Dự Đại hội, về phía Trung ương có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu II; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Dức Duy- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng cùng 225 đại biểu tiêu biểu đại diện cho hơn 40 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh tham dự Đại hội.
Quang cảnh Đại hội.
Diễn văn khai mạc do Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trình bày khẳng định: Với tinh thần "Các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ III - năm 2019 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đổi mới, sáng tạo, đưa Yên Bái tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường đổi mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Đại hội.
Báo cáo chính trị trình tại Đại hội do đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội trình bày nêu rõ: Với 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 56,24%, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực. Hàng ngàn tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội đã giúp các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc được triển khai, thực hiện và phát huy hiệu quả.
Các công trình hạ tầng thiết yếu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm hơn 4% /năm. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo giảm từ 6-8%/năm. Các chính sách định canh định cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch đã giúp đồng bào ổn định cuộc sống.
Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển Đảng tiếp tục được chú trọng, củng cố và giữ vững từ tỉnh đến cơ sở, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy, đã góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ý kiến của đại biểu La Thị Bình - Xã Yên Thắng, huyện Văn Yên:
Ý kiến của đại biểu Giàng A Chang - huyện Trạm Tấu:
Đại hội đã đề ra 13 mục tiêu cụ thể, 7 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019 – 2024.
Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung tham luận, đưa ra nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong giai đoạn mới…
Ý kiến của đại biểu Dương Thị Ngân - huyện Văn Chấn:
Ý kiến của đại biểu Vừ Thị Ninh - Huyện Mù Cang Chải:
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái với việc đã thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là công tác giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo được triển khai phù hợp đối tượng và hiệu quả.
Để tiếp tục làm tốt công tác dân tộc trong thời gian tới, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong rằng tỉnh Yên Bái sớm có kế hoạch cụ thể triển khai "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thực hiện từ năm 2021 ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt để vùng dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển.
Cùng với đó, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đầu tư, tạo sinh kế bền vững, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt trong năm 2020 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội, đồng chí đề nghị tỉnh Yên Bái chọn cử đoàn đại biểu tham dự Đại hội theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương để tham gia hiệu quả vào các hoạt động, góp phần vào thành công của Đại hội.
Đồng chí tin tưởng, đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn, phát huy bản sắc mỗi dân tộc, xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng giàu đẹp.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng hoa
chúc mừng Đại hội
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc mà cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong chặng đường vừa qua.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Đại hội.
Trước đòi hỏi thực tiễn và yêu cầu phát triển của tỉnh, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh một số vấn đề về công tác dân tộc trong giai đoạn tới.
Đó là, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tiếp tục quan tâm chăm lo và phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào, tự tôn dân tộc, một lòng một dạ sắt son theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; chống tư tưởng, tâm lý dân tộc cực đoan, cục bộ, dân tộc hẹp hòi; kiên quyết đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lừa gạt, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về vai trò, sức mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước; mọi cơ chế, chính sách ban hành đều phải hướng tới "đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.
Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo tỉnh Yên Bái trao đổi với các đại biểu dự Đại hội.
Cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh tiếp tục đổi mới xây dựng chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, coi trọng việc giữ gìn, bảo tồn, khôi phục phong tục, tập quán và những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; bảo đảm tốt an ninh nông thôn, an ninh ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện...
Dịp này, Tỉnh ủy đã trao tặng Đại hội bức cờ thêu mang dòng chữ: "Các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà tặng Đại hội bức cờ thêu mang dòng chữ "Các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”.
Đại hội cũng đã hiệp thương chọn cử đoàn đại biểu gồm 41 đại biểu chính thức và 9 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II - năm 2020 và thông qua Quyết tâm thư của Đại hội.
Một giờ học chữ, số của các cháu lớp Lớn B, Trường Mầm non Hoa Phượng (thị xã Nghĩa Lộ) thật vui vẻ. Những khuôn mặt rạng ngời, đầy phấn khích khi cô giáo hướng dẫn chữ và số trên chiếc bảng nhỏ.
Hiệp định này mở đường để Việt Nam có thể tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng mang tính chất nhân đạo, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là toàn quyền lựa chọn lĩnh vực, mức độ tham gia phù hợp với chính sách đối ngoại, nhu cầu và khả năng của mình.
Sáng 18/10, trước giờ diễn ra Đại hội chính thức, đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ III, năm 2019 đã đặt vòng hoa, dâng hương, kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh và dâng hương, báo công với Bác tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.