Xuân về trên núi, tết đến đảo xa

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/2/2024 | 9:05:05 AM

YênBái - Xuân đã reo vui trong lòng người. Đón xuân tươi bên cột cờ Trường Sa từ vùng cao Yên Bái, trong tôi lại bồi hồi nhớ những ngày đón tết sớm cùng những người lính đảo Trường Sa...

Phóng viên Tô Anh Hải - Báo Yên Bái (thứ 2, bên phải) cùng các chiến sĩ Hải quân trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa tập luyện chuẩn bị cho chương trình văn nghệ đón xuân năm 2019.
Phóng viên Tô Anh Hải - Báo Yên Bái (thứ 2, bên phải) cùng các chiến sĩ Hải quân trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa tập luyện chuẩn bị cho chương trình văn nghệ đón xuân năm 2019.

Xuân về, khắp nơi trên mọi miền đất nước đều tưng bừng, náo nhiệt hướng đến một năm mới với những niềm hy vọng, khao khát, mong chờ mới ở phía trước. Không khí vui xuân, đón tết ở mỗi vùng, miền khác nhau đều mang những nét đặc trưng riêng. Tuy vậy, dù là miền núi cao hay hải đảo xa xôi, đã là người dân Việt Nam thì đều có chung một lòng yêu nước nồng nàn, một ý chí phấn đấu vươn lên kiên cường, một quyết tâm mãnh liệt xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Ở những nơi ấy, mùa xuân, ngày tết cũng được tổ chức một cách đầy ý nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc…

Trường Sa trên núi

Xã vùng cao Nà Hẩu, huyện Văn Yên - nơi lâu nay vốn đã rất nổi tiếng có cột mốc chủ quyền Trường Sa trên núi (công trình hết sức ý nghĩa do Chi đoàn Báo Yên Bái phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng từ năm 2014) đang hướng đến một cái tết trọn vẹn niềm vui, với mong muốn cùng hòa nhịp đập trái tim gửi mùa xuân ấm áp đến với các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang vững chắc tay súng nơi các đảo tiền tiêu của Tổ quốc… Từ lâu, Nà Hẩu đã trở thành điểm đến quen thuộc của những đoàn công tác, khách du lịch trong và ngoài nước. 

Nơi đây, đồng bào dân tộc Mông nhiều người dù chưa từng biết đến biển, chưa một lần được nhìn thấy sự mênh mông hay vị mặn của nước biển, nhưng kể từ khi có cột mốc chủ quyền Trường Sa, được nghe tuyên truyền về Trường Sa từ trên ghế nhà trường, nhiều lớp thanh, thiếu niên Nà Hẩu đã biết đến Trường Sa, biết đến ý nghĩa chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để một lòng luôn hướng về biển đảo, luôn mong muốn được góp sức mình bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương. Năm nay, tôi có dịp được đến thăm Nà Hẩu vào những ngày đầu xuân mới. 

Ngay từ khi đặt chân đến đầu xã, tôi đã cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nhiệt của sắc xuân vùng cao. Bên những cánh rừng già của Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Nà Hẩu, tiếng chim rừng lảnh lót hòa quyện với tiếng suối chảy róc rách nghe rất vui tai; lại thêm cả tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng hát xa xa của các chàng trai, cô gái Mông vọng lại, tạo nên một bản hòa âm tuyệt vời giữa đại ngàn. Trên các tuyến đường vào trung tâm xã, nhà cửa, cờ hoa được trang hoàng rực rỡ; tiếng trống, tiếng chiêng hừng hực khí thế cùng với tiếng hát mừng xuân tràn ngập niềm vui trong cộng đồng dân cư, tạo nên một không gian tươi vui, phấn khởi… 

Nhiều năm nay, như tất cả cộng đồng người Mông khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái, người Mông Nà Hẩu theo con đường của Đảng, cùng thực hiện chủ trương "Ăn chung một tết” với đồng bào Kinh; mọi hủ tục lạc hậu đã được loại bỏ, thay vào đó là đời sống văn hóa mới, là niềm vui chung trọn vẹn trên con đường xây dựng nông thôn mới ở vùng cao. 

Đến thăm cột mốc chủ quyền Trường Sa được xây dựng trong khuôn viên Trường Mầm non Nà Hẩu, bên cạnh là Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu, tôi như được hòa mình vào không khí thiêng liêng của đất trời. Cột cờ cao vút, hiên ngang vươn lên giữa núi rừng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió như biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, hướng về biển đảo của người dân Nà Hẩu. 


Cột mốc chủ quyền Trường Sa tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.  (Ảnh: Thanh Ba) 

Trong những ngày đón xuân, ở khu vực sân trường, quanh cột mốc chủ quyền Trường Sa, người dân Nà Hẩu cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, như: tổ chức lễ chào cờ đầu năm; tổ chức thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, truyền thống... với sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân. Những hoạt động này không chỉ góp phần làm cho không khí đón xuân thêm rộn ràng, vui tươi mà còn giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. 

Cô giáo Phạm Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nà Hẩu chia sẻ: "Hình ảnh cột mốc chủ quyền Trường Sa trên sân trường đã giúp lan tỏa tình yêu biển đảo vượt ra khỏi cánh cổng nhà trường. Những buổi giao lưu văn nghệ của trường, của xã cũng được tổ chức dưới cột mốc, bà con đến xem rất đông. Hình ảnh các chú bộ đội Hải quân tay ôm đàn hát dưới cột mốc chủ quyền Trường Sa đã được tái hiện ngay tại đây khiến bà con thấy biển, đảo gần gũi hơn, bà con cũng ý thức hơn về chủ quyền biển đảo”. 

Và quả thật, với những người Mông thật thà, chất phác ở Nà Hẩu hôm nay, Trường Sa đã thật gần. Đó là chủ quyền không thể tách rời được khắc ghi trong tâm khảm, trí óc của đồng bào. 

Đối với nhiều trẻ em dân tộc Mông bấy lâu chân quen đường núi, quanh năm thấy mây mù thì cột mốc chủ quyền Trường Sa với những lễ chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần, hay những buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về biển, đảo Tổ quốc bên cột mốc chủ quyền Trường Sa chính là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn mỗi khi tới trường, các em thấy hình ảnh cột cờ một cách trực quan sinh động. 

Và điều đặc biệt hơn nữa, lớn lao hơn nữa trong những ngày tết đến xuân về, tình cảm của người dân Nà Hẩu với biển đảo, bên cột mốc chủ quyền Trường Sa sẽ trở thành thông điệp không biên giới, là nguồn động viên to lớn đối với những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, tình yêu thương ấy sẽ được gửi gắm qua hàng nghìn cây số để đến được với hải đảo xa xôi... 

Tết đến đảo xa

Tôi đã từng có dịp đến thăm quần đảo Trường Sa đúng dịp tết năm 2019, được chứng kiến cuộc sống của những người lính, nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió. Dù gian khổ, khó khăn bủa vây, nhưng các anh vẫn luôn vững tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc… 

Để hôm nay, ký ức về những ngày đón tết ở Trường Sa vẫn còn mãi trong tôi. Đó là những ngày tết tuy thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ, thiếu vắng vòng tay của người thân nhưng những người lính nơi đảo xa vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời; họ vẫn dành thời gian để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... để thắp lên niềm vui trong những ngày xuân. 

Trong hàng ngàn đảo lớn nhỏ của Tổ quốc Việt Nam, có lẽ quần đảo Trường Sa luôn là nơi mùa xuân đến sớm nhất. Giữa ngàn khơi muôn trùng sóng gió, nỗi nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng, song mỗi cán bộ, chiến sĩ và từng hộ dân ở 21 đảo, điểm đảo và 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa chưa một phút ngơi tay súng, bởi lẽ, với họ, niềm vui đón xuân chỉ trọn vẹn khi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được vẹn toàn, để cùng với nhân dân cả nước đón xuân mới trong đầm ấm, an vui. 

Trải nghiệm tuyệt vời nhất đối với tôi cũng như nhiều nhà báo, phóng viên khác trong chuyến công tác Trường Sa năm ấy có lẽ chính là được cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Song Tử Tây đón tết sớm. Dù đã được thông báo từ trước nhưng chúng tôi thực sự không thể tưởng tượng được không khí đón xuân trên đảo lại xúc động, ấm cúng, vui tươi đến như vậy. 


Đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉ nh Khánh Hòa.  

Vào buổi sáng sớm, khi bình minh trên biển vừa thức giấc, những hạt sương đêm còn đọng lại trên cánh hoa bàng vuông nở muộn, những chú chim hải âu còn đang bận rỉa lông, tắm cánh trên các ghềnh đá thì người dân trên đảo đã kịp diện những bộ quần áo đẹp nhất của mình để chuẩn bị du xuân. Đàn ông mặc comple, phụ nữ diện áo dài truyền thống, trẻ em xúng xính trong những bộ lễ phục màu sắc sặc sỡ, tiếng nói râm ran, tiếng cười lan tỏa khắp khu dân cư…, dường như họ cũng vừa trải qua một đêm không ngủ, háo hức đợi chờ ngày đón tết cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo và đoàn công tác từ đất liền. 

Sáng hôm ấy, thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các nhà báo, phóng viên cùng nhau du xuân quanh đảo, đến thắp hương báo công tại Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - người 3 lần cầm quân đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông, giữ yên bờ cõi nước Nam; cùng nhau đi lễ chùa, thắp hương niệm phật, cầu mong cho một năm mới bình an, hạnh phúc… 

Các hoạt động vui chơi, đón xuân trên đảo thực sự phong phú và ấn tượng. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, đi chân rết, đua mủng bắt vịt… trong tiếng reo hò, cổ vũ của đông đảo khán giả. Thắng, thua không quan trọng, phần thưởng được trao là những quả bàng vuông tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và lòng thủy chung sắt son trên biển, đảo. 

Điều đọng lại sâu sắc chính là không khí vui tươi, gắn bó, rộn ràng sắc xuân của quân, dân trong những ngày đầu xuân, đón tết. 

Hình ảnh đẹp nhất chính là lúc gói bánh chưng tết bằng lá dong mang từ đất liền và lá bàng vuông trên đảo. Những chiếc bánh chưng truyền thống của dân tộc được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo gói bằng hai loại lá thật vuông vức, gọn gàng, thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa biển đảo với đất liền thân yêu; là sự khẳng định sắt son một ý chí vững vàng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước... 

Điều đặc biệt hơn nữa đối với cá nhân tôi - một người khá yêu thích văn hóa văn nghệ và cũng đã từng được tham gia rất nhiều buổi biểu diễn văn nghệ từ trước đến nay, nhưng đêm giao lưu văn nghệ đón tết hôm ấy trên quần đảo Trường Sa chính là đêm văn nghệ hay nhất, tuyệt vời nhất mà tôi từng được chứng kiến. Không xúc động sao được khi được nghe các cháu nhỏ đồng thanh hát vang những lời ca: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa”; "Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ. Đem chí trai giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”… Rồi các tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn” của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo về chủ đề biển đảo, thể hiện tình cảm, tình yêu thương gắn bó keo sơn… 

Tất cả đều nói lên tinh thần xả thân cống hiến, nguyện hết mình hy sinh cho biển đảo quê hương, dù có khó khăn, gian khổ thế nào đi chăng nữa, những người lính ở nơi đảo xa vẫn ngày đêm giữ vững ý chí, chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; để mỗi khi tết đến, xuân về, mọi người, mọi nhà đều được đón xuân trong bình an, hạnh phúc…

Xuân này, nơi đây, giữa đại ngàn Nà Hẩu, được đón xuân trên quê hương nhưng lòng tôi cũng như người dân vùng cao Nà Hẩu khi đứng trước cột mốc chủ quyền Trường Sa vẫn luôn hướng về biển đảo, hướng về quần đảo Trường Sa thân yêu, nơi có những người lính đang ngày đêm canh giữ bình yên cho Tổ quốc. Một cột cờ trên núi, một cột mốc ngoài biển khơi, nhưng chung một niềm vui đón tết cổ truyền của dân tộc, chung một ý chí vượt lên mọi khó khăn để cùng nhau hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc. Chúng tôi nơi đất liền Nà Hẩu xin gửi lời chúc đến các anh, chị, em chiến sĩ đang công tác, chiến đấu trên biển đảo xa xôi lời chúc luôn vững tay súng, kiên cường, bất khuất hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và đón một mùa xuân mới an vui!

Thiên Cầm

Tags tết đến đảo xa

Các tin khác
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Chiều tối 25/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh "Tổ quốc bên bờ sóng, Thành phố Hồ Chí Minh – Vì cả nước, cùng cả nước".

Thượng tá Đào Hồng Thắng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Vùng 4 Hải quân, thay mặt Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 4 chủ trì việc tiếp nhận.

Sáng 25/4, tại xã Cát Hạnh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, các cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiếp nhận sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Định cho quân và dân huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa trong thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.

Các thí sinh tham gia kiểm tra lý thuyết chuyên ngành hàng hải.

Ngày 24/4, tại thành phố Vũng Tàu, Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân) tổ chức khai mạc Hội thi chuyên ngành hàng hải, thông tin, cán bộ huấn luyện điều lệnh giỏi năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục