Tổng kết cuộc thi viết, thi ảnh trên Bái Yên Bái năm 2008:

Các tác phẩm đã góp phần nâng cao chất lượng tờ báo Đảng

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thực hiện phương châm “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, những năm qua, Báo Yên Bái đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tờ báo Đảng về cả nội dung lẫn hình thức.

Đồng chí Phạm Thanh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo trao giải cho các tác giả đoạt giải tham gia thi viết
Đồng chí Phạm Thanh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo trao giải cho các tác giả đoạt giải tham gia thi viết "Làm theo lời Bác".

Tiếp theo các cuộc thi trước, cuộc thi Viết phóng sự trên Báo Yên Bái, thi Ảnh “Yên Bái trên đường đổi mới” (Lần III) và cuộc thi viết “Làm theo lời Bác”, được Báo Yên Bái phát động từ tháng 3 năm 2008; để thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm tác phẩm tham gia dự thi.

Từ ngày 20 đến 30.10.2008, Hội đồng chung khảo đã chọn 143 tác phẩm đưa vào chấm giải. Kết quả 50 tác phẩm xuất sắc nhất đã được trao giải chính thức: gồm 19 tác phẩm phóng sự, 19 tác phẩm ảnh, 12 tác phẩm “Làm theo lời Bác”. Điều đó cho thấy, đây là các cuộc thi có uy tín, thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực của các nhà báo, các cộng tác viên - thông tín viên (CTV-TTV) và bạn đọc.

Phóng sự là thể tài chủ lực của báo chí. Dưới góc nhìn sắc sảo của người cầm bút, phóng sự có thể đề cập, khai thác tất cả các mảng đề tài đa dạng của cuộc sống. 33 tác phẩm được chọn để chấm giải, 19 tác phẩm đã được trao giải chính thức, là những tác phẩm xuất sắc, ở nhiều góc độ, qua lăng kính chủ quan của người cầm bút đã phản ánh thực tiễn bằng nhiều gam màu sinh động.

Đáng chú ý, ở cuộc thi này, con người đã trở thành trung tâm của nhiều tác phẩm với những cảnh đời, những éo le, nghiệt ngã nhưng đã vươn lên trong sự bao dung, nhân ái, giúp đỡ của cộng đồng. Đó là một “Huy cá hồi” trong Trang đời mới của Huy của tác giả Tuấn Anh. Huy từng là tội phạm ma tuý, nay trong sự bao dung, nhân ái của cộng đồng đã “tự mình viết lên trang đời mới dưới ánh sáng mặt trời”; Rồi những thanh niên không may nhiễm HIV vẫn vươn lên sống có ích cho đời trong Những nhành ban nở muộn của tác giả Thanh Hương; và những người khuyết tật, thân phận thiệt thòi nay đứng trước cơ hội tự làm chủ đời mình nhờ vòng tay nhân ái của xã hội trong Đàn bò vàng của người khuyết tật (Tô Anh Hải); Hay nhân vật ông Hà Văn Tích ở xã Đại Lịch, (Văn Chấn), người đã bao năm tận tâm tận lực sưu tầm, gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống, lịch sử của quê hương như giữ hồn cho làng, cho đất trong Người giữ hồn làng (Đinh Anh Tuấn)…

Mảng đề tài xã hội chiếm đa số trong các tác phẩm dự thi và đoạt giải. Đó là các tác phẩm viết về tệ nạn ma tuý và những vấn đề đặt ra trong công tác phòng chống ở vùng cao, vùng giáp ranh trong Pú Cang - rốn ma tuý ở Mù Cang Chải  (Lê Phiên-Văn Thông); những bất cập trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai trong Ra hồ Thác Bà nghe chuyện đi cai (Nguyễn Viết Tôn); những day dứt, trăn trở cùng đề xuất mang tính cấp thiết với công tác giáo dục - đào tạo trong Nỗi niềm học sinh bán trú (Minh Đức), Vì sao nhiều học sinh THPT-THCS vùng cao bỏ học? (Nguyễn Giang);

Những tác phẩm lên án nghiêm khắc sự buông lỏng trong công tác quản lý để xảy ra vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong Trồng mới rừng đầu nguồn - lòng dân chưa yên (Ngọc Tú); Túc Đán-một vụ phá rừng rất ngang nhiên (Anh Dũng- Đức Thành). Đây là 2 tác phẩm được UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp xem xét những vấn đề Báo Yên Bái nêu ra. Đồng thời còn nhiều tác phẩm khác đề cập những vấn đề trăn trở, bức xúc của tỉnh, của địa phương, đã được các ngành, các cấp hoan nghênh, xem xét điều chỉnh những vấn đề mà Báo nêu có thể nói. Từ các tác phẩm báo chí trong cuộc thi viết phóng sự đã góp một phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.   

Đồng chí Bùi Anh Túy - Tổng biên tập Báo Yên Bái, Trưởng Ban tổ chức giải trao giải cho các tác giả đoạt giải thi viết "Ký và phóng sự".

Cùng với cuộc thi viết phóng sự, cuộc thi Ảnh “Yên Bái trên đường đổi mới” (lần III), ngay sau khi phát động Báo Yên Bái đã nhận được sự tham gia tích cực, thường xuyên của các nhà báo, CTV-TTV và đông đảo bạn đọc. Từ những nhà báo, nhà nhiếp ảnh, những CTV-TTV giỏi nghề, tinh nghiệp đến những người mới vào nghề, mới cầm máy, đều hăng hái tham gia.

Quê hương Yên Bái đổi mới đi lên với những sắc màu tươi sáng là cảm hứng vô tận để những người cầm máy sáng tạo. Một Nhà máy Xi măng Yên Bình của nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Miền trong tác phẩm Con tàu công nghiệp hóa đã tạo ấn tượng mạnh cho người xem không chỉ vì nghệ thuật ánh sáng, tác giả đã vẽ bằng ống kính một Yên Bái như con tầu đang tăng tốc trên đường CNH-HĐH, bố cục ảnh rõ ràng, không cầu kỳ nhưng có chủ ý, cái mới và cũ đan xen, làm nổi bật chủ đề. Vẻ đẹp của quê hương, kết tinh từ ý chí, nghị lực của con người Yên Bái được nhiều tác giả cảm nhận, diễn đạt, mô tả qua ống kính với những bố cục truyền thống, nhiều khi phá vỡ có chủ ý, đã có hiệu ứng tốt, tác động sâu sắc đến người xem.

Đó là: Nhộn nhịp công trường của Minh Tuấn, Điện đến bản làng của Vũ Chiến, Thắp sáng tương lai của Đình Nguyên, Thành quả của Tuấn Anh, Hồi sinh sau lũ của Thái Hoàng, Một góc chợ thổ cẩm của Đình Thi, Những đứa trẻ ở Chế Cu Nha của Lê Phiên, Sức sống sau lũ của Văn Tuấn, Trên đỉnh Suối Giàng của Hoàng Nhâm… 88 tác phẩm ảnh được chọn chấm và 19 tác phẩm ảnh được trao giải không chỉ là “một cuộc chơi về ánh sáng” mà thực sự là những sáng tạo hết sức nghiêm túc, gian khổ, kỳ công của những người cầm máy, những “con ong” miệt mài, cần mẫn đi tìm “mật ngọt trong vườn hoa” của quê hương đổi mới.

Hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Báo Yên Bái đã phát động cuộc thi viết "Làm theo lời Bác". Cùng với thành công của cuộc thi viết phóng sự và cuộc thi ảnh, cuộc thi viết Làm theo lời Bác đã thu hút được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, các bạn TTV-CTV, bạn đọc trong tỉnh.

Nhiều tác giả là nhà báo, là TTV-CTV đã có từ 2 - 4 tác phẩm tham dự, mỗi tác phẩm là một câu chuyện về nhận thức, việc làm, tình cảm của các thế hệ cán bộ, nhân dân, chiến sỹ LLVT với Bác thông qua những hành động và kết quả cụ thể. Đó là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Duy Thanh tận tuỵ với sự nghiệp “trồng người”, một đời theo gương Bác trong tác phẩm Rực sáng màu phượng đỏ (Đình Tứ); những thương binh “tàn nhưng không phế”, vượt qua thương tật, xây dựng mô hình kinh tế mới trong Mãi là người lính đi đầu (Nguyễn Giang); Người chiến sỹ công an quả cảm, mưu trí, tâm nguyện lời Bác, cương quyết đấu tranh chống tội phạm trong Khắc tinh của tội phạm về ma tuý (Chí Dân); Rồi cô gái Dao tật nguyền, kiên trì vượt khó, ham học hỏi, giàu ý chí vươn lên trong Nguyện ước không "tật nguyền" (Thu Hạnh).

Có thể nói, cuộc thi viết “Làm theo lời Bác” đã vượt ra khỏi khuôn khổ một cuộc thi viết mang tính nghiệp vụ, mà đã góp phần cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc, chiến sỹ LLVT hăng hái thi đua học tập và làm theo lời Bác. Từ Làm theo lời Bác ở ngôi trường mang tên Bác (Ngọc Tú), Một bệnh xá quân y làm theo lời Bác (Hồng Thanh Tâm), Đồng bào Mường làm theo lời Bác (Hoàng Nhâm) đến Chúng tôi C20 (Huy Trung), Thơm thảo những tấm lòng (Lê Phiên), Trưởng đài truyền thanh “Ba nhất” (Thanh Bình), Vẫn như nghe lời Bác dặn dò (Bùi Văn Tòng)… tất cả đều dâng lên niềm kính phục, tin yêu lãnh tụ vô bờ bến thông qua những việc làm cụ thể dâng lên Bác.

22 tác phẩm đã được ban tổ chức chọn lựa chấm và 12 tác phẩm xuất sắc nhất đã được trao giải. Điều đó khẳng định, thành công của cuộc thi không chỉ ở số lượng tác phẩm dự thi và được trao giải, mà ở chỗ, nó đã góp phần cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc, hăng hái thi đua học tập và làm theo lời Bác, góp phần xây dựng Đảng và hoàn thành nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác.

Thành công của các cuộc thi, trước hết, là thành công trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, từ đó, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tờ báo Đảng. Sự tham gia nhiệt tình của các nhà báo, các bạn TTV-CTV và bạn đọc là nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công đó.

Tuy nhiên, công bằng đánh giá, chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm làm rung động lòng người. Mảng đề tài về dân tộc vùng cao, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, những tấm gương cán bộ, đảng viên hết lòng vì sự nghiệp của Đảng, phục vụ nhân dân chưa nhiều. Đáng tiếc, nhiều tác phẩm đã chọn trúng vấn đề, nhưng người viết yếu về văn phong, ngôn ngữ, kết cấu đơn giản, góc nhìn và khả năng khái quát chưa cao, tư duy còn theo lối mòn, thiếu sáng tạo, vì thế chưa đạt giải hoặc giải chưa cao. Một số tác phẩm chưa đúng thể loại, hoặc thể loại không rõ ràng, nhất là những tác phẩm ảnh: nhiều tác phẩm chưa bám sát chủ đề cuộc thi là “Yên Bái trên đường đổi mới”, hay chỉ coi trọng tính nghệ thuật, thiếu tính thời sự báo chí.

Cuộc thi viết “Làm theo lời Bác”, một số tác phẩm mới dừng lại ở việc nêu tên, nêu việc chung chung, chứ chưa đi sâu vào tâm tư, tình cảm của nhân vật, động lực của cá nhân, đơn vị trong thực hiện cuộc vận động và làm theo lời Bác; còn thiếu những tác phẩm viết về vùng cao, đồng bào dân tộc, những tấm gương dung dị, đời thường… Dù còn những tồn tại của cuộc thi nhưng chúng tôi thấy rằng năm 2008 với 3 cuộc thi trên Báo Yên Bái đã góp phần quan trọng làm cho diện mạo và chất lượng tờ báo của Đảng bộ tỉnh được nâng lên. Nhiều tác phẩm thực sự đã có tác động rất tốt đến đời sống xã hội, góp phần phát triển của một tỉnh miền núi.

Sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo đòi hỏi báo chí, trong đó, Báo Yên Bái với vai trò, vị trí là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái phải làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình. Việc tổ chức các cuộc thi viết, thi ảnh trên báo là một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng tờ báo, tạo động lực tinh thần động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ hội nhập, đẩy nhanh CNH-HĐH, xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển trong khu vực.

Tuy còn một số hạn chế, song có thể khẳng định, các cuộc thi viết phóng sự, thi ảnh “Yên Bái trên đường đổi mới” (Lần III) và thi viết “Làm theo lời Bác” trên Báo Yên Bái đã thành công. Đây sẽ là cơ sở để các cuộc thi do Báo Yên Bái phát động tới đây sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

YBĐT

Các tin khác

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, chiều 4-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và TP Hà Nội, triển khai các biện pháp cấp bách đối phó với thiên tai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước trong thời gian qua và quyết tâm làm sâu sắc hơn, đưa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới trong những năm tới.

Ông Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Hoàng Thương Lượng đã tham gia ý kiến về các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đợt mưa lũ những ngày vừa qua ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung làm thiệt hại lớn về người, tài sản. Ngày 3-11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các bộ ngành và các tỉnh thành Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị chết, bị thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục