Viện là đơn vị duy nhất hướng dẫn y tế cơ sở điều trị hiệu quả các ca tai biến lặn, là cái nôi đưa kỹ thuật điều trị bằng oxy cao áp trở thành phương pháp điều trị hiệu quả các trường hợp tai biến lặn nặng và tai biến mạch não. Với sự tin yêu, quý mến của ngư dân, nhân dân, Viện còn được biết đến với cái tên trìu mến là "Viện chăm sóc sức khỏe của những cột mốc sống trên biển".
Nơi điều trị dành cho ngư dân
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng đầu tiên của Viện Y học Biển Việt Nam, chia sẻ, đầu thập kỷ 90, khi còn đang công tác tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, mỗi lần đi công tác tại các vùng biển đảo hoặc tiếp nhận thông tin về các ca cấp cứu trên biển, đặc biệt là các trường hợp tai biến lặn, ông luôn đau đáu phải làm gì để bà con ngư dân, đặc biệt là những người tham gia đánh bắt xa bờ được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Ngư dân không chỉ là những người tham gia sản xuất, phát triển kinh tế cho gia đình, xã hội, mà họ chính là hiện thân của chủ quyền, là những "cột mốc sống" tại những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Gần 1 thập kỷ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn cùng cộng sự nỗ lực triển khai các thủ tục trình Bộ Y tế thành lập một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về y tế biển. Năm 2001, Viện Y học Biển thành lập, đánh dấu sự ra đời của Trung tâm y học biển chuyên sâu lớn nhất Việt Nam.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, sau 23 năm thành lập, Viện Y học Biển Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong phát triển hệ thống y tế biển đảo cũng như trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, Viện phối hợp cùng các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan, hình thành mạng lưới y tế biển đảo ở tất cả 28 tỉnh, thành phố có biển của cả nước. Các địa phương này đều có đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo các kiến thức y học bài bản, chuyên ngành về những loại hình bệnh tật liên quan đến biển để có thể tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân bảo vệ sức khỏe, đưa ra quyết định xử trí phù hợp khi gặp các ca bệnh, nhất là các trường hợp tai biến lặn - bệnh ngư dân đánh bắt xa bờ gặp với tỉ lệ rất cao.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngoài đánh bắt hải sản bằng các công cụ hỗ trợ, phần lớn ngư dân đánh bắt xa bờ đều lặn sâu để nâng cao năng suất. Do chênh lệch áp suất trên mặt nước và dưới biển, các trường hợp lặn biển đều có nguy cơ bị các bệnh do giảm áp suất đột ngột như: liệt chi dưới, tai biến, nguy cơ tử vong cao. Điều trăn trở là có tới 50 - 60% ngư dân ở các ngư trường xa bờ gặp tai biến lặn do không tuân thủ quy trình lặn biển, thiếu phương tiện hỗ trợ để bảo vệ an toàn cho bản thân. Khi ngư dân bị tai biến lặn nặng, điều trị bằng oxy cao áp là giải pháp điều trị tối ưu. Viện Y học Biển Việt Nam đã cấp cứu cho hàng trăm ca tai biến lặn nặng, trong đó có cả bệnh nhân người nước ngoài. Cùng với đó, Viện ứng dụng kỹ thuật oxy cao áp trong điều trị nhiều loại bệnh khác.
Uy tín và kinh nghiệm quốc tế cao
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn (áo trắng) - người đưa oxy cao áp trở thành phương pháp tối ưu trong điều trị tai biến lặn nặng cũng như các trường hợp bệnh do tai biến mạch não.
Từ kết quả nghiên cứu, điều trị tại Viện Y học Biển Việt Nam, năm 2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2359/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật điều trị bằng oxy cao áp. Đây cũng là một dấu mốc khẳng định những đóng góp của Việt Nam trong điều trị bệnh bằng oxy cao áp với thế giới.
Theo báo cáo của Viện Y học biển Việt Nam về nghiên cứu, ứng dụng oxy cao áp, ngoài cấp cứu cho các trường hợp tai biến lặn nặng, Viện đã điều trị cho hơn 3.800 ca tai biến mạch não, công bố hơn 100 bài báo khoa học về oxy cao áp trên các tạp chí y khoa thế giới và trong nước. Viện đã phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bỏng Quốc gia để điều trị các trường hợp biến chứng nặng do ngộ độc khí CO (ngộ độc khí do đốt than sưởi ấm) và các trường hợp tai biến nặng do bỏng. Viện cấp cứu gần 100 ca tai biến lặn, trong đó có cả bệnh nhân người nước ngoài và hơn 3.800 ca tai biến mạch não.
Với uy tín và kinh nghiệm quốc tế, Viện Y học Biển đã tiếp nhận học viên đến từ Thái Lan, Indonesia, sắp tới là Hàn Quốc đến học kỹ thuật về điều trị oxy cao áp. Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã mở mã ngành học Thạc sĩ về chuyên ngành này. Việc điều trị bằng oxy cao áp đã được nhiều bệnh viện của các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc đã đến học tập kinh nghiệm, đưa kỹ thuật này vào điều trị.
Bác sĩ Phan Minh Hà, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, với sự hướng dẫn của Viện Y học Biển Việt Nam, Bệnh viện đã triển khai điều trị bằng oxy cao áp từ năm 2014. Hiện nay, điều trị bằng oxy cao áp đã trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện, đặc biệt là trong điều trị các ca tai biến lặn, tai biến mạch não, ngộ độc khí than, điều trị mất ngủ và làm đẹp.
Theo Giáo sư Jean Pierre Auffray, Chủ tịch Hội Y học biển (Cộng hòa Pháp), Viện Y học Biển Việt Nam triển khai điều trị bằng oxy cao áp rất thành công nhiều ca tai biến lặn, các ca bệnh nội, ngoại khoa đặc thù khác. Các đối tác quốc tế đánh giá rất cao việc ứng dụng trị liệu oxy cao áp trong lâm sàng đang được triển khai vô cùng hiệu quả tại Viện.
Những kết quả trên là sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, lãnh đạo, người lao động đang làm việc tại Viện Y học Biển Việt Nam.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bảo Nam, Phó Viện trưởng Viện Y học Biển Việt Nam, tiếp nối truyền thống của Viện, giai đoạn tới, Ban lãnh đạo Viện sẽ tiếp tục tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong Viện học tập, nâng cao trình độ, phát huy truyền thống đoàn kết, tận tâm của đơn vị. Về công tác chuyên môn, Viện xác định, phát triển kỹ thuật điều trị bằng oxy cao áp sẽ là mũi nhọn, đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan đến ngộ độc khí, tai biến mạch não, biến chứng tiểu đường, tăng huyết áp và mở rộng trong lĩnh vực thẩm mỹ. Viện cũng tiếp tục tham mưu cho Bộ Y tế, hỗ trợ y tế cơ sở các giải pháp dự phòng, chăm sóc sức khỏe hiệu quả để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế gia đình và góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(Theo Báo Tin tức)