Đất nước Việt Nam với hình chữ S, có bờ biển dài khoảng 3.260 km từ Bắc xuống Nam chiếm tỷ lệ khoảng 100km vuông đất liền/ 1 km bờ biển và hơn 3.000 hòn đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố giáp biển.
Từ xa xưa, biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các hải đảo và quần đảo cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Trong thời đại hòa bình hôm nay, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia ven biển có những ưu thế và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và thế giới, biển đảo càng có tầm quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử dân tộc đã ghi nhận trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta, thì có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển. Như vậy có tới 2/3 các cuộc chiến tranh, kẻ thù đã sử dụng đường biển để tấn công xâm lược nước ta và đã bị vùi thây tại những tuyến phòng thủ này.
Bước sang thế kỷ 21, "Thế kỷ của biển và đại dương”, các nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, vì thế các quốc gia ngày càng quan tâm tới nguồn tài nguyên từ biển cả, nơi bắt đầu các mưu đồ đe dọa hòa bình: Trường Sa – Hoàng Sa giờ đây là tâm điểm.
"Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
Đó là một lời tuyên bố hùng hồn về việc xác lập chủ quyền đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam đồng thời là sự nhắc nhở về thái độ cương quyết nhưng bình tĩnh của chúng ta. Và hơn hết, đó là một "bức tâm thư” gửi tới nhân dân cả nước về ý thức và trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo của quê hương.
Đối với mỗi chúng ta một cuộc đời là để làm biết bao nhiêu điều, để học tập, vui chơi, phấn đấu cho sự nghiệp, cho tình yêu, cho gia đình và cho nhiều điều hơn thế nữa. Nhưng đối với những người chiến sĩ nơi biển đảo, cuộc đời là để sống và bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Sống là để phục vụ hết mình cho Tổ quốc thân yêu, những mất mát của các anh đôi khi chúng ta không thể nói bằng lời. Dân tộc Việt Nam anh hùng là thế đó, đất nước chúng ta luôn có những người con "Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.
Gần đây chúng ta nghe nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình rối ren, tranh chấp trên biển đảo. Giới trẻ chúng ta đôi khi chỉ biết ngắm nhìn cái đẹp của biển mà lãng quên đi trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Nhưng không! Thế hệ lớp trẻ chúng tôi, những con người Việt Nam ưa chuộng hòa bình sẽ biết hóa tình yêu thành sức mạnh, gieo hành động bằng chính phần công sức dù nhỏ bé của mình, một khi cuộc đấu tranh ấy đến gần hơn, biển đảo cần chúng ta hơn thì sức mạnh của "một dân tộc gan góc" ắt sẽ làm nên lịch sử.
Thế hệ trẻ hôm nay sẽ đóng góp sức mình bằng những việc làm cụ thể vào công cuộc xây dựng biển đảo quê hương. Biến yêu thương thành hành động, quan trọng hơn phải biết bình tĩnh, thận trọng trong suy nghĩ và hành động; hãy cùng nhau tham gia tích cực những cuộc vận động Góp đá xây Trường Sa, Vì biển đảo thân yêu, Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc, Em yêu biển đảo Việt Nam, Vì biển xanh quê hương…
Vâng có thể còn những âu lo, còn những khó khăn, thách thức nhưng tình yêu, niềm tự hào và nỗi lo sẽ hóa sức mạnh khi mỗi người chúng ta sẵn sàng hành động với những việc làm thiết thực xuất phát từ tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng bắt đầu hành trình vì biển đảo quê hương ngay từ hôm nay.
(Theo internet)