữ dội, như sự "lên gân” cuối cùng để lụi tàn, nhường chỗ cho hơi thở mùa xuân ấm áp.

Những ngày cuối năm này, không khí chộn rộn, hối hả khắp mọi nơi, ai cũng tất bật lo chỉnh trang nhà cửa, sắm sanh đồ đạc đón tết… Nhớ giờ này năm trước, tôi được đón tết cùng quân dân trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Nỗi nhớ quay quắt ngày càng ngập tràn dù chỉ mới một lần được đến, cảm xúc dâng đầy về một cái tết đặc biệt…

Ở nơi tận cùng bão giông, mỗi dịp xuân về đều mang theo bao nhiêu niềm vui, khát vọng và cảm xúc dâng tràn. Mùa xuân về, những người lính đảo thêm một tuổi đời, thêm một tuổi quân, thêm dạn dày sương gió, trui rèn bản lĩnh, ý chí và tình yêu để ngày đêm bảo vệ, canh giữ biển trời của Tổ quốc thiêng liêng. 

Đối với những người lính và công dân đảo, thời gian đi qua chẳng cần tính tháng, đếm ngày; khi thấy biển Đông trời xanh, sóng lặng, họ nhận ra mùa nắng đã sang, mùa biển đẹp nhất trong năm đã về; cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, nhà giàn khấp khởi chờ đợi người thân, bạn bè từ đất liền mang niềm vui ra đảo. 

Điều đặc biệt như "lời hẹn”, khi thấy hoa bàng vuông bâng khuâng nở rộ, ấy là lúc mọi công dân trên đảo đều khấp khởi chờ đợi xuân về! Mùa xuân đến, các đảo, điểm đảo bừng lên sức sống mới. Rau xanh được trồng non tươi trườn ra trước nắng gió; lợn, gà rong ruổi tìm kiếm thức ăn bên mé nước dập dềnh; các loài hoa cỏ may, hoa lá kim, hoa muống biển nở tím thẫm những triền cát trắng... Tất cả tạo nên bức tranh vùng biển đảo sinh động, lãng mạn vô cùng! Tết ở Trường Sa đến từ những con tàu. Bao khắc khoải từ phía biển nguôi đi bằng yêu thương gom góp từ đất liền ra với đảo... 



Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết chuẩn bị đón tết.

Mùa trái gió, những cơn lắc lư liên hồi trên con tàu kiểm ngư KN490 là thử thách đầu tiên đối với chúng tôi trong lần đầu ra đảo. Trên tàu là hàng tấn lương thực, hàng hóa, quà bánh và cả những chàng lính trẻ đi theo đợt thay thu quân trước thềm năm mới. Con tàu hùng dũng đạp sóng vươn khơi, đi về phía mặt trời. 

Thường vào những ngày giáp tết, biển Đông đang còn trong mùa mưa bão; để đưa được hàng tết đến với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, điểm đảo và nhà giàn DKI trên quần đảo Trường Sa, có khi, các đoàn công tác phải lênh đênh trên biển cả tháng trời. Và, nhiều khi, tàu chỉ cập được các đảo nổi, một số đảo chìm, còn các nhà giàn không thể vào được. Một số đồng nghiệp của tôi là phóng viên các báo tâm sự, nhiều lần đứng nhìn anh em cán bộ trên các nhà giàn, đảo chìm reo hò, vẫy tay mà đoàn công tác tặng quà tết không làm sao vào được, bởi sóng quá to, quá hung dữ. 

Nghĩ thấy thương lắm! Nhiều năm qua, lực lượng hải quân được trang bị thêm những chiếc tàu có trọng tải lớn, có các thiết bị hiện đại hơn, đủ sức chống chọi với sóng gió, bão giông nên mỗi dịp trước thềm xuân mới, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thường xuyên phối hợp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều đoàn công tác vượt gió to, sóng dữ, có khi những trận bão bất thường để mang những chuyến quà tết nặng nghĩa tình đến với Trường Sa. 

Biển đảo luôn được nhắc đến bằng tất cả sự tự hào, thiêng liêng của hàng triệu người dân Việt. Chúng tôi hiểu được những gian khổ của từng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, hiểu được giá trị của những hy sinh mà họ đã và đang trải qua vì một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. 

Những món quà được gửi đi, không chỉ là ân tình đất liền hướng về Trường Sa mà còn là đặc sản của từng vùng miền, để cán bộ chiến sĩ và người dân Trường Sa đón một cái tết ấm áp, vẹn tròn, đầy tình quê hương, xứ sở… Ấy là những chậu quất cảnh vượt hàng nghìn cây số từ Văn Giang (Hưng Yên), là những giò phong lan từ Đà Lạt, bưởi Đoan Hùng từ Phú Thọ, mứt tết, bánh kẹo của Hà Nội, chè khô của Thái Nguyên... theo tàu ra đảo. 

Khi ấy, tình cảm và niềm động viên từ đất liền là món quà có ý nghĩa nhất đối với những người lính đảo. Vượt gió, vượt nắng, vượt cả những cơn sóng lừng quăng quật, một nhịp cầu bắc bằng chuyến hải hành, để những thương yêu luôn trọn, để "cả nước vì Trường Sa” như lời gọi. 

Và, những người lính của chúng ta đã đón nhận, trân trọng những tình cảm thiêng liêng ấy để vững tay súng giữa trùng khơi. 

"Trường Sa vì cả nước”. Những lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay, căng tràn những tự hào. Trường Sa, giờ đã vơi đi nhiều khốn khó. 

Chính những quan tâm, hướng về biển đảo suốt nhiều năm qua đã lặng lẽ vun đầy cho an yên ở nơi này. Và chưa dừng lại, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã luôn là niềm cổ vũ, là tình cảm và sự quan tâm sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ và người dân ở Trường Sa. Đó cũng chính là điểm tựa cho Trường Sa, góp phần giữ vững từng tấc đất chủ quyền đất nước.

Xuân mới đã về, những hình ảnh về Trường Sa lại rộn ràng hơn trong tâm trí. Nơi những cây bàng vuông, phong ba giúp hòn đảo xanh tươi che chắn gió cát giữa biển khơi, nơi những chiến sĩ hải quân đang bảo vệ đảo, những chiến sĩ công binh nước da đen cháy mình dưới nắng nóng xây dựng đảo, những chiến sĩ gác đèn biển bảo vệ cho các con tàu xuôi ngược trên biển Đông, nơi có tiếng chuông chùa ngân nga cùng gió biển, có tiếng ê a học bài của trẻ thơ. Ngày xuân, thầm chúc quân và dân Trường Sa lại có những ngày tết ấm áp, chan chứa yêu thương. Tết này, những nỗi nhớ cũng gần hơn, từ phía biển!

 Thiên Cầm

Tags tết Trường Sa Trường Sa nhà giàn DKI tàu kiểm ngư KN490 huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Xuân Trường Sa

Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021 và thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Xuân Trường Sa" lần thứ 9 - năm 2021.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng phát biểu tại Chương trình.

Chương trình “Vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” được tổ chức nhằm động viên, khích lệ quần chúng nhân dân khu vực biên giới và ngư dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; tích cực vươn khơi, bám biển, lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Trần Thọ Phi Hổ (trái) tặng những bức ảnh quý chụp ở đảo Hoàng Sa cho ông Lê Tiến Công - phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa

Ngày này cách đây 47 năm (19-1-1974), Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng trong trái tim người Việt, quần đảo này vẫn mãi mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt khám phá hoạt cảnh về hình ảnh cuộc sống, con người ở Trường Sa trên máy tính bảng.

Sáng 14/10, tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái, Cục Thông tin cơ sở thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục