Sân bay Yên Bái - mảnh đất thiêng
- Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2015 | 9:21:26 AM
YênBái - YBĐT - Xuất kích bay lên từ chính sân bay Yên Bái, hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Quân đội nhân dân Việt Nam và cả dân tộc giao phó, khi lần đầu tiên xuất sắc bắn rơi siêu pháo đài bay B-52, loại máy bay hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ trên chính bầu trời Tây Bắc của Tổ quốc, với Trung tướng, phi công Phạm Tuân, người may mắn được lĩnh sứ mệnh đầu đi đánh B-52, thì dường như Yên Bái chính là mảnh đất thiêng…
Giờ thực hành bay trong buồng lái của phi công tại sân bay Yên Bái.
|
Là cửa ngõ xâm nhập của không quân Mỹ từ phía Tây để tập kích vào Thủ đô Hà Nội, tỉnh Yên Bái nằm trong địa bàn chiến lược có tính phên dậu của Tổ quốc với rất nhiều trọng điểm đánh phá dồn dập có tính hủy diệt, trong đó sân bay Yên Bái là một trong những mục tiêu hủy diệt đầu tiên của không quân Hoa Kỳ.
Đây là mục tiêu quân sự quan trọng nhằm khống chế hoạt động của không quân Mỹ ở vùng Tây Bắc. Ra đời trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của không quân Mỹ, sân bay Yên Bái là một trong ba sân bay quân sự chiến lược của miền Bắc được xây dựng từ đầu những năm 1960. Thực hiện nhiệm vụ này, gần 10 nghìn hộ dân Yên Bái đã di chuyển, giải phóng mặt bằng với diện tích trên 1.000ha để phục vụ cho nhiệm vụ quân sự thời chiến. Chiếm giữ vị trí đặc biệt của tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài từ nước ngoài viện trợ vào Việt Nam; các máy móc, thiết bị xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà qua ga Yên Bái..., tỉnh Yên Bái trở thành mục tiêu hủy diệt mà địch tàn phá, đánh đi đánh lại nhiều lần. Tại công trường xây dựng sân bay Yên Bái, có ngày địch dùng tới 46 lượt máy bay oanh tạc liên tục, như trận ngày 31/5/1966 gây cho ta nhiều tổn thất nặng nề cả về người và của cải vật chất.
Sân bay Yên Bái hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1968, trở thành một trong những căn cứ không quân quan trọng bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị không quân nhân dân Việt Nam. Năm 1972 tại sân bay này, với chiến thuật “tiêu diệt địch bảo vệ mục tiêu”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng thắng số lượng đông”, Trung đoàn 925 đã xuất kích chiến đấu và đã đánh thắng ngay trận đầu cùng nhiều trận không chiến tiếp theo, bắn rơi 8 máy bay Mỹ... Thời kỳ này, thực hiện lời kêu gọi: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chủ tịch, phối hợp với bộ đội chủ lực, quân dân Yên Bái đã bắn rơi 115 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay thứ 800 ở miền Bắc được Bác Hồ gửi thư khen ngợi...
Một trong những chiến công trên mặt trận chiến đấu trên không đã đi vào lịch sử của không quân nhân dân Việt Nam đó là ngày 27/12/1972, từ sân bay Yên Bái, phi công Phạm Tuân đã thực hiện chuyến bay chiến lược, xuất kích chiến đấu bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.
Nhớ lại trận đánh lịch sử ấy, Trung tướng - phi công Phạm Tuân kể: “Đêm ngày 27/12/1972, khoảng 1 rưỡi chiều, tôi bay lên Yên Bái. Hôm ấy thời tiết mây thấp, chúng tôi chỉ bay trên độ cao địa tiêu khoảng 50 - 100m. Không biết đêm đó thế nào mà địch lại không đánh, thường thì đêm nào chúng cũng đánh ở sân bay Yên Bái nên không thể cất cánh được. Nhưng đêm 27, đến 10h địch vẫn không đánh, chúng tôi cứ chờ. Thường thường F111 đánh rồi thì B-52 mới vào nhưng không biết có phải nơi này là mảnh đất thiêng mà đêm tôi lên Yên Bái địch lại không đánh gì cả. Lúc 22h 20 phút, tôi được lệnh cất cánh trên chiếc máy bay Mig - 21 số hiệu 5121 từ sân bay Yên Bái. Lên khỏi mây thì đã nhìn thấy F4 đang quần ở đấy rồi. Mục tiêu của mình là chỉ nhằm vào B-52 thôi nên không nghĩ gì khác. Có lẽ địch cũng bất ngờ không biết ta cất cánh từ sân bay Yên Bái lên tiếp cận được nên chúng vẫn cứ đi thẳng. Được sự dẫn dắt của Sở chỉ huy Trung tâm, Sở chỉ huy sân bay Yên Bái, Sở chỉ huy Mộc Châu và các đơn vị ra đa theo rõi, bám sát đến Sơn La, phát hiện được đội hình B-52 của địch, chỉ huy bay dẫn đường nhắc tôi bắn tên lửa, bắn hai quả, nhiều thứ lắm. Tôi nói là cứ yên tâm, tôi sẽ bắn rơi B-52. Vào đến khoảng 4km, sở chỉ huy lệnh: Số hiệu 361 – 361 bắn, thoát ly ngay bên trái. Đến khẩu lệnh thứ 3: bắn, thoát ly ngay bên trái, tôi chỉnh lại điểm ngắm, đi ngang chiếc máy bay đi sau, bắn vào máy bay B-52 đi phía trước. Bắn xong kéo ngửa trở lại thì thấy điểm nổ rất to ở bên dưới, tôi vui mừng báo về sở chỉ huy là cháy rồi...”.
Siêu pháo đài bay B-52, niềm kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ đã bị tiêu diệt tại chỗ, thoát ly chiến đấu, phi công Phạm Tuân trở về sân bay Yên Bái hạ cánh an toàn. Chiến công của ông là đỉnh cao chiến thắng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, tô thắm thêm truyền thống anh hùng của không quân nhân dân Việt Nam, góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược trong 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ, ghi dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Trung tướng, phi công Phạm Tuân (người thứ 2 trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm sân bay Yên Bái.
Trung tướng Phạm Tuân bộc bạch: “Tôi là người rất may mắn đã bắn rơi B-52 của địch. Với tôi, chiến thắng này thuộc về Đảng, đặc biệt là vị lãnh tụ thiên tài kính yêu của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã nhìn nhận rõ bản chất của kẻ thù, đánh giá đúng âm mưu của địch và phán đoán được đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội nên đã chuẩn bị rất tốt về lực lượng, phương tiện, ý chí quyết tâm, rèn luyện bản lĩnh cho bộ đội không quân. Và chúng tôi đã chiến thắng, nghĩa là không quân đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình tham gia góp phần vào chiến thắng 12 ngày đêm, dẫn đến ký kết hiệp định hòa bình ở Việt Nam và đỉnh cao là chiến thắng năm 1975. Dân tộc Việt Nam đã giải phóng trọn vẹn đất nước, Bắc - Nam hai miền sum họp một nhà”...
Nằm trong đội hình của Sư đoàn không quân 371, có vị trí ý nghĩa quan trọng, là tuyến đầu chiến lược bảo vệ bầu trời vùng Tây Bắc của Tổ quốc và là căn cứ chiến đấu cho các đơn vị của Sư đoàn bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, sân bay Yên Bái đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, bảo vệ vững chắc và bình yên vùng trời Tây Bắc của Tổ quốc, cùng cả dân tộc làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 - đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Đây còn là cái “nôi” đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và phát triển nhiều cán bộ, phi công trưởng thành, trở thành những cán bộ cấp cao của quân đội và không quân nhân dân Việt Nam. Trước những yêu cầu nhiệm vụ quân sự trong tình hình mới, tháng 1 năm 2014, Trung đoàn 931 sân bay Yên Bái được rút gọn thành Tiểu đoàn căn cứ sân bay Yên Bái, có nhiệm vụ quản lý, cảnh giới vùng trời Tây Bắc của Tổ quốc, sẵn sàng làm căn cứ dự bị cho các hoạt động bay quân sự...
Tự hào về những trang sử vàng chói lọi mà lớp lớp cha anh đã viết nên trong Chiến dịch Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, mỗi cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn căn cứ sân bay Yên Bái hôm nay luôn ý thức rất rõ nhiệm vụ vinh quang song cũng rất đỗi nặng nề mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tin tưởng giao phó; phát huy truyền thống đoàn kết quân dân, củng cố vững chắc trận địa lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; tiếp bước cha anh tô thắm thêm bản hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Cứ như sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử khi năm nay - năm bản lề giữa hai kỳ Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI và XII, cũng là năm kỷ niệm chẵn rất nhiều sự kiện trọng đại của tỉnh và của đất nước: 115 năm ngày thành lập tỉnh Yên Bái; 70 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 85 năm Ngày thành lập Đảng; 70 năm Ngày thành lập nước, đặc biệt là sự kiện 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước...
YBĐT - Sau khi Tiểu đoàn Yên Ninh I thành lập, chỉ hơn nửa năm sau (từ tháng 2 đến tháng 6 của năm 1968), tỉnh Yên Bái liên tiếp huy động, huấn luyện thêm 3 tiểu đoàn nữa với trên 2.000 người nối nhau ra trận. Thật khó lý giải vì sao vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến, hàng ngàn người con Yên Bái lên đường dễ dàng đến thế? Nhưng chắc chắn có một động lực cao cả, đó là vì tình yêu Tổ quốc đến cháy bỏng con tim những chàng trai thuở ấy!
Sáng 29-4, Lễ hội Thống nhất non sông với nghi lễ thượng cờ diễn ra trang trọng tại kỳ đài Hiền Lương (Quảng Trị).
Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, phấn đấu xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn
Đúng 7h sáng nay - 30-4, chương trình Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra. Hànộimới trân trọng đăng toàn văn bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ kỷ niệm.