Sau cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, trong tuyên cáo của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền được thành lập. Từ đó đến nay, ngày 28/8 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành văn hóa - thông tin. Trong 75 năm qua, lịch sử xây dựng và phát triển của ngành luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng của dân tộc.
Trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Chính phủ, ngành đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, văn hóa như một vũ khí sắc bén; là sợi dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến, cổ vũ tinh thần yêu nước, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên toàn quân, toàn dân quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động giữ vị trí hàng đầu trong 5 bước công tác cách mạng theo phương châm "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Trong thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Những "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đã biết đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền và nâng công tác tuyên truyền thành nghệ thuật, góp phần tạo nên sức mạnh vô song giúp quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975), văn hóa - nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Cùng với nhân dân cả nước, hàng ngàn cán bộ, văn nghệ sĩ đã làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu và sản xuất, làm tăng thêm sức sống tinh thần của quân và dân ta góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 của dân tộc.
Sau ngày đất nước thống nhất, hoạt động văn hóa - nghệ thuật tiếp tục phát huy vai trò xung kích, đã động viên, khích lệ nhân dân các dân tộc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bằng việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.
Văn hóa trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, cổ vũ toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới, loại bỏ các hủ tục, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giai đoạn hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái được triển khai có hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Ngành văn hóa - thể thao và du lịch đã làm tốt chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
Công tác thông tin tuyên truyền, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hoạt động văn hóa quần chúng, tổ chức chiếu phim lưu động, triển lãm phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh được triển khai đồng bộ với nội dung, hình thức phong phú, hiệu quả tuyên truyền cao.
Đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh có 111 di tích đã được xếp hạng; 714 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó, 3 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Yên Bái đang phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nghệ thuật xòe Thái, dự kiến đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đợt xét năm 2021.
Toàn tỉnh hiện có 7 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, 15 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm trong tỉnh diễn ra trên 40 lễ hội tín ngưỡng dân gian và lễ hội tại các di tích lịch sử văn hóa.
Đặc biệt, đến nay, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc còn được gắn liền với việc phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các dân tộc và tổ chức các hoạt động lễ hội, du lịch như: Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò; Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên…
Qua đó, đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái, tạo động lực đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Yên Bái trở thành số ít những địa phương ở vùng Tây Bắc cũng như cả nước được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đánh giá là một trong những tỉnh điển hình về bảo tồn, phát triển nền văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số.
Với những thành tựu đạt được, ngành văn hóa - thể thao và du lịch được Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhất; nhiều năm liền được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu thi đua và nhiều bằng khen của Chính phủ, bộ, ngành.
Bước tiếp chặng đường 75 năm truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ đi trước, toàn ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tăng cường quản lý nhà nước, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ văn hóa với nhiệm vụ chính trị; thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần đưa sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh ngày càng phát triển bền vững, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lê Thị Thanh Bình
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch