Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên 28 địa phương có biển, tại một số quốc gia có số lượng lớn người Việt Nam sinh sống, làm việc, và một số quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.
Nội dung tập trung truyền thông các chính sách pháp luật có liên quan biển đảo (gồm cả pháp luật quốc tế), về vị trí, vai trò của biển và đại dương cũng như các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Ðông, các thông tin về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo... Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện việc tổ chức triển khai chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030.
Nước ta có chiều dài bờ biển 3.260km, đứng thứ 27/157 quốc gia ven biển, quốc đảo và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với diện tích ven biển lớn như vậy, vấn đề bảo vệ biển đảo và phát triển kinh tế biển luôn được Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, công tác truyền thông trong những năm vừa qua vẫn còn một số hạn chế, dẫn đến một bộ phận người dân và cộng đồng quốc tế chưa hiểu biết đầy đủ về quyền và lợi ích của Việt Nam liên quan biển, hải đảo và đại dương.
Vì thế, chương trình truyền thông về biển và đại dương tầm nhìn 2030 được xây dựng nhằm chuyển tải đầy đủ và toàn diện các kiến thức liên quan để mọi người dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương trong bảo vệ chủ quyền quốc gia và trong phát triển kinh tế.
Chương trình huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa, hợp tác quốc tế, phát huy cao nhất nội lực của từng địa phương, cơ quan, bộ, ngành, đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Các thông tin được chuyển tải thường xuyên, liên tục, có trọng tâm trọng điểm, chính xác và hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng, giúp người dân dễ dàng nhận diện và bác bỏ những thông tin sai lệch, các quan điểm xuyên tạc về biển và đại dương, từ đó khích lệ, cổ vũ người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ biển đảo, đại dương.
Cụ thể: Ðến năm 2025, tất cả các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, báo đối ngoại có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương, 100% số bộ, ngành có liên quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chuyên mục về biển và đại dương trên trang thông tin điện tử của cơ quan. Tất cả phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, lãnh đạo cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản ở Trung ương và địa phương, cán bộ thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại được tập huấn cập nhật về hệ thống chính sách pháp luật kiến thức cơ bản về biển và đại dương, xây dựng một thư viện cấp ngành, một bảo tàng chuyên đề về biển và đại dương.
Ðến năm 2030, tất cả các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, tư thục và quốc tế thực hiện hoạt động truyền thông về biển và đại dương thông qua việc lồng ghép nội dung liên quan trong chương trình đào tạo, hơn 80% số tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội các cấp, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước tham gia hoạt động truyền thông về biển và đại dương.
Ðể hoàn thành tốt các mục tiêu của Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đòi hỏi mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi tổ chức, đơn vị phải chủ động đề xuất các chương trình, dự án phù hợp, không ngừng nỗ lực đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác truyền thông, tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời xử lý các thông tin sai lệch liên quan vấn đề biển và đại dương.
Các chiến lược truyền thông cần bám sát thực tế biển đảo trong từng thời điểm cụ thể, và phải được triển khai một cách bài bản, toàn diện, có tính đột phá từ Trung ương đến địa phương. Biển đảo và đại dương là vấn đề sống còn đối với an ninh quốc gia. Làm tốt công tác tuyên truyền các vấn đề liên quan biển đảo và đại dương sẽ giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
(Theo Nhân Dân)